Phú Yên với 180 ngày hành động tháo gỡ “thẻ vàng” thủy sản

Thứ Tư, 22/03/2023, 07:40

Là một trong 28 tỉnh, thành phố trong cả nước có tiềm năng kinh tế biển, trong những năm qua tỉnh Phú Yên đã và đang huy động sức manh tổng hợp của hệ thống chính trị, quyết liệt triển khai thực hiện nhiều giải pháp góp phần khắc phục cảnh báo “thẻ vàng” của Ủy ban châu Âu (EC) đối với thủy sản Việt Nam.

Và mới đây, Phú Yên cũng là địa phương thực hiện khá quyết liệt Quyết định số 81/QĐ-TTg ngày 13/2/2023 của Thủ tướng Chính phủ về kế hoạch hành động chống khai thác thủy sản (KTTS) bất hợp pháp, không khai báo và không theo quy định (IUU).

Khi chúng tôi đến Sở NN&PTNT tỉnh Phú Yên cũng là ông Đào Quang Minh, Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản Phú Yên vừa kết thúc cuộc kiểm tra thực tế tại cảng cá Phú Đông đã phải trở về cơ quan rà soát hồ sơ để ban hành quyết định xử phạt 3 trường hợp vi phạm hành chính trong lĩnh vực thủy sản. Trong khi đó, ông Hà Ngọc Tiên, Trưởng phòng Thanh tra Pháp chế điều hành hai tổ công tác phối hợp Bộ đội Biên phòng (BĐBP) Phú Yên và chính quyền địa phương lên tàu KN-789 PY, thực thi nhiệm vụ thanh tra hoạt động KTTS vùng biển phía Nam thị xã Sông Cầu.

Phú Yên với 180 ngày hành động tháo gỡ “thẻ vàng” thủy sản -0
Ngư dân đưa cá ngừ đại dương từ tàu cá lên cảng.

Trò chuyện với PV Báo CAND, ông Đào Quang Minh cho biết, Phú Yên có bờ biển dài 189km, đi qua 25 xã, phường thuộc thị xã Sông Cầu, huyện Tuy An, TP Tuy Hòa và thị xã Đông Hòa. Nơi đây là điểm khởi phát nghề câu cá ngừ đại dương ở khơi xa, nhưng số lượng tàu cá ít hơn hai tỉnh Bình Định, Khánh Hòa ở kế bên. Theo đó, Phú Yên hiện có 1.921 tàu cá, trong đó có 652 tàu cá dài trên 15m KTTS vùng khơi, 608 tàu cá dài 12-15m hoạt động vùng lộng và 661 tàu cá dài dưới 12m hành nghề vùng biển ven bờ. Sản lượng KTTS ở Phú Yên trong năm 2022 đạt 63.520 tấn, trong đó có hơn 3.300 tấn cá ngừ đại dương. Đến thời điểm này, 98,16% tàu cá KTTS vùng khơi đã lắp đặt thiết bị giám sát hành trình để các cơ quan chức năng kiểm soát từ xa, 1,84% còn lại là 13 tàu cá nằm bờ từ lâu hoặc đang giải quyết tranh chấp dân sự.

Theo thống kê trong vòng 10 năm (2010-2019), Phú Yên có 14 tàu cá gồm 94 ngư dân xâm phạm vùng biển nước ngoài KTTS bị lực lượng chức năng quốc gia sở tại bắt giữ. Nghiêm trọng hơn nữa là cuối tháng 9/2017 đã có trường hợp hai ngư dân trên tàu cá PY-96173TS do ông Phạm Tô (SN 1979, trú ở phường Phú Đông, TP Tuy Hòa) làm thuyền trưởng bị Hải quân Philippines bắn chết; thuyền trưởng cùng 4 người còn lại bị bắt giữ, hai tháng sau mới được hồi hương. Và điều đáng ghi nhận là hơn 3 năm gần đây (2020-2022), không có tàu cá nào của ngư dân Phú Yên bị bắt giữ do xâm phạm vùng biển nước ngoài KTTS. “Đó là kết quả Phú Yên huy động sức mạnh tổng hợp hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở, triển khai thực hiện nhiều biện pháp, giải pháp tích cực chống khai thác IUU”, ông Minh cho biết.

Bằng nhiều hình thức trực quan, sinh động, dễ hiểu, Chi cục Thủy sản, Ban Quản lý cảng cá thuộc Sở NN&PTNT thường xuyên phối hợp Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh Phú Yên cùng chính quyền, Công an thị xã Sông Cầu, huyện Tuy An, TP Tuy Hòa, thị xã Đông Hòa và 25 xã, phường trên tuyến biên phòng... đẩy mạnh công tác tuyên truyền sâu rộng Luật Thủy sản và các văn bản pháp luật có liên quan. Trong đó có đề cập đến những biện pháp khắc phục cảnh báo “thẻ vàng”, hậu quả thiệt hại về người và tài sản khi tàu cá bị bắt giữ do xâm phạm vùng biển nước ngoài KTTS, các hình thức xử lý vi phạm, những bất lợi về kinh tế xuất khẩu thủy sản nếu không quyết liệt chống khai thác IUU. Từ đó tạo chuyển biến tích cực và nâng cao nhận thức trách nhiệm của các chủ tàu cá, thuyền trưởng và ngư dân. Mặt khác, toàn bộ tàu cá ở Phú Yên được phép KTTS vùng khơi đều sớm lắp đặt thiết bị giám sát hành trình; từ hệ thống thiết bị này, hơn 3 năm qua, các cơ quan chức năng ở Phú Yên đã phát hiện, cảnh báo gần 950 trường hợp tàu cá mất kết nối giám sát hành trình, kịp thời ngăn chặn 17 tàu cá có nguy cơ xâm phạm vùng biển nước ngoài.

Đại tá Nguyễn Ngọc Minh, Chính ủy BĐBP tỉnh Phú Yên cho biết, từ phong trào “Toàn dân tham gia bảo vệ chủ quyền biển, đảo và ANTT khu vực biên giới biển”, BĐBP phối hợp chính quyền, Công an địa phương xây dựng và tổ chức hoạt động hiệu quả 81 “Dòng họ tự quản về ANTT” với 709 gia đình; 170 tổ sản xuất an toàn trên biển, 5 bến bãi an toàn và 60 tàu cá sẵn sàng tham gia đấu tranh xâm phạm chủ quyền các vùng biển Việt Nam… thu hút 2.441 ngư dân tham gia. Các tổ chức này cùng với 165 đảng viên của các Đồn Biên phòng Xuân Hòa, Xuân Đài, An Hòa Hải, Tuy Hòa, Hòa Hiệp Nam và Cửa khẩu cảng Vũng Rô được giới thiệu sinh hoạt tại 61 chi bộ thôn – khu phố ven biển, đã phát huy hiệu quả tuyên truyền, giám sát, phối hợp đấu tranh chống khai thác IUU.

Bên cạnh kết quả đạt được sau hơn 3 năm không để tàu cá nào xâm phạm vùng biển nước ngoài KTTS bị bắt giữ, vẫn còn 86 vụ vi phạm hành chính của 87 tàu cá đã bị các cơ quan chức năng ở Phú Yên xử lý theo quy định pháp luật. “Dự báo “cuộc chiến” chống IUU có nhiều khó khăn, thử thách, nên những năm qua tỉnh Phú Yên luôn xác định đây là nhiệm vụ thường xuyên. Đặc biệt là trong hành trình cao điểm 180 ngày hành động chống khai thác IUU, tỉnh Phú Yên đã và đang quyết liệt triển khai nhiều biện pháp tích cực, kết hợp tăng cường kiểm tra, kiên quyết xử lý vi phạm... để cùng cả nước sớm khắc phục cảnh báo “thẻ vàng” của EC”- ông Lê Tấn Hổ, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Phú Yên chia sẻ.

Hữu Toàn
.
.
.