Phát triển nguồn nhân lực để vận hành mô hình “Hải quan hiện đại”

Chủ Nhật, 26/09/2021, 08:11

Trong chiến lược phát triển ngành Hải quan giai đoạn 2021-2030 đã nêu rõ mục tiêu của ngành Hải quan là hướng tới “hải quan số”, “hải quan thông minh”. Để chuẩn bị cho mô hình “Hải quan hiện đại”, ngành Hải quan đã thực hiện nhiều giải pháp, trong đó tập trung vào công tác phát triển, đào tạo nguồn nhân lực.

Phó Vụ trưởng, Phó Trưởng ban phụ trách Ban Cải cách hiện đại hóa Hải quan, Tổng cục Hải quan (TCHQ) Lương Khánh Thiết cho biết, lãnh đạo TCHQ vừa ký quyết định phê duyệt Kiến trúc tổng thể hướng tới “hải quan số”.

Kiến trúc tổng thể hướng tới “hải quan số” nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của cơ quan Hải quan và chất lượng phục vụ người dân, doanh nghiệp; hướng tới “hải quan số” dựa trên dữ liệu lớn và dữ liệu mở với mục tiêu lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm; tạo nền tảng cho cơ quan Hải quan tiếp cận, nắm vai trò chủ động, kiến tạo và đi đầu trong việc chuyển đổi sang “hải quan số” hiện đại tại Việt Nam.

Phát triển nguồn nhân lực để vận hành mô hình “Hải quan hiện đại” -0
Tổng cục Hải quan đang xây dựng mô hình luân chuyển để đào tạo, bồi dưỡng cho các cấp, đơn vị nghiệp vụ.

Hiện, TCHQ đang tiếp tục đẩy mạnh xây dựng và triển khai thực hiện mô hình quản lý nguồn nhân lực (QLNNL) theo năng lực dựa trên vị trí việc làm (VTVL), các chính sách phát triển nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu quản lý hải quan tập trung, thông minh. Trung bình mỗi năm, TCHQ tổ chức khoảng 150 lớp đào tạo, bồi dưỡng các loại, với khoảng 17.000 lượt công chức, viên chức tham gia các khóa đào tạo, bồi dưỡng trong nước.

Mô hình “Hải quan thông minh” là mô hình có mức độ tự động hóa cao, ứng dụng thành tựu khoa học công nghệ mới và hiện đại trên nền tảng số, phi giấy tờ, đảm bảo tính minh bạch, công bằng, hiệu lực, hiệu quả.

“Để mô hình “Hải quan thông minh” hoạt động hiệu quả, bên cạnh việc đổi mới quy trình xử lý nghiệp vụ, TCHQ còn cần có công cụ QLNNL của mình một cách thông minh cũng như những con người thông minh, đủ khả năng xây dựng và vận hành được mô hình này”, ông Lương Khánh Thiết nhấn mạnh.

Theo ông Lương Khánh Thiết, việc tổ chức thành công đánh giá năng lực đối với gần 5.000 cán bộ, công chức tham mưu thực thi nghiệp vụ tại khối cơ quan Tổng cục và các Cục Hải quan tỉnh, thành phố trong hai năm qua (2019- 2020) là tiền đề quan trọng để Tổng cục nhìn nhận lại đội ngũ cán bộ công chức của mình.

Từ đó các đơn vị có định hướng đào tạo, bồi dưỡng cũng như bố trí, sắp xếp lại đội ngũ cán bộ, công chức đảm bảo “đúng người đúng việc”; xây dựng và phát triển đội ngũ cán bộ công chức đáp ứng yêu cầu của VTVL.

Tiếp nối những kết quả tích cực về cải cách hiện đại hóa nguồn nhân lực đã đạt được thời gian quan, TCHQ đã xây dựng bài toán nghiệp vụ phân hệ QLNNL theo VTVL thuộc mô hình “Hải quan thông minh”, gồm 4 “module” chính là quản lý kết quả công việc, đánh giá năng lực công chức (cả về năng lực lý thuyết lẫn năng lực thực tiễn), đánh giá kết quả hoàn thành nhiệm vụ và quản lý hồ sơ năng lực của từng công chức theo từng VTVL.

Đây là cơ sở quan trọng giúp đảm bảo bố trí, sắp xếp, điều động, luân chuyển, đào tạo “đúng người đúng việc”; tạo sự minh bạch, công bằng, công khai trong công tác QLNNL, qua đó, nâng cao hiệu quả, hiệu suất làm việc, nâng cao năng lực cán bộ công chức, giúp TCHQ đạt được các mục tiêu đề ra.

Để phát triển nguồn nhân lực đáp ứng mô hình quản lý hải quan hiện đại, Cục trưởng Cục Kiểm định Hải quan Đỗ Văn Quang cũng cho rằng, tính chất công việc kiểm định hải quan mang tính đặc thù và rất chuyên sâu, trên cơ sở áp dụng khoa học kỹ thuật phục vụ công tác quản lý Nhà nước về hải quan và những vấn đề liên quan khác theo luật quản lý chuyên ngành.

Do vậy, đòi hỏi cần phải có đội ngũ cán bộ đủ trình độ chuyên môn, hoạt động liêm chính, có tác phong làm việc chuyên nghiệp, làm chủ được công nghệ, trang thiết bị hiện đại.

Liên quan đến vấn đề này, Phó Cục trưởng Cục Quản lý rủi ro (TCHQ) Hồ Ngọc Phan cho biết, đứng trước phương thức, thủ đoạn của các đối tượng ngày càng phức tạp, tinh vi, trong thời gian tới, Cục Quản lý rủi ro sẽ tập trung củng cố, kiện toàn cán bộ, công chức; chuyển đổi, bố trí cán bộ, công chức có kỹ năng tổng hợp, có nghiệp vụ giỏi để thực hiện công tác xác định trọng điểm... hướng đến triển khai mô hình “Hải quan thông minh”. Đặc biệt, Cục Quản lý rủi ro cũng đang chuẩn bị về mặt tổ chức theo hướng chỉ đạo của lãnh đạo TCHQ về xây dựng trung tâm xác định trọng điểm thuộc Cục.

Ông Lương Khánh Thiết cho rằng, xây dựng, phát triển nguồn nhân lực hướng đến quản lý hải quan hiện đại là trách nhiệm của toàn ngành Hải quan, trực tiếp là của các cấp uỷ, tổ chức Đảng mà trước hết là người đứng đầu đơn vị sử dụng cán bộ, công chức, viên chức. Các cục hải quan tỉnh, thành phố đóng vai trò quan trọng trong việc chủ động triển khai các phương pháp, cách thức xây dựng, phát triển nguồn nhân lực theo hướng dẫn của TCHQ tại đơn vị. Sự phối hợp chặt chẽ, nhịp nhàng giữa các vụ, cục thuộc cơ quan TCHQ và các cục hải quan tỉnh, thành phố sẽ giúp ngành Hải quan tìm được các giải pháp và tổ chức triển khai các giải pháp phát triển nguồn nhân lực một cách khoa học, hiệu quả, phù hợp thực tiễn.

Lưu Hiệp
.
.
.