Phát triển kinh tế xanh, tăng trưởng xanh trên hành lang kinh tế Đông – Tây

Thứ Ba, 02/01/2024, 08:14

Theo Hiệp hội Thương mại Hoa Kỳ tại Việt Nam, Việt Nam là một trong 10 nước ảnh hưởng lớn nhất của biến đổi khí hậu (BĐKH). Vì vậy, việc chuyển dịch năng lượng, phát triển bền vững gắn liền với tăng trưởng xanh là một xu hướng đang diễn ra trên thế giới và Việt Nam, cụ thể là miền Trung cũng không nằm ngoài xu thế này.

Tại hội thảo "Hành trình xanh cho phát triển kinh tế: Tương lai hành lang kinh tế Đông-Tây" do UBND tỉnh Thừa Thiên Huế phối hợp với Hiệp hội Thương mại Hoa Kỳ tại Việt Nam (AmCham) tổ chức vừa qua, ông Nguyễn Thanh Bình, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Thừa Thiên Huế cho biết, là một địa phương nằm trên tuyến hành lang kinh tế Đông Tây, tỉnh luôn xác định ưu tiên áp dụng các giải pháp mô hình kinh tế xanh thay thế cho mô hình kinh tế truyền thống.

Phát triển kinh tế xanh, tăng trưởng xanh trên hành lang kinh tế Đông – Tây -0
Huế ưu tiên thu hút các dự án xanh, thân thiện với môi trường.

Qua đó, nhằm thúc đẩy chuyển dịch mô hình kinh tế đô thị theo hướng tăng trưởng xanh, nâng cao năng lực cạnh tranh, đảm bảo phát triển kinh tế khu vực đô thị nhanh, hiệu quả, bền vững, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của người dân, nâng cao năng lực chống chịu và ứng phó BĐKH của đô thị trên địa bàn tỉnh. Thời gian qua, Thừa Thiên Huế đẩy mạnh hợp tác quốc tế, thu hút vốn đầu tư trực tiếp từ nước ngoài vào các lĩnh vực tăng trưởng xanh như năng lượng sạch, du lịch, công nghệ thông tin, nông nghiệp, công nghiệp, tiêu dùng…

Các chuyên gia quốc tế khẳng định chuyển dịch năng lượng là một xu hướng đang diễn ra trên thế giới và Việt Nam, cụ thể là miền Trung, không nằm ngoài xu thế này. Việt Nam nói chung và khu vực miền Trung nói riêng có những lợi thế nhất định trong việc thúc đẩy quá trình chuyển dịch năng lượng, phát triển bền vững gắn liền với tăng trưởng xanh, với những điều kiện tự nhiên và vị trí địa lý đặc thù trên tuyến hành lang kinh tế Đông-Tây. Tuy nhiên, để nắm bắt và phát huy được những cơ hội này, cần giải quyết được vấn đề cơ chế và chính sách để thu hút nguồn lực từ phía khu vực tư nhân để đồng hành cùng cơ quan quản lý trong việc phát triển năng lượng tái tạo và hướng tới đạt được các mục tiêu giảm phát thải của Việt Nam.

Bên cạnh việc chờ các chính sách từ phía Trung ương, các địa phương có thể chủ động nhận thức được các cơ hội phát triển trong quá trình chuyển dịch năng lượng và nắm bắt các cơ hội này để tạo động lực phát triển kinh tế cho chính địa phương mình. Theo ông Chris Valoon, đại diện AmCham Việt Nam, Việt Nam là một trong 10 nước ảnh hưởng lớn nhất của BĐKH.

Hoa Kỳ sẽ giúp Việt Nam nói chung và Thừa Thiên Huế nói riêng giải quyết những vấn đề phức tạp của BĐKH. Đó là hỗ trợ chuyển giao công nghệ, chia sẻ kiến thức chuyên môn, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao và các sáng kiến xanh tiên tiến. Hoa Kỳ hợp tác chặt chẽ với Chính phủ Việt Nam và các tỉnh, thành trong quá trình chuyển đổi xanh, đồng thời hợp tác chặt chẽ với cộng đồng doanh nghiệp, nhất là các ngành chủ chốt để mang lại công nghệ xanh và giúp đỡ họ trong quá trình chuyển đổi xanh.

Trong khuôn khổ hội nghị "Chính quyền địa phương và khu vực Đông Á" lần thứ 12 diễn ra ở TP Lâm Nghi, tỉnh Sơn Đông (Trung Quốc), tại hội nghị về chủ đề "Tăng trưởng xanh - Chìa khóa của phát triển bền vững", ông Nguyễn Thanh Bình cho rằng, Thừa Thiên Huế đã tập trung đẩy mạnh thực hiện và ban hành các định hướng, chính sách liên quan đến chuyển đổi và phát triển theo hướng xanh, bền vững. Tỉnh đã triển khai tốt một số luật liên quan đến tăng trưởng xanh…

Đến nay, Thừa Thiên Huế đã hợp tác có hiệu quả với Chương trình phát triển Liên Hợp Quốc trong nghiên cứu triển khai sáng kiến giao thông điện/xanh để giảm lượng khí thải trong giao thông vận tải tại địa phương; với JICA trong Dự án xử lý môi trường nước TP Huế; với KOICA trong "Dự án xây dựng TP Huế: văn hóa và du lịch thông minh"; với Công ty China Everbright International Limited về Dự án xây dựng Nhà máy điện rác Phú Sơn với công suất 600 tấn/ngày…

Từ đầu năm đến nay, trên địa bàn Khu kinh tế - Công nghiệp tỉnh Thừa Thiên Huế thu hút nhiều dự án lớn ở các lĩnh vực năng lượng môi trường, công nghệ cao… tạo ra các sản phẩm xanh, bền vững đóng góp cho quá trình phát triển kinh tế xanh. Song tỷ lệ doanh nghiệp lấp đầy khu vực này chưa cao, tạo ra trở lực lớn. Dù vậy, UBND tỉnh nhất quán trong quan điểm chỉ đạo là không đánh đổi môi trường lấy phát triển kinh tế. Lãnh đạo tỉnh Thừa Thiên Huế cho biết, có một số dự án với tỷ suất đầu tư cao đăng ký nhưng tỉnh từ chối, bởi trong quá trình thẩm định hồ sơ đã nhận thấy dự án có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường, không phù hợp với quy hoạch. Được biết, Huế là thành phố đầu tiên của Việt Nam được công nhận danh hiệu Thành phố Xanh Quốc gia.

Không chỉ Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng cũng hướng đến phát triển đô thị sinh thái. Cụ thể, 3/5 lĩnh vực kinh tế mũi nhọn của Đà Nẵng đều gắn với ứng phó BĐKH và bảo vệ môi trường. Lãnh đạo TP Đà Nẵng cho biết, nhiệm kỳ 2020-2025, trong quá trình lập quy hoạch, kế hoạch, chương trình phát triển kinh tế - xã hội, Đà Nẵng luôn lồng ghép, tích hợp các chỉ tiêu, nhiệm vụ hướng đến tăng trưởng kinh tế xanh, bền vững và tuần hoàn. Thời gian qua, Đà Nẵng được các bộ, ngành Trung ương, tổ chức trong và ngoài nước ghi nhận, đánh giá cao và đạt nhiều giải thưởng về công tác bảo vệ môi trường. Nổi bật như việc Đà Nẵng là một trong 11 thành phố bền vững về môi trường của ASEAN (năm 2011), đô thị có không khí sạch và hàm lượng carbon phát thải thấp của châu Á (năm 2012), thành phố môi trường Việt Nam (năm 2015)…

Tương tự, tỉnh Quảng Nam đang đẩy mạnh nhiều giải pháp phát triển du lịch xanh phục vụ mục tiêu phát triển bền vững địa phương đến năm 2025. Quảng Nam xem du lịch xanh là hướng đi mới cho ngành du lịch bền vững, có trách nhiệm; là chìa khóa để phát triển ngành du lịch Quảng Nam cũng như cả nước. Qua đó, góp phần quan trọng cho phát triển du lịch bền vững, bảo vệ môi trường, bảo tồn và phát huy các giá trị về văn hóa, lịch sử, văn hóa cộng đồng, cảnh quan thiên nhiên.

Hải Lan
.
.
.