Phát triển điện mặt trời mái nhà không nối lưới để ứng phó với thiếu điện
Tại Hội thảo chia sẻ kinh nghiệm phát triển ứng dụng điện mặt trời trong sản xuất công nghiệp tại Việt Nam do Hiệp hội doanh nghiệp ngành công nghiệp hỗ trợ TP Hà Nội (Hansiba) tổ chức vào ngày 28/6, các ý kiến của doanh nghiệp cho rằng, sau đợt “khủng hoảng” về thiếu điện, cắt điện luân phiên tại các địa phương miền Bắc, trong đó có Hà Nội thời gian qua cho thấy việc sử dụng năng lượng sạch, năng lượng tái tạo trong sản xuất công nghiệp là rất quan trọng đồng thời sẽ giải quyết được nhiều vấn đề về thiếu hụt điện năng.
Đại diện Sở Công Thương Hà Nội cho biết, trong những ngày nắng nóng vừa qua, Hà Nội buộc phải tiết giảm điện đến 40% công suất. Việc mất điện liên tục đã gây ra không ít khó khăn cho sản xuất và sinh hoạt. Áp lực cung cấp điện của Hà Nội là cực lớn. Giải pháp hữu ích trong bối cảnh này là điện mặt trời mái nhà không nối lưới (tự sản, tự tiêu).
Ông Nguyễn Hồng Phong, Chủ tịch HĐTV Công ty TNHH Dụng cụ An Mi cho biết, nhà máy của công ty đã được lắp đặt hệ thống điện mặt trời trên 40% diện tích mái và đang tiếp tục mở rộng lên 100% diện tích mái để có thể sử dụng nguồn năng lượng hiệu quả.
Ông Lê Anh Tuấn, Giám đốc phát triển kinh doanh, Công ty TNHH GreenYellow Việt Nam cũng cho rằng,một chương trình quản lý năng lượng hiệu quả sẽ giúp doanh nghiệp tiết kiệm tới 25% chi phí, giảm phát thải các bon từ 7-20%.
Theo các doanh nghiệp, việc trông đợi vào nguồn năng lượng điện sản xuất truyền thống từ thuỷ điện và nhiệt điện không chỉ khiến doanh nghiệp khó đáp ứng tiêu chuẩn về năng lượng xanh từ đối tác quốc tế, mà nếu xảy ra sự cố thiếu điện thì sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến chất lượng, thời gian sản xuất và tiến độ giao hàng.
Do vậy, các chuyên gia đề nghị các doanh nghiệp nên xoay chuyển theo hướng bổ sung nguồn năng lượng từ năng lượng tái tạo như mặt trời, gió; trong đó, năng lượng điện mặt trời hiện đang được quan tâm nhiều nhất bởi yếu tố thuận lợi dễ triển khai lắp đặt ngay trên máy nhà xưởng, nhà để xe, đất trống trong các khu công nghiệp.
Theo báo cáo của Sở Công Thương Hà Nội, đến năm 2021, thành phố đã lắp đặt được 2.102 hệ thống điện mặt trời mái nhà, công suất 33,82MWp. Sản lượng điện mặt trời mái nhà tăng qua các năm, đến hết năm 2021 đạt gần 19 triệu kWh. Các dự án điện mặt trời trên địa bàn thành phố đều là dự án điện mặt trời mái nhà, công suất dưới 1MW và theo quy định không phải thực hiện bổ sung dự án vào quy hoạch phát triển điện lực.
Tuy nhiên, đại diện Sở Công Thương Hà Nội cũng lưu ý, các doanh nghiệp muốn lắp đặt cần lưu ý thực hiện đúng quy định phòng cháy, chữa cháy của ngành Công an, nghiệm thu công trình đầy đủ và kết cấu nhà xưởng phải đáp ứng được. Khi lắp đặt, thiết kế phải quan tâm, phải có mô hình, mô phỏng kết quả tính toán để hệ thống nhà xưởng phải đảm bảo an toàn. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp cần khắc phục sai lầm phổ biến là lắp đặt tùy tiện nên hiệu năng không cao.
Theo các chuyên gia, TP Hà Nội có tiềm năng lớn để khai thác nguồn năng lượng mặt trời trên mái nhà tại tòa nhà, trụ sở cơ quan hành chính nhà nước, bệnh viện, trường học…Tuy nhiên, hiện chưa có cơ chế, chính sách quy định về việc cho thuê phần diện tích mái của các công trình được đầu tư từ nguồn vốn đầu tư công nên cần được tháo gỡ để phát triển loại hình này.
Để giảm thiếu điện và khuyến khích phát triển điện mặt trời mái nhà, Bộ Công Thương vừa có báo cáo số 74/BC-BCT dự thảo Quyết định về cơ chế khuyến khích phát triển điện mặt trời mái nhà lắp đặt tại nhà ở, công sở, trụ sở của doanh nghiệp tại Việt Nam. Theo đó, các cơ chế khuyến khích dựa trên cơ sở của Quyết định 500/QĐ-TTg phê duyệt Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia 2021 - 2030, tầm nhìn năm 2050 (Quy hoạch điện VIII); trong đó đặt ra mục tiêu đến năm 2030 có 50% tòa nhà công sở, nhà dân sử dụng điện mặt trời mái nhà tự sản, tự tiêu.
Theo Bộ Công Thương, trong điều kiện cung ứng điện từ nay đến năm 2025 dự báo gặp nhiều khó khăn, đặc biệt là khu vực miền Bắc, việc bổ sung kịp thời các nguồn điện mặt trời mái nhà, điện mặt trời tự sản, tự tiêu có ý nghĩa quan trọng. Thực tế hiện nay, việc phát triển loại hình nguồn điện còn thiếu các cơ chế, chính sách đột phá nhằm thu hút đầu tư. Việc xây dựng các cơ chế, chính sách cho các loại hình năng lượng cần nhiều thời gian để nghiên cứu, xây dựng, thẩm định, ban hành theo đúng các trình tự thủ tục về ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Do vậy, Bộ lựa chọn hệ thống điện mặt trời mái nhà lắp đặt tại nhà ở, công sở, trụ sở của doanh nghiệp để thực hiện trước.