Phát triển bền vững kinh tế biển ở Việt Nam trong bối cảnh COVID-19 và biến đổi khí hậu

Thứ Sáu, 26/11/2021, 15:44

Ngày 26/11, Liên hiệp các Hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam (VUSTA) tổ chức hội thảo “Phát triển bền vững kinh tế biển ở Việt Nam trong bối cảnh COVID-19 và biến đổi khí hậu”, theo hình thức trực tiếp và trực tuyến.

Tại hội thảo, các nhà khoa học, nhà nghiên cứu đã chia sẻ, thảo luận, trao đổi các vấn đề và giải pháp bền vững kinh tế biển trước tác động của biến đổi khí hậu và đại dịch COVID-19, góp phần thực hiện Nghị quyết 36-NQ/TW. Nhìn nhận lại 3 năm thực hiện Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; Xây dựng nội lực khoa học và công nghệ biển Việt Nam, những vấn đề đặt ra trong bối cảnh hiện nay; phát triển điện gió ngoài khơi, chuỗi cung ứng và cảng biển ở Việt Nam: Tiềm năng phát triển, cơ hội, thách thức và giải pháp; Phát triển ngành nuôi thủy sản trên biển ở Việt Nam trong quy hoạch tích hợp không gian biển. 

Phát triển bền vững kinh tế biển ở Việt Nam trong bối cảnh COVID-19 và biến đổi khí hậu -0
Toàn cảnh hội thảo, đầu cầu tại Hà Nội. 

PGS.TS Nguyễn Chu Hồi - đại biểu Quốc hội khóa XV, Phó Chủ tịch thường trực Hội Nghề cá Việt Nam; thành viên Ban chỉ đạo Diễn đàn Đại dương toàn cầu (GOF) - cho biết, kết quả đạt được trong 3 năm qua trong việc thực hiện Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đã góp phần quan trọng vào phát triển kinh tế quốc dân, ổn định chính trị- xã hội; bảo vệ vững chắc các quyền và lợi ích biển của nước ta; góp phần bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền của đất nước. Trong đó, quy mô kinh tế biển và vùng ven biển tăng lên; cơ cấu ngành, ngành nghề bước đầu thay đổi theo hướng chuyển dần từ kinh tế biển “nâu” sang “xanh”, cùng với sự chuẩn bị và thúc đẩy một số lĩnh vực/ngành nghề kinh tế mới, triển vọng.

Mặc dù, dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp, nhưng biển và vùng ven biển vẫn đóng góp lớn vào xuất khẩu, thu ngoại tệ, chuỗi cung ứng được giữ vững. Hạ tầng giao thông ven biển, đảo được nâng cấp rõ rệt; một số đảo đã có sự phát triển vượt bậc, đóng vai trò “ kinh tế đảo” trong phát triển du lịch, kinh tế…bên cạnh đó, hệ thống thể chế và pháp luật quản lý nhà nước tổng hợp và thống nhất về biển và đảo được xây dựng, từng bước được củng cố và hoàn thiện.

Bên cạnh những kết quả đạt được, nhận thức vai trò, vị trí của biển và phát triển kinh tế biển bền vững của các cấp, các ngành, các địa phương ven biển và người dân vẫn chưa đầy đủ và toàn diện. Quy mô kinh tế biển còn nhỏ bé, chưa tương xứng với tiềm năng, cơ cấu ngành nghề chưa hợp lý. Môi trường biển biến đổi theo chiều hướng xấu chủ yếu liên quan đến các hoạt động phát triển kinh tế - xã hội. Đa dạng sinh học biển và nguồn lợi thủy sản đang giảm sút nghiêm trọng, thiếu bền vững. 

Theo TSKH Nghiêm Vũ Khải - Phó Chủ tịch VUSTA khóa VII, khi xảy ra đại dịch COVID-19, Tổ chức Hợp tác và phát triển kinh tế (OECD) đã dự báo giá trị gia tăng toàn cầu kinh tế biển sẽ gia tăng gấp đôi trong giai đoạn 2020 - 2030, đồng thời tạo thêm 40 triệu việc làm. Điều này đặt ra câu hỏi về khả năng đáp ứng của đại dương.

Các hệ sinh thái biển là trung tâm của nhiều thách thức toàn cầu của thế giới. Việc quản lý đa dạng các hoạt động kinh tế biển và khai thác tài nguyên biển đòi hỏi phải nâng cao kiến thức liên quan đến đại dương một cách thận trọng và thực hiện các biện pháp phòng ngừa để bảo tồn các hệ sinh thái biển mong manh.

Trong đó, khoa học và đổi mới đóng vai trò trung tâm trong việc thúc đẩy quá trình chuyển đổi rất cần thiết của việc sử dụng ồ ạt sang thực hành bền vững hơn…Bên cạnh đó, cần phải tạo ra mối liên kết giữa các chuyên gia và các mạng lưới đổi mới và kiến thức kinh tế đại dương. Một nền kinh tế đại dương năng động trong tương lai cần đi đôi với những nỗ lực cải thiện tính bền vững của nó và điều này đi kèm với cơ hội cho các quốc gia đổi mới. Thúc đẩy một nền kinh tế đại dương quốc gia dựa trên việc sử dụng bền vững các nguồn tài nguyên đại dương được hỗ trợ bởi thông tin khoa học nghiêm ngặt, có thể góp phần phát triển kinh tế xã hội.

Tại hội thảo, nhiều nội dung cụ thể cũng đã được các đại biểu đưa ra để VUSTA tập hợp và kiến nghị tới các cơ quan có thẩm quyền, đóng góp thiết thực vào việc tiếp tục triển khai và hiện thực hóa tinh thần của Chiến lược biển Trung ương đã đề ra tại Nghị quyết 36-NQ/TW. Đồng thời, mở ra nhiều cơ hội mới cho sự hợp tác trong và ngoài hệ thống VUSTA trong thời gian tới.

Lưu Hiệp
.
.
.