Phát huy thế mạnh ngành logistics Việt Nam

Thứ Bảy, 24/08/2024, 08:40

Những năm qua, ngành logistics của Việt Nam phát triển nhanh chóng với mức tăng trưởng bình quân khoảng từ 14 - 16%/năm.

Trong xu thế phát triển chung của nền kinh tế thế giới theo hướng xanh, sạch và bền vững thì logistics xanh không chỉ còn là xu hướng mà trở thành yêu cầu tất yếu để nâng cao năng lực cạnh tranh, nâng cao hình ảnh thương hiệu nhằm hướng tới phát triển bền vững.

Đối với Việt Nam, logistics xanh bên cạnh gắn liền với mục tiêu giảm phát thải ròng về 0% (net zero) Việt Nam đã cam kết tại Hội nghị thượng đỉnh về biến đổi khí hậu của Liên hợp quốc năm 2021 (COP 26) mà còn là tiền đề, điều kiện quan trọng để đưa hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam vươn ra nhiều thị trường quốc tế, để từ đó nâng cao thương hiệu, vị thế hàng hóa Việt ở thị trường thế giới.

Phát huy thế mạnh ngành logistics Việt Nam -0
Vận chuyển hàng hóa tại Cảng Tân Thuận, TP Hồ Chí Minh.

Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn 2050 đã đặt mục tiêu "xanh hoá" các ngành kinh tế, thúc đẩy cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, bền vững về môi trường và công bằng xã hội. Thủ tướng Chính phủ đã ký ban hành Quyết định số 882/QĐ-TTg phê duyệt Kế hoạch hành động quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2030, trong đó, dịch vụ logistics là 1 trong 18 chủ đề trọng tâm của kế hoạch.

Trong 6 tháng đầu năm 2024, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu cả nước ước đạt 370 tỷ USD, tăng 15,7% so với cùng kỳ năm 2023, xuất siêu 11,63 tỷ USD. Logistics có vai trò và đóng góp rất quan trọng.

Theo ông Đỗ Xuân Quang, nguyên Chủ tịch Liên đoàn các Hiệp hội giao nhận Đông Nam Á (AFFA), nguyên Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ logistics Việt Nam, Phó Tổng Giám đốc Thường trực Công ty cổ phần hàng không Vietjet, logistics xanh chi phối đồng thời cả 3 mục tiêu kinh tế, xã hội và môi trường. Mọi nỗ lực của logistics xanh đều giúp doanh nghiệp đáp ứng yêu cầu ngày càng cao từ cộng đồng và thị trường, mà còn tạo ra cơ hội mới và giúp tăng cường vị thế cạnh tranh trên thị trường quốc tế.

Thực hiện được mục tiêu logistics xanh, cần tập trung quản lý chuỗi cung ứng xanh và gắn liền với quản trị các mắt xích của nó, bao gồm vận tải xanh (sử dụng các phương tiện vận tải tạo ra lượng khí thải thấp hơn như xe điện sử dụng năng lượng sạch, vận tải đường thủy), bao bì xanh (sử dụng các bao bì có khả năng tái chế, tái sử dụng, bao bì dùng vật liệu có thể phân hủy và phân hủy sinh học…), kho bãi xanh (kho bãi sử dụng năng lượng sạch và hiệu quả, thiết kế công trình bền vững), quản lý dữ liệu logistics xanh (ứng dụng công nghệ để quản lý dữ liệu hiệu quả, nâng cao hiệu quả logistics, giảm tối đa thời gian vận chuyển và giao nhận), logistics ngược (tăng cường tái sử dụng các sản phẩm, bao bì, vật liệu; tái sản xuất và tân trang)…

Khi các mắt xích đó đều "xanh" thì doanh nghiệp có thể nâng cao năng lực sản xuất, năng lực vận hành; đồng thời hình thành nên hệ sinh thái xanh, bền vững xoay quanh doanh nghiệp. 

Tại buổi làm việc với Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính vừa qua, ông Turgut Erkeskin, Chủ tịch Liên đoàn các Hiệp hội giao nhận vận tải Quốc tế (FIATA) cho rằng, trong tình hình hiện nay, logistics có vai trò quan trọng, song đứng trước thách thức lớn. Ông Turgut Erkeskin đánh giá cao Chiến lược phát triển dịch vụ logistics Việt Nam thời kỳ 2025 - 2035, tầm nhìn đến 2045, nhất là trong chuyển đổi số, chuyển đổi xanh và cam kết của Việt Nam giảm phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050. Cho rằng Việt Nam có tiềm năng lớn trở thành trung tâm logistics của khu vực và thế giới, Chủ tịch FIATA đề xuất Việt Nam cần huy động mọi nguồn lực xã hội vào phát triển ngành kinh tế này.

Để hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam vươn ra thị trường thế giới, mở rộng thị phần tại các thị trường khó tính với giá trị xuất khẩu cao, cùng với các ngành khác của nền kinh tế, ngành logitics cần thúc đẩy, tăng tốc hơn nữa trong tiến trình thực hiện mục tiêu logistics xanh của ngành để đồng hành cùng mục tiêu chung của quốc gia vì sự phát triển bền vững.

Nguyễn Cảnh
.
.
.