Nông dân đồng bằng sông Cửu Long sẽ nhận gần 1.000 tỷ đồng chi trả tiền tín chỉ carbon lúa

Thứ Tư, 25/09/2024, 08:11

Liên quan đến chi trả tiền thí điểm tín chỉ carbon lúa ở đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) theo đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao và phát thải thấp, Quỹ Tài chính carbon chuyển đổi đã phê duyệt tổng kinh phí 33,3 triệu USD và có thể tăng lên đến 40 triệu USD (tương đương khoảng 826-992 tỷ đồng), được chi trả dựa trên kết quả và theo hai giai đoạn của đề án. 

Theo Vụ Hợp tác quốc tế, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), ngày 12/9 vừa qua, Ban Quản lý Quỹ Tài chính carbon chuyển đổi (TCAF) đã gửi thư quyết định xác nhận đề xuất (PIN) của Việt Nam để hỗ trợ thực hiện đề án 1 triệu ha lúa. Và để chuẩn bị các bước triển khai hợp tác tiếp theo, Ngân hàng Thế giới (WB) đề xuất tổ chức một đoàn công tác đến làm việc với các cơ quan của Bộ NN&PTNT và các bộ, ngành liên quan từ ngày 23/9 đến 2/10.

Ngoài ra, Quỹ Tài chính carbon chuyển đổi (TCAF) phê duyệt tổng kinh phí 33,3 triệu USD, số tiền này có thể tăng lên đến 40 triệu USD (tương đương khoảng 826-992 tỷ đồng), được chi trả dựa trên kết quả và theo hai giai đoạn của đề án.

Nông dân đồng bằng sông Cửu Long sẽ nhận gần 1.000 tỷ đồng chi trả tiền tín chỉ carbon lúa -0
Nông dân Cần Thơ áp dụng kỹ thuật "1 phải, 5 giảm" cho năng suất tới 9 tấn/ha.

Cam kết tài trợ khoản kinh phí của Quỹ TCAF sẽ có hiệu lực trong 12 tháng và cuối giai đoạn này, WB dự kiến phê duyệt tài trợ bằng việc ký Thỏa thuận chi trả giảm phát thải (ERPA). Cụ thể, giai đoạn 1 sẽ chi trả 15 triệu USD (có thể tăng lên đến 18 triệu USD). Thời gian đàm phán về ERPA với Quỹ TCAF dự kiến vào tháng 5/2025. Giai đoạn 2, số tiền chi trả là 18,3 triệu USD, có thể tăng lên đến 22 triệu USD. Bên cạnh đó, Quỹ TCAF sẽ cung cấp hỗ trợ kỹ thuật trị giá 2 triệu USD (do WB trực tiếp quản lý) để thực hiện các hoạt động tăng cường năng lực giúp thực hiện Điều 6 Thỏa thuận Paris, hệ thống MRV và các đề nghị khác.

Sau khi có phê duyệt chi trả của Quỹ TCAF, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Trần Thanh Nam cho biết, sau khi triển khai thí điểm Đề án “Phát triển 1 triệu ha vùng chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng ĐBSCL đến năm 2030”, 7 mô hình ở 5 tỉnh, thành khu vực ĐBSCL, ngay mùa đầu tiên đã cho kết quả rất khả quan.

Cụ thể, ở các mô hình thí điểm chi phí vật tư giảm, giá lúa tăng và thu nhập của người nông dân tăng lên. Sản lượng lúa sản xuất theo hướng chất lượng cao và phát thải thấp ở các mô hình đều được doanh nghiệp đăng ký thu mua với giá cao hơn giá lúa ngoài thị trường. Tại các mô hình cũng đo được hệ số giảm phát thải ban đầu. Thứ trưởng Nam cho hay, các mô hình thí điểm trên diện tích khoảng 300ha ở các vùng khác nhau, nay đã thu hoạch xong và tiếp tục sản xuất vụ Đông Xuân. Đến vụ Hè Thu của năm sau, Bộ NN&PTNT có thể ban hành hệ số giảm phát thải trên cây lúa. 

Thứ trưởng Trần Thanh Nam cũng nhấn mạnh, mục đích của đề án này là nâng cao giá trị bền vững của hạt gạo Việt Nam, giúp người dân nâng cao thu nhập, đảm bảo môi trường theo cam kết. Và người dân rất tin tưởng vào đề án, phấn khởi khi làm thành công lúa giảm phát thải. Thời điểm này, Bộ NN&PTNT chưa đặt vấn đề bán tín chỉ carbon lúa. Tuy nhiên, khoản hỗ trợ chi trả tín chỉ carbon của Quỹ TCAF rất có ý nghĩa với người nông dân ở giai đoạn sản xuất thí điểm. Do đó, Bộ NN&PTNT cũng mong muốn Quỹ TCAF có thể hỗ trợ chi trả 20 triệu USD ở giai đoạn 1. Bởi, đây là động lực khích lệ nông dân tiếp tục sản xuất lúa chất lượng cao và phát thải thấp.

Thứ trưởng Trần Thanh Nam thông tin, 12 tỉnh ĐBSCL đã có kế hoạch sản xuất theo đề án 1 triệu ha lúa. Diện tích sản xuất đạt tín chỉ carbon sẽ tăng rất nhanh trong thời gian tới. Bởi, từ các mô hình thí điểm với quy trình sản xuất chuẩn, đạt kết quả tốt sẽ mở rộng ra các tỉnh. Đến 2025, diện tích lúa giảm phát thải sẽ tăng lên 200.000 ha.

Trong tuần này, chuyên gia của Quỹ TCAF sẽ có các chuyến đi thực địa ở vùng sản xuất thí điểm để xem xét việc thực hiện các biện pháp kỹ thuật. Đồng thời, trao đổi thống nhất phương pháp đo đạc, báo cáo và xác nhận (MRV) phát thải khí nhà kính từ sản xuất lúa để hình thành tín chỉ giảm phát thải carbon chuyển nhượng/trao đổi với Quỹ TCAF và sử dụng cho cam kết Quốc gia NDC...

Để thúc đẩy áp dụng các kỹ thuật sản xuất lúa theo hướng sinh thái, hiệu quả bền vững, Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật TP Cần Thơ đã phối hợp với Viện Nghiên cứu lúa gạo quốc tế (IRRI) tiến hành thực nghiệm thí điểm khuyến khích kinh tế đối với nông dân thực hành sản xuất lúa theo gói canh tác "1 phải, 5 giảm" và giảm phát thải khí nhà kính. Và tháng 7 vừa qua, sau khi hoàn thành thu hoạch, nhiều nông dân ở TP Cần Thơ được thưởng tiền mặt khi trồng lúa giảm phát thải khí nhà kính theo gói canh tác “1 phải, 5 giảm”.

Theo đó, có 30 hộ dân đạt mức giảm phát thải dưới 1 tấn CO2 tương đương/ha và 8 hộ dân đạt mức giảm phát thải trên 1 tấn CO2 tương đương/ha. Tổng số tiền thưởng các hộ dân nhận được là trên 20 triệu đồng. Mức thưởng này là nguồn động viên, khích lệ các nông dân trực tiếp tham gia canh tác lúa hướng đến sản xuất lúa chất lượng cao, giảm phát thải, giảm ô nhiễm môi trường. Các mô hình thí điểm trồng lúa phát thải thấp ở Cần Thơ đã hoàn thành thu hoạch sau hơn 3 tháng xuống giống. Đây là những mô hình thí điểm đầu tiên của đề án Phát triển bền vững 1 triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao, phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng ĐBSCL.

TS Nguyễn Văn Hùng, chuyên gia cao cấp của IRRI, tính toán việc giảm lượng lúa giống giúp tiết kiệm 1,2 triệu đồng, phân bón giảm 0,7 triệu đồng; năng suất đạt từ 6,3-6,5 tấn/ha so với 5,8-6,1 tấn/ha ở cách làm truyền thống. Về hiệu quả kinh tế, theo ông Hùng, lúa thực hiện đề án tăng lợi nhuận 1,3-6,2 triệu đồng/ha. Còn về giảm phát thải khí nhà kính, mô hình thí điểm cho kết quả giảm từ 2-6 tấn CO2e (đơn vị đo lường lượng khí nhà kính tương đương với CO2) mỗi ha so với ruộng đối chứng...

TP Cần Thơ là 1 trong 12 địa phương tham gia ở ĐBSCL tham gia đề án Phát triển bền vững 1 triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao, phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh.

Chi Linh
.
.
.