Ninh Thuận nỗ lực thu hút đầu tư tại các khu công nghiệp
Theo quy hoạch đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận có 4 khu công nghiệp (KCN) với tổng diện tích hơn 1.680ha. Theo lãnh đạo Ban quản lý (BQL) BQL các KCN Ninh Thuận, đến nay, đã có 3 KCN xây dựng hạ tầng kỹ thuật, nhưng sức thu hút đầu tư vẫn còn chậm.
KCN Thành Hải (ở TP Phan Rang – Tháp Chàm) có diện tích gần 78ha, đã xây dựng hạ tầng kỹ thuật 58ha bằng nguồn vốn ngân sách, thu hút 22 dự án đăng ký đầu tư 2.622 tỷ đồng, trong đó vốn đầu tư nước ngoài (FDI) 387,5 tỷ đồng. KCN Phước Nam (ở huyện Thuận Nam) rộng 370 ha, do Công ty CP Đầu tư Phước Nam – Ninh Thuận làm chủ đầu tư đã triển khai giai đoạn 1 gồm 151ha, thu hút 13 dự án đăng ký đầu tư thứ cấp gồm 372 tỷ đồng, trong đó vốn FDI 134,75 tỷ đồng. KCN Du Long (ở huyện Thuận Bắc) rộng 407,28ha do Công ty CP Đầu tư KCN Hoàng Thành Du Long làm chủ đầu tư, có 6 dự án đăng ký đầu tư thứ cấp gồm 1.937,58 tỷ đồng, trong đó vốn FDI 750,587 tỷ đồng. Riêng KCN Cà Ná (ở huyện Thuận Nam) rộng 827,20ha, nhưng còn đang chờ Bộ KH&ĐT, Bộ NN&PTNT thẩm định hiện trạng đất rừng để trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định chủ trương đầu tư giai đoạn 1 gồm 387 ha.
Các KCN Ninh Thuận tập trung thu hút đầu tư những ngành công nghiệp chế tạo cơ khí; thiết bị công - nông nghiệp; sản xuất vật liệu xây dựng; chế tạo, lắp ráp ôtô, xe máy; chế biến thực phẩm, đồ uống và nông, lâm, hải sản; điện, điện tử; sản xuất thuốc, dược liệu và mỹ phẩm; vận tải, kho bãi và phân phối hàng hoá; sản xuất hàng tiêu dùng liên quan đến dệt, may và hàng tiêu dùng khác; sản xuất sản phẩm từ cao su, plastic… Đặc biệt chú trọng các ngành nghề giảm thiểu ô nhiễm, thân thiện môi trường, đảm bảo hoạt động đầu tư bền vững, hiệu quả.
Theo ông Sử Đình Vinh, Trưởng BQL các KCN Ninh Thuận, trong số 40 dự án tại 3 KCN Thành Hải, Phước Nam và Du Long, có 5 dự án nước ngoài với tổng nguồn vốn 47,33 triệu USD. Trong quý I/2024, các KCN thu hút 5.857 công nhân; tổng doanh thu ước tính 877 tỷ đồng, đạt 122% so với cùng kỳ năm 2023 và 23% so với kế hoạch năm 2024; các doanh nghiệp đã nộp ngân sách khoảng 146 tỷ đồng, đạt 118% so với cùng kỳ năm 2023 và 28% so với kế hoạch năm 2024; kim ngạch xuất khẩu ước tính 10 triệu USD, đạt 556% so với cùng kỳ năm 2023 và 23% so với kế hoạch năm 2024.
So với nhiều địa phương khác trong nước, các KCN ở Ninh Thuận cách xa trung tâm phát triển kinh tế như TP Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Bà Rịa - Vũng Tàu; hệ thống giao thông cảng biển, sân bay chưa có; chuỗi cung ứng đầu vào các nhà máy, xí nghiệp còn nhiều hạn chế, chưa đáp ứng hiệu quả thu hút đầu tư trong KCN; nguồn nhân lực địa phương chưa đảm bảo yêu cầu phát triển công nghiệp; thời tiết khắc nghiệt của vùng đất quanh năm nắng gió khô hạn ảnh hưởng tâm lý nhà đầu tư…
Mặt khác, ngày 25/11/2009, Quốc hội khóa 12 đã có Nghị quyết số 41/2009/QH12 về chủ trương đầu tư Dự án điện hạt nhân Ninh Thuận, nhưng đến Quốc hội khóa 14 ban hành Nghị quyết số 31/2016/QH14 ngày 26/11/2016 dừng thực hiện chủ trương đầu tư. Trong 7 năm đó (2009-2016), tỉnh Ninh Thuận phải ưu tiên tập trung nhiều nguồn lực thực hiện đền bù, giải phóng mặt bằng, di dân, xây dựng hạ tầng kỹ thuật, đào tạo nguồn nhân lực… nên hoạt động đầu tư phát triển ngành công nghiệp địa phương hạn chế, các trung tâm kinh tế, cơ sở hạ tầng kỹ thuật chưa được đầu tư đồng bộ…
Về nguyên nhân chủ quan, cơ sở hạ tầng KCN Thành Hải được đầu tư bằng nguồn vốn ngân sách nên diện tích đất công nghiệp cho thuê đạt 100%, hiệu quả sử dụng đất nâng cao, nhưng do bố trí nguồn vốn chậm dẫn đến đầu tư thiếu đồng bộ và chưa kịp thời, ảnh hưởng đến thu hút đầu tư. Hai KCN Phước Nam và Du Long do các nhà đầu tư thực hiện bằng nguồn vốn của doanh nghiệp, nhưng do thiếu năng lực tài chính, kinh nghiệm và quyết tâm, nên hoạt động đầu tư chậm tiến độ…
Nói về giải pháp khắc phục để thu hút dự án đầu tư, ông Sử Đình Vinh cho biết, ngoài việc tiếp tục đôn đốc chủ đầu tư tập trung đẩy nhanh tiến độ xây lắp, sớm hoàn thiện hạ tầng kỹ thuật hai KCN Du Long, Phước Nam để xúc tiến đầu tư thứ cấp, phối hợp điều chỉnh quy hoạch xây dựng, quy hoạch ngành nghề tại các KCN phù hợp với quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội của địa phương; BQL các KCN Ninh Thuận tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, rút ngắn thời gian giải quyết hồ sơ trực tuyến cho nhà đầu tư; tăng cường phối hợp các sở, ngành liên quan hỗ trợ doanh nghiệp về thủ tục pháp lý, đào tạo, tuyển dụng lao động, kịp thời giải quyết khó khăn vướng mắc của doanh nghiệp.
Bên cạnh đó, ưu tiên thu hút nhà đầu tư thuộc cộng đồng kinh tế ASEAN, Hiệp định phát triển kinh tế xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), Hiệp định Thương mại tự do Liên minh châu Âu – Việt Nam (EVFTA)… Chủ động kết nối vùng trọng điểm phía Nam, duyên dải Trung Bộ; xây dựng và tổ chức thực hiện các chương trình, kế hoạch xúc tiến đầu tư trong và ngoài nước; xây dựng ấn phẩm, hình ảnh quảng bá môi trường, chính sách, tiềm năng, cơ hội đầu tư, trong đó tập trung ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số để xúc tiến đầu tư, kịp thời cung cấp thông tin quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương…