Để trái phiếu doanh nghiệp không là "trái đắng"

Những lỗ hổng của thị trường trái phiếu doanh nghiệp (kỳ 3)

Thứ Sáu, 16/12/2022, 08:24

Nhiều trái phiếu doanh nghiệp kém chất lượng được bán ra, không ít trong số đó là trái phiếu “ba không” được các doanh nghiệp khi bán trái phiếu quảng cáo mập mờ là phát hành thông qua ngân hàng lớn, công ty chứng khoán khiến khách hàng lầm tưởng là ngân hàng “đứng sau lưng”. Nhiều doanh nghiệp bất động sản thua lỗ nhưng vẫn phát hành trái phiếu doanh nghiệp, huy động hàng ngàn tỷ đồng là điều vô cùng đáng lo ngại đối với hệ thống an ninh kinh tế.

Nhiều trái phiếu doanh nghiệp kém chất lượng được bán ra

Thực tế cho thấy, chỉ trong vòng 2 năm trở lại đây, thị trường trái phiếu doanh nghiệp phát triển hết sức nhanh, mạnh mẽ, tăng trưởng “nóng”, quy mô vốn huy động liên tục tăng lên qua các năm. Từ thời điểm tháng 6/2022 đến hết năm 2022, khối lượng đáo hạn trái phiếu do các doanh nghiệp đã phát hành sẽ tăng dần với hàng chục nghìn tỷ đồng mỗi tháng. Với các doanh nghiệp phát hành trái phiếu nhưng có tỷ lệ nợ cao bất thường, nếu bị đứt dòng tiền thì sẽ tiềm ẩn nguy cơ rất lớn cho các trái chủ. Trường hợp doanh nghiệp mất khả năng thanh toán, có thể dẫn đến mất vốn gốc, lãi trái phiếu của nhà đầu tư và tạo nên hiệu ứng dây chuyền trên thị trường trái phiếu doanh nghiệp. Nguyên nhân chính tạo nên sức hút của trái phiếu doanh nghiệp chính bởi lãi suất do các doanh nghiệp phát hành trái phiếu đưa ra ở mức rất cao. Bộ Tài chính thống kê phát hành trái phiếu doanh nghiệp năm 2021 và các tháng đầu 2022 cho thấy lãi suất cao nhất mà các doanh nghiệp phát hành cam kết lên đến 13%/năm.

Thị trường trái phiếu doanh nghiệp tăng trưởng “nóng" đã dẫn đến xuất hiện những loại trái phiếu “3 không”: Không tài sản đảm bảo, không xếp hạng tín nhiệm và không bảo lãnh thanh toán. Thống kê của Bộ Tài chính cho thấy năm 2021, có tới 94,5% lượng trái phiếu doanh nghiệp phát hành là trái phiếu riêng lẻ. Trong 826 đợt phát hành trái phiếu doanh nghiệp trong 11 tháng của năm thì có tới 803 đợt phát hành riêng lẻ. Trong số các trái phiếu doanh nghiệp phát hành riêng lẻ, có nhiều trái phiếu không có tài sản đảm bảo, đảm bảo bằng cổ phiếu của chính doanh nghiệp phát hành hoặc các dự án hình thành trong tương lai, vốn có tính biến động rất cao và khó định giá chính xác.

Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc đã yêu cầu thanh tra việc phát hành trái phiếu doanh nghiệp, đặc biệt loại không có tài sản đảm bảo. Văn bản yêu cầu thanh tra gửi các đơn vị của Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc chỉ rõ, một nửa các trái phiếu doanh nghiệp phát hành riêng lẻ là không có tài sản đảm bảo (trong đó trái phiếu do các tổ chức tín dụng và công ty chứng khoán phát hành chiếm 76%). Theo Bộ Tài chính, loại trái phiếu doanh nghiệp này "có dấu hiệu tăng nhanh và nóng", tiềm ẩn nguy cơ gây hậu quả cho nền kinh tế.

Trong 300 doanh nghiệp phát hành riêng lẻ, chỉ khoảng 20 doanh nghiệp phát hành trái phiếu có tài sản đảm bảo, chủ yếu là bất động sản, chứng khoán, chương trình, dự án. Tuy nhiên, Bộ Tài chính đánh giá, chất lượng tài sản đảm bảo chủ yếu là các dự án, tài sản hình thành trong tương lai hoặc cổ phiếu của doanh nghiệp. Giá trị của các tài sản này thường không định giá được chính xác hoặc có biến động mạnh theo diễn biến thị trường.

Nhiều trái phiếu doanh nghiệp kém chất lượng được bán ra, không ít trong số đó là trái phiếu “ba không” được các doanh nghiệp khi bán trái phiếu quảng cáo mập mờ là phát hành thông qua ngân hàng lớn, công ty chứng khoán khiến khách hàng lầm tưởng là ngân hàng “đứng sau lưng”. Trước dấu hiệu tăng trưởng “nóng” của thị trường trái phiếu doanh nghiệp, nhà đầu tư và người dân cần cân nhắc kỹ rủi ro khi quyết định đầu tư trái phiếu doanh nghiệp. Đặc biệt, cần hết sức thận trọng khi quyết định mua trái phiếu của doanh nghiệp có tình hình tài chính kém, kinh doanh thua lỗ hay những doanh nghiệp phát hành không có tài sản bảo đảm. Chất lượng trái phiếu doanh nghiệp phát hành riêng lẻ nhất là trái phiếu doanh nghiệp bất động sản, đang ở mức cảnh báo do thiếu minh bạch. Nhiều doanh nghiệp bất động sản thua lỗ, đòn bẩy tài chính cao, nhưng vẫn phát hành trái phiếu doanh nghiệp, huy động hàng ngàn tỷ đồng là điều vô cùng đáng lo ngại đối với hệ thống an ninh kinh tế, đặt ra yêu cầu phải siết chặt công tác quản lý của Nhà nước, hoàn thiện đồng bộ, chặt chẽ các quy phạm pháp luật hơn nữa trong lĩnh vực này.

Đầu tháng 12/2021, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cũng đã ký công điện yêu cầu Bộ Tài chính tiến hành thanh tra, kiểm tra việc phát hành, sử dụng vốn thu được từ trái phiếu doanh nghiệp, nhất là trái phiếu riêng lẻ của các doanh nghiệp bất động sản, ngân hàng có liên quan tới doanh nghiệp bất động sản. Bộ Tài chính đã có khuyến cáo đến các nhà đầu tư đặc biệt lưu ý, cẩn trọng khi mua trái phiếu doanh nghiệp qua các tổ chức cung cấp dịch vụ như công ty chứng khoán hay ngân hàng thương mại.

Hiện nay trên thị trường cho thấy công ty chứng khoán và ngân hàng thương mại chào mời mua trái phiếu của doanh nghiệp có thể gây ra những hiểu lầm, hoặc hiểu chưa đầy đủ đối với trách nhiệm của doanh nghiệp với trái phiếu phát hành. Ngân hàng và các công ty môi giới trái phiếu doanh nghiệp có thể khiến nhà đầu tư cá nhân dễ có suy nghĩ trái phiếu đã được các tổ chức này kiểm tra, thẩm định về tính an toàn nên mới giới thiệu đến nhà đầu tư. Sự hiểu lầm này có thể khiến nhà đầu tư an tâm hơn và ra quyết định mua trái phiếu. Khi đã quyết định mua trái phiếu tức là nhà đầu tư cho doanh nghiệp vay tiền, chứ không phải cho ngân hàng vay tiền. Ngân hàng, hay công ty chứng khoán chỉ môi giới. Nhiều người dân, nhiều nhà đầu tư cá nhân nghĩ rằng khi mua trái phiếu doanh nghiệp thì trách nhiệm của doanh nghiệp là phải trả nợ. Tuy nhiên nếu doanh nghiệp thua lỗ, phá sản thì nhà đầu tư, người dân có thể mất trắng vốn. 

3.jpg -0
Các công ty con của Tập đoàn Tân Hoàng Minh có nhiều sai phạm nghiêm trọng về phát hành trái phiếu riêng lẻ.

Hiện tượng thao túng giá, làm giá ngày càng tinh vi

Câu chuyện của bác B.T.N trú tại quận Nam Từ Liêm, TP Hà Nội là một bài học vô cùng đắt giá cho những nhà đầu tư cá nhân, những “trái chủ” vì quá tin tưởng ở ngân hàng, thiếu sự cẩn trọng, việc tìm hiểu thông tin về doanh nghiệp phát hành trái phiếu dẫn đến những hậu quả lớn có thể mất trắng số tiền đầu tư vào trái phiếu doanh nghiệp.

Giữa tháng 5/2021, bác B.T.N được một nhân viên của Ngân hàng tên là Vịnh giới thiệu, chào mời về việc mua trái phiếu doanh nghiệp của Công ty N.T Global với mức lãi suất rất cao trong vòng một năm. Vịnh khẳng định rằng doanh nghiệp này “làm ăn” rất uy tín, đảm bảo, có nhiều tài sản lớn, thường xuyên sản xuất, kinh doanh các mặt hàng xuất khẩu đi nước ngoài. Vì tin tưởng Vịnh là nhân viên của Ngân hàng, bác B.T.N đã đem thế chấp một số tài sản của mình tại Ngân hàng để mua trái phiếu của Công ty N.T Global. Đáng chú ý, các giao dịch mua trái phiếu của bác B.T.N đều được Vịnh thực hiện ở ngoài trụ sở ngân hàng, việc ký nhận mua trái phiếu và các thủ tục liên quan đều được Vịnh mang đến nhà bác B.T.N để làm việc. Đến cuối tháng 11/2022, khi mà đã quá hạn rất lâu, công ty N.T Global phải tiếp tục trả lãi và gốc theo hợp đồng trái phiếu với số tiền lớn nhưng đại diện Công ty N.T Global là  T.P.T – Tổng Giám đốc Công ty N.T Global và bà Đ.H.H – Phó Tổng Giám đốc Công ty N.T Global thông báo với bác B.T.N rằng hiện nay doanh nghiệp đang gặp khó khăn.

Bác B.T.N và người nhà có đến làm việc với nhân viên Ngân hàng mới “té ngửa” khoản vay thế chấp của bác B.T. N tại Ngân hàng để mua trái phiếu của Công ty N.T Global không có trong hồ sơ tại ngân hàng; ngân hàng không biết việc bác B.T. N đi mua trái phiếu và càng không biết sự việc nhân viên ngân hàng là Vịnh đứng ra chào bán trái phiếu của công ty N.T Global cho bác B.T.N.  Vịnh đã nghỉ việc tại Ngân hàng từ vài tháng trước đó. Qua tìm hiểu trên báo chí, bác B.T.N mới biết Công ty N.T Global do T.P.T làm Giám đốc đã phát hành 2 đợt trái phiếu với số tiền lên đến hàng nghìn tỷ đồng. Cũng theo nhiều báo chí đã đăng tải các bài viết thì  Công ty N.T Global của T.P.T có nhiều bất thường về nguồn tiền huy động từ trái phiếu và vết gợn về tài chính. 

Tại Hội nghị phát triển thị trường vốn an toàn, minh bạch, hiệu quả, bền vững nhằm ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế diễn ra chiều 22/4/2022, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc đã chỉ rõ tình hình tăng trưởng nhanh của thị trường chứng khoán, thị trường trái phiếu thời gian gần đây đã phát sinh những rủi ro tiềm ẩn: Trên thị trường cổ phiếu, thị trường chứng khoán phái sinh xuất hiện các hiện tượng thao túng giá, làm giá và ngày càng tinh vi, nhiều mã chứng khoán được đẩy giá lên cao không gắn với tình hình hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp. Nghĩa vụ công bố thông tin của một số doanh nghiệp đại chúng, công ty niêm yết, nhà đầu tư còn chưa đảm bảo chất lượng.

Thị trường trái phiếu doanh nghiệp tăng trưởng nhanh tiếp tục phát sinh rủi ro do có các nhà đầu tư cá nhân chưa hiểu biết rõ về pháp luật trong việc đầu tư, giao dịch trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ tham gia mua trái phiếu doanh nghiệp. Một số trường hợp đã có hành vi gian lận khi xác định trở thành nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp để mua trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ. Tình hình tài chính của một số doanh nghiệp phát hành còn hạn chế; một số doanh nghiệp có mục đích sử dụng vốn không đúng với thông tin đã công bố. Một số tổ chức đại lý phát hành, tổ chức phân phối trái phiếu doanh nghiệp chưa tuân thủ đúng pháp luật.

Việt Hưng
.
.
.