Nhức nhối vấn nạn lừa đảo xuất khẩu lao động
Nhiều người lao động mong muốn đi làm việc ở nước ngoài bị rơi vào "bẫy" lừa đảo với nhiều hình thức, thủ đoạn khác nhau. Đây là vấn nạn trong lĩnh vực xuất khẩu lao động đã diễn ra nhiều năm, dù các cơ quan chức năng đã không ít lần lên tiếng cảnh báo.
Trước "ma trận" thông tin về xuất khẩu lao động thông qua các mạng xã hội mà người lao động rất khó kiểm chứng hiện nay, các cơ quan quản lý nhà nước khuyến cáo, người lao động cần tìm hiểu kỹ các thông tin trước khi quyết định ra nước ngoài làm việc.
Một trong những thông tin hữu ích với lao động Việt Nam có nhu cầu ra nước ngoài làm việc là ngày 28/3 vừa qua, Việt Nam và Australia ký kết Bản ghi nhớ giữa hai nước về hỗ trợ công dân Việt Nam tham gia Chương trình lao động nông nghiệp Australia. Đây là bản ghi nhớ đầu tiên mà phía Australia ký kết với các nước đưa lao động đi làm việc tại nước này theo Chương trình thị thực nông nghiệp này.
Chương trình ưu tiên cho một số nước, trong đó có Việt Nam. Lao động sang làm việc ở đây sẽ có mức lương khoảng 50 - 60 triệu đồng/tháng. Đây là mức thu nhập được đánh giá là cao so với các thị trường tiếp nhận lao động khác. Tuy nhiên, số lượng tiếp nhận lao động Việt Nam từ phía Australia rất hạn chế, chỉ khoảng 1.000 lao động/năm.
Thế nhưng đáng quan ngại, là bản ghi mới chỉ mới được ký kết chưa đầy 1 tháng, tại nhiều địa phương đã xuất hiện các cá nhân, tổ chức tuyên truyền, mời chào công dân Việt Nam đi làm việc theo chương trình visa nông nghiệp tại Australia với mức chi phí rất cao, không phù hợp với nội dung thỏa thuận giữa 2 nước.
Trước tình trạng này, Cục Quản lý lao động ngoài nước (Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội) vừa phải phát đi thông điệp cảnh bảo. Theo Cục Quản lý lao động ngoài nước, người lao động cần cảnh giác trước những thông tin này. "Giữa hai bên mới chỉ vừa ký bản ghi nhớ, chương trình chưa được triển khai do đó, chưa có bất kỳ doanh nghiệp nào được phép đưa lao động đi làm việc theo chương trình này.
Để tránh trường hợp các cá nhân, tổ chức lợi dụng thông tin về chương trình để lừa đảo, thu tiền của người lao động, chúng tôi vừa phải có văn bản đề nghị các Sở Lao động, Thương binh và Xã hội các tỉnh, thành phố phối hợp tuyên truyền, thông tin tới người dân tại địa phương về việc không đăng ký theo bất kỳ cá nhân, tổ chức nào (bao gồm cả các cá nhân, tổ chức tự nhận là đại diện chủ sử dụng tại Australia) để tham gia chương trình lao động nông nghiệp tại Australia. Người lao động cần cảnh giác trước những thông tin này để tránh tiền mất tật mang", đại diện Cục Quản lý lao động ngoài nước cho biết.
Đề cập đến vấn nạn lừa đảo xuất khẩu lao động vẫn "nhức nhối" thời gian qua, đại diện Cục Quản lý lao động ngoài nước cho hay, tình trạng lừa đảo thường diễn ra ở những thị trường có thu nhập cao như: Nhật Bản, Hàn Quốc, một số quốc gia châu Âu…
Đối tượng lừa đảo đã lợi dụng nhu cầu của người lao động mong muốn đi làm việc ở nước ngoài để có thu nhập cao, điều kiện làm việc tốt nhưng không phải trải qua các khâu, thủ tục tuyển chọn, đào tạo ngoại ngữ, kỹ năng nghề.
Do đó, nhiều tổ chức, cá nhân không có chức năng hoạt động dịch vụ đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài đã tìm nhiều hình thức, thủ đoạn để lừa đảo người lao động. "Có những hình thức, thủ đoạn rất tinh vi mà phải có sự vào cuộc của cơ quan quản lý, cơ quan chức năng mới phát hiện được. Các đối tượng này thường lập thành công ty, có văn phòng và đội ngũ nhân viên như các doanh nghiệp hoạt động dịch vụ đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài, tổ chức quảng cáo trên mạng xã hội như facebook, zalo…
Thậm chí, họ có cả trang website quảng bá về hoạt động của doanh nghiệp và hình ảnh tuyển chọn, đào tạo người lao động và nơi người lao động làm việc ở nước ngoài. Không chỉ vậy, các đối tượng lừa còn lợi dụng uy tín của các doanh nghiệp có chức năng đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài để lập ra các công ty có tên tương tự nhằm đánh lừa những người lao động.
Để ngăn chặn tình trạng lừa đảo, tới đây Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội sẽ tăng cường công tác thanh, kiểm tra định kỳ hoặc đột xuất và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm trong lĩnh vực này", ông Nguyễn Gia Liêm, Phó Cục trưởng Cục Quản lý lao động ngoài nước cho biết.
Đại diện Cục Quản lý lao động ngoài nước khuyến cáo, để tránh bị lừa đảo, người lao động có nhu cầu cần trực tiếp liên hệ đến doanh nghiệp có giấy phép hoạt động dịch vụ đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài do Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội cấp. Việc kiểm tra xem doanh nghiệp có được cấp giấy phép hay không, người lao động có thể tra trên trang thông tin điện tử của Cục Quản lý lao động ngoài nước (www.dolab.gov.vn).
Không chỉ vậy, người lao động còn có thể tìm hiểu thông tin đối với ngành, nghề, công việc và các khoản chi phí phải chi trả để đi làm việc ở nước ngoài đối với từng nước, từng ngành, nghề và công việc cụ thể qua trang thông tin điện tử của đơn vị này.