Nhiều thách thức với ngành thủy sản đồng bằng sông Cửu Long

Thứ Ba, 06/06/2023, 07:10

Đồng bằng sông Cửu Long (ÐBSCL) là trung tâm nuôi trồng, khai thác thủy sản của cả nước. Tuy nhiên, từ đầu năm đến nay, ngành thủy sản vùng ĐBSCL đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức khi nhu cầu tiêu thụ sụt giảm ở hầu hết các thị trường chính; chi phí sản xuất tăng cao; cạnh tranh gay gắt với nhiều nước xuất khẩu thủy sản (XKTS)...

Ngoài ra, thủy sản vùng này còn đối mặt với biến đổi khí hậu (BĐKH); ô nhiễm môi trường; hạ tầng phục vụ sản xuất, chế biến, xuất khẩu thiếu đồng bộ.

Tại buổi làm việc với Hiệp hội chế biến và XKTS Việt Nam (VASEP) mới đây, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính yêu cầu Bộ NN&PTNT chủ trì phối hợp các cơ quan, địa phương liên quan nghiên cứu, đẩy mạnh các giải pháp khắc phục thẻ vàng IUU của Liên minh châu Âu. Bộ NN&PTNT cần tiếp tục tổ chức điều tra, đánh giá tổng thể nguồn lợi thủy sản để làm cơ sở cho quản lý, phát triển thủy sản bền vững; quan tâm, hỗ trợ để tăng đầu tư hạ tầng nghề cá, đáp ứng được yêu cầu chống khai thác IUU.

Nhiều thách thức với ngành thủy sản đồng bằng sông Cửu Long -0
Thu hoạch tôm nuôi để chế biến xuất khẩu ở Sóc Trăng.

Thủ tướng Phạm Minh Chính cũng yêu cầu Bộ Công Thương tập trung hỗ trợ các doanh nghiệp thủy sản phát triển thương hiệu, xúc tiến đầu tư, mở rộng thị trường, nhất là xử lý các vụ kiện, tranh chấp thương mại. Đối với Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, điều hành chính sách để các ngân hàng cho vay, cấp vốn, tiết giảm chi phí, giảm lãi suất vay hỗ trợ cho doanh nghiệp xuất khẩu; hướng tín dụng vào sản xuất kinh doanh trong đó có lĩnh vực thủy sản là ưu tiên; UBND các tỉnh, thành phố có chính sách để phát triển và mở rộng vùng nuôi trồng và sản xuất giống thuỷ sản tập trung. Đồng thời, tăng cường công tác quan trắc, cảnh báo môi trường, kết hợp khoa học công nghệ trong phòng chống dịch bệnh hiệu quả trong nuôi trồng thủy sản; quản lý tốt nguyên liệu vật tư đầu vào theo các quy định. Song song đó, xây dựng các vùng và cơ sở an toàn dịch bệnh; triển khai chương trình quốc gia giám sát dư lượng kháng sinh trong nuôi trồng thủy sản.

Theo VASEP, những tháng đầu năm 2023, XKTS đối mặt với nhu cầu tiêu thụ giảm ở hầu hết các thị trường chính, tác động xấu đến sản xuất trong nước; chi phí sản xuất tăng cao; khó khăn từ các quy định về IUU... Tháng 4/2023, XKTS tiếp tục sụt giảm 28% so với cùng kỳ năm 2022, chỉ đạt 810 triệu USD.

Ông Lê Tấn Cận, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Bạc Liêu cho biết, tỉnh tăng cường tuyên truyền nâng cao nhận thức về bảo vệ môi trường trong nuôi trồng thủy sản nói chung, trong nuôi tôm nói riêng. Mặc dù đạt được kết quả bước đầu nhưng còn gặp khó do hệ thống hạ tầng phục vụ nuôi trồng thủy sản còn yếu, thiếu; hệ thống thủy lợi không thể tách riêng (hệ thống kênh cấp và hệ thống kênh thoát). Mô hình hợp tác, liên kết sản xuất giữa nông dân với doanh nghiệp được triển khai nhưng còn bất cập về phương thức đầu tư, liên kết bao tiêu sản phẩm, quy mô sản xuất thủy sản chủ yếu là kinh tế hộ, nhỏ lẻ, sản lượng chưa lớn.

Tôm Cà Mau đến nay đã được nhiều Tổ chức chứng nhận trong, ngoài nước cấp 9 loại chứng nhận quốc tế, như: ASC, B.A.P, EU Organic, Canada Organic, Bio Suisse, Selva Shrimp, Mangrove Shrimp, Naturland, Seafood Watch. Tuy nhiên, khó khăn chính trong hoạt động XKTS hiện nay là lạm phát tại các nền kinh tế lớn như Mỹ, châu Âu vẫn đang ở mức cao; người tiêu dùng thắt chặt chi tiêu; sức tiêu thụ hàng hóa giảm. Bên cạnh đó, ảnh hưởng của BĐKH; thời tiết diễn biến bất lợi; dịch bệnh trên tôm nuôi xảy ra thường xuyên; hạn hán xâm nhập mặn; kết cấu hạ tầng thủy lợi trong vùng ĐBSCL phục vụ cho phát triển ngành tôm chưa đáp ứng… đã ảnh hưởng đến xuất khẩu hàng hóa.

Tháng 3/2021, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chiến lược phát triển ngành thủy sản Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Mục tiêu đến năm 2030, tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất thủy sản đạt 3-4%/năm.

Ðể đạt được mục tiêu trên, chiến lược đề ra các giải pháp, phát triển kết cấu hạ tầng ngành thủy sản đồng bộ; phát triển, ứng dụng khoa học công nghệ; phát triển nguồn nhân lực; xây dựng và hoàn thiện một số cơ chế, chính sách; tăng cường thị trường và hội nhập quốc tế; nâng cao năng lực chế biến thủy sản... Nhiều ý kiến các chuyên gia cho rằng, việc chuyển đổi tư duy từ sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp, từ sản lượng sang số lượng là hết sức cấp thiết.

Theo ông Trương Ðình Hòe, để tháo gỡ cho XKTS năm 2023, các doanh nghiệp sẽ tập trung triển khai các biện pháp, như: Chủ động, tìm kiếm, cân đối nguồn nguyên liệu và tài chính để giữ khách hàng truyền thống; sẵn sàng nguồn cung khi thị trường hồi phục; điều chỉnh cơ cấu thị trường XK và cơ cấu sản phẩm; tận dụng hơn nữa ưu đãi thuế quan của các hiệp định thương mại tự do; tích cực tham gia các hội chợ thủy sản quốc tế, giao thương B2B tìm kiếm đối tác, tăng đơn hàng. Về lâu dài, VASEP kiến nghị Chính phủ, địa phương một số nhóm vấn đề, như: duy trì, phát triển năng lực sản xuất nguyên liệu; phát triển hệ thống logistics; tăng khả năng cạnh tranh cho sản phẩm thủy sản Việt Nam; khơi thông và phát triển thị trường…

Đức Văn
.
.
.