Nhiều loại nông sản Việt “đi Tây”
Trong thời gian qua, nhiều mặt hàng nông sản Việt đã xuất khẩu thành công vào các thị trường khó tính như EU, Australia… Tại các thị trường này, nhiều mặt hàng đã được bán với mức giá cao và được người tiêu dùng đón nhận. Mặc dù số lượng xuất ngoại chưa nhiều nhưng bước đầu cho thấy cơ hội mở rộng cho nhóm hàng này ở thị trường nước ngoài.
Tháng 7 năm nay, gừng đông lạnh của Việt Nam được xuất khẩu sang Australia, được bán với giá cao nhất khoảng 221.000 đồng/kg. Mặt hàng này không chỉ được bán tại các siêu thị, cửa hàng, mà còn được bán qua hình thức trực tuyến. Dù là mặt hàng xuất khẩu không mấy “tiếng tăm” nhưng kim ngạch xuất khẩu gừng 4 tháng đầu năm nay tăng trưởng 1.350%, vượt kim ngạch xuất khẩu một vài loại trái cây tươi, đạt hơn 348.000 USD. Dự kiến cả năm nay, xuất khẩu gừng đông lạnh sang Australia có thể mang lại giá trị 100 tỷ đồng.
Sau gừng tươi, gừng đông lạnh được tiêu thụ mạnh tại Australia, 22 tấn quả sấu đông lạnh Việt Nam lần đầu được nhập khẩu, phân phối và bán tại thị trường này với giá bán trên 300.000 đồng/kg. Sang tháng 9, một số loại nước trái cây của Việt Nam cũng “gây bão” tại thị trường Australia khi số lượng hàng xuất khẩu tại thị trường này “cháy hàng” chỉ trong thời gian ngắn. Đặc biệt, sau hơn 2 năm liên tục quảng bá và phát triển thị trường, sầu riêng của Việt Nam đang gặt “quả ngọt” tại Australia, được người tiêu dùng ưa chuộng và tìm kiếm. Giá sàn thấp nhất từ 18.99 AUD/1kg (khoảng 322.000 đồng/kg) đối với sầu riêng đông lạnh nguyên quả và 20-25 AUD/kg (khoảng 340.000-425.000 đồng/kg) đối với loại bóc sẵn.
Mới đây, sau hơn 2 năm xúc tiến thị trường và chuẩn hóa chất lượng hàng xuất khẩu, dừa sáp Trà Vinh lần đầu tiên vào được thị trường Australia. Với giá bán lẻ từ 30 đến 35 AUD/1 quả (khoảng 600.000 đồng/quả), dừa sáp Trà Vinh được đánh giá là mặt hàng có giá trị cao. Như vậy, chỉ trong 1 thời gian ngắn, dù dịch bệnh diễn biến phức tạp tại cả Việt Nam và Australia nhưng nông sản Việt Nam vẫn chen chân được vào thị trường khó tính này. Xuất khẩu nông sản vào thị trường này ngày càng tăng.
Thương vụ Việt Nam tại Australia cho biết, việc Hiệp định CPTPP đã đi vào thực thi từ đầu năm 2019 trong đó Australia là quốc gia thành viên CPTPP đã tạo thuận lợi thương mại để nhiều loại nông sản của Việt Nam tiến sang Australia. Trong thời gian tới, Thương vụ Việt Nam tại Australia cho biết sẽ tiếp tục triển khai Chương trình thúc đẩy xuất khẩu nông sản Việt Nam để khai thác dư địa thị trường.
Riêng mặt hàng gừng, thị phần gừng nhập khẩu tại Australia vẫn còn lớn và các DN đáp ứng được yêu cầu nhập khẩu từ thị trường này sẽ có cơ hội tăng xuất khẩu. Với sấu đông lạnh, Thương vụ đã bố trí chi phí để quảng cáo trên mạng xã hội tại các khu vực tiêu thụ chính và xúc tiến từng bước loại quả này vào hệ thống phân phối lớn tại Australia.
Không chỉ tại Australia, Thương vụ Việt Nam tại Liên hiệp Vương quốc Anh và Bắc Ailen cũng thông tin về cơ hội xuất khẩu nông sản của Việt Nam sang thị trường này. Thương vụ cho biết, năm 2020, Anh nhập khẩu hơn 5,7 triệu tấn rau quả trị giá gần 6,4 tỷ Bảng (khoảng 9 tỷ USD). Trong đó, rau quả từ Việt Nam đạt trị giá gần 11,6 triệu USD, chiếm thị phần 0,18%. Nhập khẩu trái cây trong cùng thời gian trên đạt 3,6 triệu tấn với giá trị 3,9 tỷ Bảng (khoảng 5,4 tỷ USD).
Bên cạnh đó, thị trường Nhật Bản cũng mới cấp chứng nhận chỉ giới địa lý cho quả thanh long của Việt Nam.
Ông Trần Văn Công, Tham tán nông nghiệp tại EU cho biết, chất lượng rau quả của Việt Nam ngày càng cải thiện, có khả năng cạnh tranh, thâm nhập thị trường… Hiện, các loại trái cây Việt xuất khẩu sang EU gồm: Thanh long, chanh leo, dừa, sầu riêng, nhãn, vải, măng cụt, chanh không hạt… 8 tháng đầu năm 2021, kim ngạch xuất khẩu rau quả của Việt Nam sang thị trường này đạt 88,5 triệu Eur, trong đó, sản phẩm tươi tăng 7,7%.
Nhiều dòng rau quả nếu như trước đây chịu mức thuế suất 10-20% thì nay về 0%, tạo lợi thế cạnh tranh rất lớn đối với các nước chưa có FTA như Thái Lan, Trung Quốc và một số nước châu Mỹ Latinh. Mỗi năm, thị trường EU nhập khẩu khoảng 130 tỷ Eur rau quả. Tuy nhiên, rau quả Việt Nam mới chiếm chưa tới 1% thị phần tại thị trường này. Các nước thành viên EU ngày càng có nhu cầu cao đối với các loại rau quả nhiệt đới của Việt Nam, đây là cơ hội để chúng ta gia tăng thị phần.
Theo Tổng cục Thống kê, trong 10 tháng đầu năm 2021, kim ngạch nhóm hàng xuất khẩu nhóm nông sản, lâm sản đạt 19,2 tỷ USD, tăng 15,1%, cao gấp nhiều lần tổng kim ngạch xuất khẩu cả cả nước. Mặc dù cơ hội cho nông sản Việt ở thị trường nước ngoài rất lớn song thực tế cho thấy, Trung Quốc vẫn là thị trường xuất khẩu chủ lực của Việt Nam. Vì vậy, việc nhiều loại trái cây được “đi Tây” không chỉ góp phần nâng cao giá trị của mặt hàng xuất khẩu, mà còn có ý nghĩa trong việc giảm bớt phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc, giảm bớt nguy cơ “được mùa, mất giá”.
Các chuyên gia cho rằng, dù “đặt chân” được vào thị trường khó tính nhưng đa số nông sản Việt Nam vẫn được bán tại các siêu thị nhỏ, chưa vào được các siêu thị lớn nơi khách hàng tiềm năng hơn. Đơn cử tại thị trường Anh, Thương vụ Việt Nam tại Vương quốc Anh và Bắc Ailen cho biết, hiện một số trái cây đặc sản như: nhãn, vải, thanh long, bưởi, chôm chôm đã có mặt tại một số siêu thị nhỏ tại London của người Việt nhưng chưa thâm nhập được vào các siêu thị lớn.
“Để có thể tiếp cận thị trường cao cấp này, DN Việt Nam trước hết phải thực hành sản xuất theo Global GAP, đáp ứng các tiêu chuẩn HCCP của Viện tiêu chuẩn Anh (British Standard Institution) và áp dụng các quy chuẩn quản trị quốc tế như: ISO, SA... Bên cạnh đó, DN Việt Nam phải có khả năng đảm bảo nguồn cung ổn định cả về số lượng và chất lượng mới có thể cạnh tranh được với các nhà cung cấp đến từ Thái Lan, Malaysia, Indonesia, Nam Phi, Costa Rica và Ấn Độ” - đại diện Thương vụ cho hay.
Ngoài ra, DN xuất khẩu cũng phải làm chủ được công nghệ bảo quản và vận chuyển rau quả, trái cây để giảm chi phí vận chuyển và đảm bảo sản phẩm vẫn còn tươi ngon. Đặc biệt, an toàn thực phẩm, bảo vệ môi trường là những vấn đề người dân EU ngày càng coi trọng, đòi hỏi cao. Nếu rau quả không đảm bảo yếu tố này sẽ không thể có chỗ đứng ở EU. Do vậy, DN cần phải tuân thủ tiêu chuẩn an toàn thực phẩm, tăng cường khâu quảng bá, xúc tiến thương mại, cũng như giải quyết các khó khăn trong logistics được nhìn nhận là mấu chốt để thúc đẩy xuất khẩu sang thị trường EU.