Nhiều giải pháp thúc đẩy kích cầu tiêu dùng nội địa
Tại tọa đàm “Tháo gỡ vướng mắc, thúc đẩy kinh tế TP Hồ Chí Minh phát triển” ngày 16/5, nhiều ý kiến cuả các chuyên gia cho rằng TP Hồ Chí Minh cần tháo gỡ về cơ chế, sớm có những chính sách mang tính đặc thù…
Theo nhận định của TS. Trần Du Lịch – thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính – tiền tệ quốc gia, TP Hồ Chí Minh với độ mở đặc biệt, khi môi trường vĩ mô thuận lợi thì kinh tế Thành phố thuận lợi, còn khi bất lợi thì Thành phố cũng bị bất lợi theo. Hiện, TP Hồ Chí Minh đang chịu 3 tác động lớn. Thứ nhất là “điểm nghẽn” về hạ tầng với rất nhiều dự án bị vướng, vấn đề đã tồn tại nhiều năm nhưng chưa giải quyết được; Thứ hai, chưa đánh giá hết được tác động của từng nhóm doanh nghiệp (DN).
Trong dịch COVID-19 có 3 nhóm DN: Nhóm còn thị trường, còn tài chính sau dịch thì nhóm DN này vươn lên được; nhóm thứ 2 là các DN dật dừ, và nhóm thứ 3 là các DN đã mất thị trường, mất khách hàng... Đến nay, vấn đề này vẫn chưa cải thiện; Thứ ba, tác động bất ổn của vĩ mô từ quý 4/2022 tiếp tục lan sang năm nay. Trong đó, có những vấn đề Thành phố đã tháo gỡ nhưng cũng có những cái chưa tháo gỡ được.
TS Trần Du Lịch cũng cho rằng, bức tranh kinh tế trong 4 tháng đầu năm của TP Hồ Chí Minh chưa có điểm sáng. Ngay cả tổng doanh thu hàng hóa dịch vụ quý 1 tăng tốt, nhưng qua tháng 4 bắt đầu chững lại, sức mua thị trường rất thấp. Du lịch thưa thớt, kích thích thị trường nội địa rất hạn chế… Để kinh tế TP Hồ Chí Minh sớm phục hồi, theo TS Trần Du Lịch là phải dựa vào vĩ mô. Phải tăng sức mua cho thị trường bằng cách triển khai chính sách kích tổng cầu nội địa lên thông qua 2 công cụ của nhà nước và công cụ của DN. Nhà nước nghiên cứu tiếp tục giảm thuế VAT theo từng ngành. Mức giảm thuế VAT 8% là chưa đủ, cần giảm mạnh hơn, xuống còn 5-6%. Song song đó cần đẩy mạnh tín dụng tiêu dùng, kích cầu thị trường nội địa. Còn với DN, cần một loạt chiến dịch chấp nhận giảm giá, kích thích thị trường kể cả du lịch.
Liên quan đến việc gỡ vướng mắc về thể chế, TS Trần Du Lịch cho rằng: Đối với những giải pháp mang tính tình thế, chính quyền thành phố cần rà xem những những điểm nghẽn nào thành phố có khả năng xử lý được thì cần đẩy mạnh việc xử lý, nhất là trong lĩnh vực bất động sản. Những dự án nào mà chủ đầu tư có tiền để tiếp tục xây, những dự án đáp ứng nhu cầu ở thực của người dân thì ưu tiên hoàn thiện thủ tục pháp lý. Còn về những giải pháp mang tính căn cơ, đó là Quốc hội đang bàn về Nghị quyết thay thế Nghị quyết 54, nếu được thông qua và áp dụng ngay, lần đầu tiên thành phố có quyền tự chủ rất lớn. Đây là điều TP Hồ Chí Minh đang đeo đuổi.
TS. Trần Đình Thiên – nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam đưa ra giải pháp, để kinh tế TP Hồ Chí Minh tăng tốc thì phải tạo ra những đột phá, động lực mới cho TP Hồ Chí Minh. Vấn đề bây giờ là cần phân cấp, phân quyền mạnh mẽ cho Thành phố. Đầu tiên cần phải thay đổi nhận thức vì vấn đề của TP Hồ Chí Minh là vấn đề của cả nước. Cơ chế, chính sách đột phá cho TP Hồ Chí Minh là cho cả nước. Khi “đầu tàu” TP Hồ Chí Minh bứt tốc mới kéo được cả đoàn tàu.