Nhiều dự án điện gió không kịp vận hành để hưởng ưu đãi

Thứ Tư, 20/10/2021, 08:41

Thời gian qua đã có 106 dự án điện gió trên cả nước với tổng mức đầu tư lên đến 6 tỷ USD đăng ký đóng điện và hòa lưới, thử nghiệm, đề nghị công nhận vận hành thương mại (COD) với tổng công suất đăng ký đạt 5.655 MW. Tuy vậy, theo công bố Từ tập đoàn Điện lực Việt Nam, đến ngày 15/10 mới chỉ có 11 nhà máy điện gió với tổng công suất hơn 443 MW được công nhận COD.

Trong khi đó, theo Quyết định 39 của Bộ Công Thương, mức giá ưu đãi cho điện gió trên biển lên tới 9,8 cent/kWh, giá mua điện gió trên bờ là 8,5 cent/kWh và mức giá này được áp dụng cho một phần hoặc toàn bộ nhà máy được COD trước 1/11/2021. Điều càng hấp dẫn nhà đầu tư vào điện gió hơn nữa là mức giá trên áp dụng cố định trong vòng 20 năm kể từ ngày vận hành thương mại.

dien gio.jpg -0
Những trụ gió trên biển của dự án Đông Hải 1.

Để hỗ trợ nhà đầu tư, thời gian qua đã có hơn chục địa phương kiến nghị với Bộ Công Thương đề nghị kéo dài thời gian thực hiện Quyết định 39 thêm vài tháng nhằm hỗ trợ nhà đầu tư điện gió gặp khó khăn do dịch bệnh. Tuy vậy, thông tin trong cuộc họp của Bộ Công Thương vào ngày 30/9, lãnh đạo Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo đã khẳng định sẽ không gia hạn thời gian áp dụng mức giá ưu đãi trên.

Về lý do khiến dự án điện gió đối mặt với nguy cơ không thể COD trước ngày 31/10, đại diện một nhà đầu tư điện gió ở khu vực miền Trung cho biết, Quyết định 39 của Bộ Công Thương có hiệu lực thi hành từ ngày 1/11/2018. Sau quyết định ưu đãi này, nhà đầu tư mới xúc tiến thủ tục triển khai dự án.

Trong khi hầu hết vật tư, thiết bị của dự án điện gió phải đặt mua từ nước ngoài và vận chuyển về trong nước; dịch bệnh bùng phát ở nhiều nước trên thế giới trong 2 năm qua đã ảnh hưởng không nhỏ đến việc nhập khẩu máy móc thiết bị và vận chuyển về Việt Nam. Ở trong nước, đợt bùng phát dịch thứ 4 cũng đã khiến việc vận chuyển thiết bị về công trường và hoạt động thi công bị chậm trễ, nhiều thời điểm phải ngưng trệ…

Ông Đỗ Văn Kiên, Giám đốc Công ty Trungnam Trà Vinh 1 Wind Power cho biết, để đảm bảo tiến độ, doanh nghiệp đã và đang tập trung mọi nguồn lực để hoàn thành đến đâu, chạy thử nghiệm phát điện cho từng cụm điện gió đến đấy nhằm hoàn thành toàn bộ dự án trước ngày 31/10.

Với các nhà đầu tư khác, thời điểm ngưng được hưởng mức giá ưu đãi đã cận kề, song hiện vẫn còn nhiều dự án điện gió trên cả nước đang ngày đêm chạy đua với thời gian để hoàn thành việc lắp đặt, chạy thử và thủ tục COD. Dù vậy, số dự án kịp tiến độ được dự báo là không nhiều.

Theo ông Nguyễn Quỳnh Thiện, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trà Vinh, với lợi thế tự nhiên về bức xạ mặt trời và tốc độ gió, địa phương đã thành công trong việc xúc tiến đầu tư phát triển năng lượng tái tạo. Đã có nhiều dự án được đưa vào hoạt động và nhiều dự án điện gió ngoài khơi được ký kết hoặc xúc tiến đầu tư. Chỉ trong năm ngoái, địa phương đã xúc tiến được 8 nhà máy điện gió với tổng công suất gần 570MW, những dự án điện gió này góp phần không nhỏ vào tăng trưởng kinh tế của địa phương.

Song cũng giống như nhiều dự án điện gió khác trên cả nước, những dự án chưa kịp COD trước ngày 31/10 sẽ buộc phải chờ để được Bộ Công Thương xử lý chuyển tiếp theo hướng tính toán chi phí vận hành, vốn đầu tư của dự án để nhà đầu tư có thể đưa ra thỏa thuận với đơn vị mua điện để có mức giá ưu đãi.

Nhưng đầu tư vào điện gió ngoài đòi hỏi nguồn vốn lớn, còn là trình độ, kỹ thuật và công nghệ lắp đặt, vận hành… nên không phải doanh nghiệp nào cũng sẵn sàng đầu tư vào lĩnh vực này. Do vậy, làm sao để những nhà đầu tư vào điện gió chưa kịp COD trước mốc thời hạn trên giảm thua thiệt và giữ được sức hút đầu tư vào điện gió vẫn là vấn đề các cơ quan quản lý Nhà nước chuyên ngành cần tính toán.

Đ.Thắng
.
.
.