Nhiều điểm sáng đóng góp vào tăng trưởng kinh tế quý I/2024

Thứ Bảy, 30/03/2024, 06:24

Tổng sản phẩm trong nước (GDP) quý 1/2024 ước tính tăng 5,66% so với cùng kỳ năm trước, cao hơn tốc độ tăng của quý 1 các năm 2020-2023. Trong đó, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 2,98%; khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 6,28%; khu vực dịch vụ tăng 6,12%.

Sản xuất công nghiệp khởi sắc và tiếp tục đà tăng trưởng

Phát biểu tại cuộc họp báo công bố số liệu thống kê kinh tế - xã hội quý 1/2024 ngày 29/3, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê Nguyễn Thị Hương cho biết, trước những khó khăn, thách thức của kinh tế thế giới 3 tháng đầu năm 2024, các tổ chức quốc tế đưa ra nhận định ở các mức khác nhau về tăng trưởng kinh tế thế giới năm 2024 nhưng đều thấp hơn mức tăng trưởng của năm 2023 từ 0,2 đến 0,3%.

Du lịch Hà Nội tăng trưởng ấn tượng -0
Xuất khẩu gạo của Việt Nam trong quý I/2024 tăng 40%.

Trong nước, với quyết tâm tạo động lực đột phá để phát triển kinh tế – xã hội theo mục tiêu đề ra, kinh tế – xã hội quý 1/2024 đã đạt được kết quả tích cực trong bối cảnh kinh tế thế giới còn nhiều bất ổn, khẳng định chính sách quản lý và điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành và địa phương từng bước phát huy hiệu quả.

Cụ thể, tổng sản phẩm trong nước (GDP) quý 1/2024 ước tính tăng 5,66% so với cùng kỳ năm trước, cao hơn tốc độ tăng của quý 1 các năm 2020-2023. Trong đó, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 2,98%; khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 6,28%; khu vực dịch vụ tăng 6,12%.

Trong quý 1, sản xuất công nghiệp tiếp tục khởi sắc với giá trị tăng thêm toàn ngành ước tính tăng 6,18% so với cùng kỳ năm trước, trong đó công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 6,98%. Tính chung quý I/2024, chỉ số tiêu thụ toàn ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 8,2% so với cùng kỳ năm 2023 (cùng kỳ năm 2023 giảm 2,9%). Chỉ số tồn kho toàn ngành công nghiệp chế biến, chế tạo ước tính tại thời điểm 31/3/2024 tăng 9,8% so với cùng thời điểm tháng trước và tăng 14,1% so với cùng thời điểm năm trước (cùng thời điểm năm trước tăng 19,8%). Tỷ lệ tồn kho toàn ngành chế biến, chế tạo bình quân quý 1/2024 là 68,7% (bình quân quý 1/2023 là 81,1%).

Về cơ cấu nền kinh tế quý I/2024, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản chiếm tỷ trọng 11,77%; khu vực công nghiệp và xây dựng chiếm 35,73%; khu vực dịch vụ chiếm 43,48%; thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm chiếm 9,02%.

Về sử dụng GDP quý I/2024, tiêu dùng cuối cùng tăng 4,93% so với cùng kỳ năm trước, đóng góp 56,77% vào tốc độ tăng chung; tích lũy tài sản tăng 4,69%, đóng góp 24,07%; xuất khẩu hàng hóa và dịch vụ tăng 18%; nhập khẩu hàng hóa và dịch vụ tăng 17,08%, chênh lệch xuất, nhập khẩu hàng hóa và dịch vụ đóng góp 19,16%.

Điểm sáng xuất, nhập khẩu

Tại họp báo, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê Nguyễn Thị Hương cho biết: "Nét nổi bật, đóng góp tích cực vào kết quả chung của tăng trưởng quý I/2024, trước hết phải đề cập đến xuất, nhập khẩu. Tính chung quý I/2024, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa đạt 178,04 tỷ USD, tăng 15,5% so với cùng kỳ năm trước, trong đó xuất khẩu tăng 17%, nhập khẩu tăng 13,9%. Cán cân thương mại hàng hóa xuất siêu đạt 8,08 tỷ USD. Đây là con số tích cực trong bối cảnh khó khăn về thương mại toàn cầu đang suy giảm".

Về mặt hàng, trong tổng số 45 mặt hàng xuất khẩu chính trong quý I/2024 có đến 35/45 (đạt 77,8%) nhóm hàng tăng so với cùng kỳ năm 2023 và chiếm đến 91,3% tổng trị giá mặt hàng xuất khẩu. Trong đó một số mặt hàng xuất khẩu chủ lực tăng mạnh so với cùng kỳ năm trước, như: Điện tử máy tính và linh kiện tăng 30,3%; Gỗ và sản phẩm gỗ tăng 18,9%. Một số mặt hàng xuất khẩu nông lâm sản có lợi thế của Việt Nam tăng trưởng tốt so với cùng kỳ như: cà phê tăng 54,2%; hạt điều tăng 20,2%; rau quả tăng 25,8%; gạo tăng 40%.

Về thị trường, đều có sự tăng trưởng khá so với cùng kỳ năm trước ở hầu hết các thị trường xuất khẩu chủ lực của Việt Nam, cụ thể như: Trung Quốc tăng 5,2%; Hoa Kỳ tăng 26%; Nhật Bản tăng 6,4%; thị trường EU tăng 16,3%... Hoa Kỳ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch ước đạt 26,2 tỷ USD. Trung Quốc là thị trường nhập khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch ước đạt 29,4 tỷ USD.

Tổng cục trưởng Nguyễn Thị Hương cho rằng, có được kết quả như trên là nhờ Chính phủ đã có sự chỉ đạo quyết liệt các bộ, ngành, địa phương và sự quyết tâm của doanh nghiệp. Đã tận dụng được các cơ hội của các hiệp định thương mại tự do, tăng cường việc xúc tiến thương mại và quảng bá sản phẩm của Việt Nam ra thị trường quốc tế; khẳng định chất lượng hàng hóa của Việt Nam ngày càng được thế giới tin dùng. Bên cạnh đó cũng có thể thấy xu hướng cầu thế giới về một số mặt hàng của Việt Nam cũng đã bắt đầu phục hồi, đây là tín hiệu rất đáng mừng trong bối cảnh vẫn còn nhiều thách thức.

Việt Nam là điểm đến của dòng vốn FDI

Theo thông tin được Tổng cục Thống kê công bố, vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) thực hiện tại Việt Nam trong quý I/2024 ước đạt 4,63 tỷ USD, tăng 7,1% so với cùng kỳ năm trước. "Những năm qua, mặc dù dòng vốn đầu tư thương mại và đầu tư của thế giới rất hạn hẹp nhưng Việt Nam vẫn là điểm sáng thu hút vốn đầu tư nước ngoài, thể hiện rõ ở việc tăng liên tục qua các năm. Thu hút nhiều nguồn vốn FDI và lượng khách du lịch quốc tế tăng cũng là điểm sáng đóng góp vào tăng trưởng quý I/2024. Những con số thống kê đã thể hiện sự nỗ lực của Việt Nam trong việc kết nối với thế giới, khẳng định được vị thế và uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế", Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê Nguyễn Thị Hương nhấn mạnh. Tính chung quý I/2024, khách quốc tế đến Việt Namước đạt hơn 4,6 triệu lượt người, tăng 72% so với cùng kỳ năm trước và tăng 3,2% so với cùng kỳ năm 2019 - năm chưa xảy ra dịch COVID-19. Theo kịch bản của Nghị quyết 01 của Chính phủ, mục tiêu tăng trưởng năm 2024 đạt từ 6%-6,5%. Trong đó, quý I có mức tăng trưởng tương ứng 5,2% và 5,6%. Như vậy, nhìn tổng thể bức tranh kinh tế, kết quả tăng trưởng quý I đạt 5,66% đang sát với kịch bản cao (5,6%).

Lưu Hiệp – Thư Kỳ
.
.
.