Ngư dân phấn khởi với “lộc biển” đầu xuân

Thứ Năm, 22/02/2024, 08:21

Vào những ngày đầu Xuân Giáp Thìn 2024, ngư dân ở các tỉnh thành ven biển miền Trung đã đồng loạt xuất quân đánh cá vụ Nam. Các ngư dân đồng lòng, đoàn kết vươn khơi bám biển trong những ngày đầu năm mới không chỉ với ước mong thuyền về tôm cá đầy khoang mà còn góp phần gìn giữ, bảo vệ chủ quyền lãnh hải của Tổ quốc.

Sáng sớm 21/2 (ngày 12 tháng Giêng), hàng trăm tàu cá của ngư dân ở phường Thuận An, TP Huế nổ máy cho tàu hướng ra cửa biển sau tiếng trống tại lễ xuất quân đánh bắt cá vụ Nam được chính quyền địa phương tổ chức tại địa phương này. Trước lúc tàu ra khơi, các ngư dân đã chuẩn bị đầy đủ lương thực, thực phẩm, nước ngọt, đá cây, nhiên liệu và ngư lưới cụ.

Ngudan_2-1708564931565.jpg
Tàu cá của ngư dân ở phường Thuận An, TP Huế ra khơi đánh cá vụ Nam.

Vừa vận chuyển những thùng mì tôm, nước ngọt đưa lên tàu, ngư dân Trần Văn Thành (SN 1960, ở phường Thuận An, TP Huế) liền trèo lên nóc tàu để thay mới lá cờ Tổ quốc trước khi tàu ra khơi. Ông Thành chia sẻ: “Gia đình tôi có hơn 30 năm bám biển đánh bắt hải sản để mưu sinh. Nhờ nỗ lực và cần mẫn bám biển nên sau nhiều năm, tôi đã đóng mới được tàu cá công suất hơn 400CV thay cho con tàu cũ để việc đánh bắt hải sản được thuận lợi hơn. Nhờ thời gian dài bám biển nên tôi biết được ngư trường nào thường xuất hiện nhiều luồng cá vào thời điểm đánh cá vụ Nam này. Do đó tôi và các ngư dân đi trên tàu mong mỏi chuyến ra khơi đầu năm sẽ gặp nhiều may mắn, đánh bắt thật nhiều hải sản”.

Trước ngày xuất quân đánh cá vụ Nam, các ngư dân ở phường Thuận An, TP Huế đã tiến hành duy tu, bảo dưỡng, cải hoán máy móc tàu cá sau thời gian tàu “ngủ đông” tránh mưa bão. Nhiều tàu cá đã được ngư dân sơn mới, lắp đặt máy mới để nâng cao công suất tàu. Ngư dân Nguyễn Văn Hải (tổ dân phố Tân Bình, phường Thuận An) cho biết, trong năm 2023, dù việc đánh bắt hải sản gặp nhiều khó khăn, giá thu mua hải sản giảm mạnh, giá nhiên liệu xăng dầu tăng nhưng nhờ nỗ lực bám biển nên tàu cá của vợ chồng ông không bị thua lỗ.

Để nâng cao hoạt động đánh bắt hải sản, trước thời điểm Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024, ông đã đưa tàu cá vào xưởng tàu để lắp máy mới, nâng công suất tàu cá lên 450CV. Vì thế trong chuyến ra khơi đánh bắt cá vụ Nam này, ông và các ngư dân đi trên tàu sẽ bám biển dài ngày hơn, sẽ cho tàu hướng ra những ngư trường lớn như Hoàng Sa, Trường Sa với quyết tâm đánh bắt được nhiều tôm cá.

Ông Đào Quang Hưng, Chủ tịch UBND phường Thuận An cho biết, hiện toàn phường có 370 phương tiện tàu thuyền hoạt động khai thác nghề biển, trong đó có 170 tàu cá công suất lớn chuyên đánh bắt xa bờ, chủ yếu ở ngư trường Hoàng Sa. Đến nay, tất cả tàu cá của bà con ngư dân ở địa phương đều đã ra khơi đánh bắt cá vụ Nam. Theo ông Hưng, bên cạnh việc phát huy thế mạnh với đội tàu lớn và ngư dân giàu kinh nghiệm, phường Thuận An đã tập trung hỗ trợ, hướng dẫn, kêu gọi bà con ngư dân đầu tư nâng cấp tàu cá, ngư lưới cụ, trang thiết bị hiện đại, đa dạng loại hình thủy sản đánh bắt để khai thác hiệu quả kinh tế biển.

Ngoài phường Thuận An, những ngày đầu Xuân Giáp Thìn, hàng nghìn ngư dân ở các xã biển ở tỉnh Thừa Thiên Huế như Phú Thuận, Phú Hải, Phú Diên, Vinh Thanh (huyện Phú Vang); Hải Dương (TP Huế); Lộc Trì (huyện Phú Lộc)… cũng đều xuất quân ra khơi đánh cá vụ Nam. Đặc biệt, tại vùng biển bãi ngang thuộc các huyện Quảng Điền, Phong Điền và TP Huế, nhiều ngư dân ra khơi trúng đậm “lộc biển” đầu năm mới khi đánh bắt được nhiều loại hải sản như cá trích, cá hố, tôm, mực, ghẹ.

Ông Nguyễn Quang Vinh Bình, Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản tỉnh Thừa Thiên Huế cho biết, hiện toàn tỉnh có hơn 680 tàu cá, trong đó có 440 tàu cá công suất lớn, có chiều dài trên 15 mét. Năm 2023, nhờ nỗ lực bám biển của ngư dân nên tổng sản lượng thủy sản của tỉnh Thừa Thiên Huế đạt 61.000 tấn, trong đó sản lượng khai thác đạt khoảng 41.000 tấn và năm 2024 tỉnh phấn đấu đạt 62.000 tấn.

Để đạt được kết quả trên, trong thời gian qua, chính quyền các xã ven biển đã tích cực phối hợp với lực lượng Bộ đội Biên phòng tỉnh Thừa Thiên Huế và các đơn vị chức năng thường xuyên tổ chức tuyên truyền, vận động các ngư dân tăng cường đoàn kết, bám biển, tham gia vào các tổ tàu đoàn kết. Từ đó nâng cao hiệu quả hoạt động khai thác hải sản và sẵn sàng giúp đỡ nhau khi gặp khó khăn, hoạn nạn trên biển. Bên cạnh đó, các cơ quan chức năng còn tích cực tuyên truyền ngư dân, các chủ tàu cá thực hiện nghiêm các quy định trong quá trình đánh bắt hải sản trên biển, không tham gia đánh cá trái phép ở vùng biển nước ngoài để cùng góp sức gỡ “thẻ vàng” IUU (chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định).

“Trong năm 2024, ngành Thủy sản sẽ tiếp tục có những giải pháp để hỗ trợ bà con ngư dân vươn khơi bám biển. Đồng thời huy động mọi nguồn lực đầu tư phát triển năng lực đánh bắt, đóng mới, cải hoán tàu thuyền có công suất lớn trong chỉ tiêu hạn ngạch để ngư dân vươn khơi đánh bắt xa bờ. Bên cạnh đó tiếp tục kêu gọi ngư dân mạnh dạn đầu tư trang thiết bị hiện đại, đa dạng nghề trên một phương tiện tàu cá để đánh bắt hải sản có giá trị kinh tế cao, phục vụ thị trường trong nước và xuất khẩu. Qua đó giúp ngư dân tăng sản lượng đánh bắt hải sản, tăng thu nhập và đóng mới thêm nhiều tàu cá công suất lớn để phục vụ hoạt động bám biển, bảo vệ ngư trường lãnh hải của Tổ quốc”, ông Nguyễn Quang Vinh Bình khẳng định.

Anh Khoa
.
.
.