Ngư dân bám biển trong cơn “bão giá” nhiên liệu

Thứ Tư, 15/06/2022, 06:08

Từ đầu năm 2022 đến nay, giá nhiên liệu xăng, dầu được điều chỉnh tăng nhiều lần khiến hàng nghìn ngư dân ở miền Trung, trong đó có ngư dân ở tỉnh Thừa Thiên-Huế gặp khó trong việc vươn khơi, bám biển. Thậm chí, có nhiều chủ tàu cá chấp nhận thua lỗ để duy trì việc ra khơi và tạo công ăn việc làm cho các bạn tàu.

Ghi nhận tại xã biển Phú Thuận (Phú Vang), dù gặp nhiều khó khăn nhưng vào những ngày trung tuần tháng 6/2022, các chủ tàu cá ở địa phương này vẫn nỗ lực cho tàu ra khơi đánh bắt hải sản. Theo ông Đặng Tiến Tùy, Chủ tịch UBND xã Phú Thuận, hiện xã có 53 tàu cá công suất lớn đánh bắt xa bờ và hàng trăm phương tiện hoạt động gần bờ. Bình quân mỗi tàu đánh cá xa bờ của ngư dân vươn khơi từ 20-30 ngày, tiêu tốn từ 10-30 nghìn lít dầu tùy thời gian bám biển của mỗi tàu. Trong khi giá nhiên liệu tăng cao thì nguồn lợi hải sản do ngư dân đánh bắt đưa vào bờ được bán ra ở mức giá có tăng nhẹ nhưng không đáng kể.

Tuy nhiên, dù hoạt động đánh bắt hải sản không đủ chi phí bù tiền xăng dầu nhưng nhiều chủ tàu ở địa phương vẫn quyết tâm duy trì việc bám biển. Bởi nếu cho tàu nằm bờ quá dài ngày sẽ khiến máy móc, trang thiết bị trên tàu cá nhanh xuống cấp và hư hỏng. Hiện xã Phú Thuận có đến gần 1.000 người lao động gắn bó với nghề biển nên việc duy trì những đội tàu cá xa bờ, gần bờ bám biển, đánh bắt hải sản là rất cần thiết. Vì thế, trong cơn “bão giá” nhiên liệu như hiện nay, chính quyền địa phương đã và đang phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể động viên ngư dân tích cực bám biển...

Ngư dân bám biển trong cơn “bão giá” nhiên liệu -0
Tàu cá của ngư dân tỉnh Thừa Thiên-Huế chuẩn bị nhiên liệu, lương thực thực phẩm để vươn khơi đánh bắt hải sản.

Bước vào thời điểm thị trường tiêu thụ hải sản tăng mạnh trở lại nên ngư dân ở phường Thuận An, TP Huế cũng tích cực cho tàu cá vươn khơi đánh bắt xa bờ dài ngày dù đang trong thời điểm giá nhiên liệu ở mức cao. Ông Đào Quang Hưng, Chủ tịch UBND phường Thuận An, TP Huế cho hay, hiện phường có gần 340 tàu, thuyền lớn nhỏ đánh bắt gần bờ và xa bờ, trong đó có 122 tàu cá chuyên tập trung ở vùng ngư trường Hoàng Sa với sản lượng hải sản đánh bắt được tương đối khá lớn. Trong khi giá nhiên liệu xăng dầu tăng cao cũng khiến các chủ tàu cá xa bờ lo lắng...

Vừa cho tàu cá cập cảng Thuận An để bán hải sản, ngư dân Nguyễn Văn Nghĩa (ở phường Thuận An, TP Huế) chia sẻ, những ngày qua, ông và các ngư dân luôn theo dõi sát sao tin tức thời sự để nắm bắt tình hình về giá xăng dầu. Mới đây, nghe chất vấn tại kỳ họp Quốc hội, có nhiều ý kiến về kiềm chế giá xăng dầu nên bà con ngư dân ai cũng trông mong Nhà nước có chính sách tiếp tục giảm các loại thuế xăng dầu để bình ổn giá xăng dầu và có giải pháp, hỗ trợ để giá xăng dầu ổn định.

Ông Nguyễn Quang Vinh Bình, Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản tỉnh Thừa Thiên-Huế nói rằng, tỉnh Thừa Thiên-Huế hiện có khoảng 450 tàu đánh bắt xa bờ, tàu dịch vụ hậu cần xa bờ công suất từ 90CV đến 1.100CV và hơn 2.000 phương tiện đánh bắt vùng gần bờ, đầm phá. Giá xăng dầu thường chiếm 2/3 tổng chi phí mỗi chuyến vươn khơi đánh bắt hải sản. Bên cạnh đó, giá nhiên liệu tăng đồng thời đẩy giá cả các mặt hàng vật tư phục vụ cho đánh bắt hải sản tăng theo, khiến hoạt động vươn khơi, bám biển của ngư dân gặp muôn vàn khó khăn.

Trước thực trạng này, Chi cục Thủy sản tỉnh Thừa Thiên-Huế đã phối hợp với UBND huyện Phú Vang, UBND TP Huế và chính quyền, cơ quan, đoàn thể các địa phương ven biển tích cực tuyên truyền, động viên bà con ngư dân bám biển. Bên cạnh đó, các đơn vị khuyến cáo ngư dân tổ chức đánh bắt hải sản an toàn, đúng ngư trường quy định, có giải pháp bảo quản hải sản đúng cách để giá bán hải sản khi cập bờ được cao hơn nhằm giảm bớt chi phí thua lỗ trong mỗi chuyến ra khơi.

Anh Khoa
.
.
.