Nghiên cứu việc đấu giá khoáng sản, trừ nhóm tài nguyên an ninh năng lượng

Thứ Tư, 26/06/2024, 15:57

Trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp khai khoáng, đấu thầu dự án và đấu giá quyền khai thác khoáng sản là những nội dung được nhiều đại biểu hiến kế, đề nghị bổ sung vào Dự thảo Luật Địa chất và Khoáng sản đang được Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV này.

Ngày 20/6, Quốc hội thảo luận ở tổ về Dự thảo Luật Địa chất và Khoáng sản, tập trung vào ba nhóm vấn đề lớn. Thứ nhất là đất đai và trách nhiệm xã hội của đơn vị hoạt động khoáng sản; thứ hai là đấu thầu dự án khoáng sản; thứ ba là đấu giá quyền khai thác khoáng sản.

Đại biểu Dương Khắc Mai (đoàn Đắk Nông) nêu thực trạng ở địa phương nơi ông làm nhiệm vụ đại biểu Quốc hội, diện tích quy hoạch khoáng sản có thể bao trùm lên toàn bộ hoạt động đời sống kinh tế- xã hội của người dân, ví dụ xây trường học hay làm đường giao thông nông thôn, nếu đào hố sâu xuống đất, đổ bê tông trong vùng quy hoạch là vi phạm.

nguyen_van_duong_hagi.jpg -0
Đại biểu Nguyễn Văn Dương (đoàn Tiền Giang) phát biểu góp ý vào Dự thảo Luật địa chất khoáng sản hôm 20/6.

Do đó, đại biểu Dương Khắc Mai đề nghị bổ sung điều luật cụ thể về quy hoạch khoáng sản, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế- xã hội nhưng vẫn phải đảm bảo sinh kế cho người dân.

Đại biểu Nguyễn Thanh Hải (đoàn Thái Nguyên) dẫn chứng, tỉnh Thái Nguyên có mỏ vàng Thần Sa ở huyện Võ Nhai, được cho là trữ lượng cao nhất nhì cả nước. Nhiều người ví von là bà con ở đó ngồi trên đống vàng, nhưng thực tế người dân huyện Võ Nhai nghèo nhất tỉnh Thái Nguyên.

“Đó là ý tôi muốn nói về việc các chủ mỏ, các doanh nghiệp khai khoáng phải có trách nhiệm xã hội nào đó đối với người dân địa phương, cần được cụ thể hóa bằng quy định”, bà Nguyễn Thanh Hải phát biểu.

Đại biểu Phạm Thị Kiều (đoàn Đắk Nông) đề nghị làm rõ hơn khoáng sản ở hàm lượng như thế nào thì được gọi là khu vực có khoáng sản để tránh trường hợp khi khai thác đất làm vật liệu san lấp đơn thuần, nhưng trên vùng đất đỏ bazan luôn tồn tại các loại khoáng sản như sắt, nhôm thì đều được gọi là khai thác khoáng sản loại I theo phân loại ở Điều 7 Dự thảo Luật.

Về đấu thầu dự án khoáng sản, đại biểu Tạ Đình Thi (đoàn Hà Nội) kiến nghị ban soạn thảo Luật bổ sung phương thức đấu thầu dự án khai thác khoáng sản. Mục đích để lựa chọn nhà đầu tư có chất lượng và mang lại hiệu quả kinh tế- xã hội lớn nhất. Thông qua đấu thầu dự án khai khoáng, sẽ tuyển lựa được nhà đầu tư có năng lực, nhất là năng lực tài chính, có phương án công nghệ, giải pháp kỹ thuật, tiến độ chặt chẽ và tính khả thi cao.

Nghiên cứu việc đấu giá khoáng sản, trừ nhóm tài nguyên an ninh năng lượng -0
Đấu thầu dự án và đấu giá quyền khai thác khoáng sản là những nội dung được nhiều đại biểu quan tâm, góp ý vào Dự thảo Luật Địa chất và Khoáng sản

Đề cập đến việc đấu giá quyền khai thác khoáng sản, Khoản 2 Điều 104 của Dự thảo Luật quy định các khu vực không phải đấu giá quyền khai thác khoáng sản, đại biểu Nguyễn Thị Mai Phương (đoàn Gia Lai) cho rằng, quy định này khá mơ hồ khi dẫn chiếu Khoản 5 điều 104 của Dự thảo Luật, là “giao Chính phủ quy định chi tiết nội dung này”. Theo bà Mai Phương, cần làm rõ căn cứ để giao Chính phủ quy định các khu vực không đấu giá quyền khai khoáng.

Đại biểu Lê Thanh Vân (đoàn Cà Mau) đề nghị bổ sung một khoản ở Điều 7 Dự thảo Luật về nhóm khoáng sản liên quan đến ninh năng lượng quốc gia. Chỉ nhóm này không đấu giá mà thực hiện theo ý chí của Nhà nước, những khoáng sản còn lại phải đấu giá toàn bộ thì mới ngăn chặn được tiêu cực, tham nhũng trong cấp phép quyền khai thác. “Chúng ta phải có một cái khóa, đó là những vùng cấm (khai thác), còn lại thì nên cho đấu giá một cách công khai, minh bạch”, ông Lê Thanh Vân nói.

Đồng quan điểm trên, đại biểu Nguyễn Văn Dương (đoàn Tiền Giang) cho rằng ngoại trừ khoáng sản năng lượng và khoáng sản phóng xạ, còn các loại khoáng sản khác đều tổ chức đấu giá minh bạch. Về phạm vi địa giới khai thác, đại biểu Phạm Văn Hòa (đoàn Đồng Tháp) kiến nghị trừ khu vực an ninh quốc phòng, còn lại phải phải rạch ròi về quyền mà nơi có khoáng sản được Nhà nước điều tiết nguồn thu như thế nào, cần làm rõ.

Đại biểu Đặng Bích Ngọc (đoàn Hòa Bình) nhận định, khi có nhiều doanh nghiệp quan tâm đến khoáng sản mà Nhà nước không có cơ chế lựa chọn phù hợp thì vô hình chung sẽ tạo cơ chế xin- cho, dẫn đến rủi ro cho cả doanh nghiệp và cơ quan quản lý, thất thu ngân sách. Việc lựa chọn doanh nghiệp đủ năng lực để cấp quyền khai thác khoáng sản thông qua đấu giá sẽ tạo môi trường công bằng cho mọi doanh nghiệp, đặc biệt sẽ giúp đạt được mục tiêu tăng thu ngân sách.

Liên Hải
.
.
.