Ngành lương thực, thực phẩm ứng phó với những rủi ro
Là một trong những ngành kinh tế quan trọng, nên khi dịch COVID-19 xảy ra thì ngành lương thực, thực phẩm (LTTP) đã bị ảnh hưởng không nhỏ. Tuy nhiên để phục hồi ngành lương thực thực phẩm, trong bối cảnh “sống chung với dịch”, các doanh nghiệp (DN) cần có những thay đổi để thích ứng trong bối cảnh mới, cũng như để ứng phó với những rủi ro có thể xảy ra…
Ông Nguyễn Đặng Hiến - Phó Chủ tịch Hội LTTP TP Hồ Chí Minh cho biết: Trước năm 2020, thị trường ngành LTTP Việt Nam liên tục tăng trưởng và được đánh giá đầy tiềm năng. Hiện thực phẩm đang chiếm tỷ lệ cao nhất trong cơ cấu chi tiêu hằng tháng của người tiêu dùng (NTD) Việt Nam.

Tốc độ tăng trưởng bình quân là 7% trong 5 năm (2016-2020). Tuy nhiên, đến năm 2020 do ảnh hưởng của dịch COVID -19 nên chỉ tăng 4,5%, đã cho thấy mức độ tác động của đại dịch đến ngành không hề nhỏ. Những tháng đầu năm 2021, ngành sản xuất thực phẩm đã thể hiện sự hồi phục rõ rệt khi dịch COVID-19 được kiểm soát chặt chẽ. Chỉ số sản xuất ngành LTTP 4 tháng đầu năm 2021 tăng 7,1% so với cùng kỳ năm 2019.
Tuy nhiên, tác động kéo dài của đại dịch đến DN trong ngành trở nên rõ nét hơn sau đợt bùng phát vào tháng 4 và trở nên nghiêm trọng hơn kể từ tháng 7 với tỷ lệ DN chịu tác động ở mức nghiêm trọng đã lên tới hơn 91% và thời điểm này, chỉ số sản xuất công nghiệp ngành LTTP bình quân hằng tháng giảm so với cùng kỳ năm 2020 và tháng sau giảm so với tháng liền kề trước đó (đơn cử tháng 7/2021 giảm 1,4% so với cùng kỳ 2020). Điều này cho thấy sức chống chọi của DN đã có dấu hiệu đuối dần.
Khó khăn lớn nhất mà ngành LTTP đã phải đối mặt là vấn đề liên quan đến logistics và phân phối khi mà một số vùng kinh tế trọng điểm của nước ta buộc phải thực hiện giãn cách xã hội, kéo theo đó là có thời điểm đứt gãy nguyên vật liệu và cả chuỗi cung ứng...
Một số biện pháp của Chính phủ như mô hình “3 tại chỗ”, “1 cung đường, 2 điểm đến” hay cơ chế “luồng xanh” tỏ ra chưa phù hợp với tất cả các địa phương do đặc điểm mỗi địa phương khác nhau, gây ra không ít khó khăn cho DN trong quá trình sản xuất cũng như lưu thông hàng hóa.
TP Hồ Chí Minh là địa phương chịu những ảnh hưởng mạnh mẽ nhất, chỉ số sản xuất ngành LTTP giảm 7,8% so với cùng kỳ năm 2020. Tuy nhiên, tình hình DN đã khởi sắc trở lại kể từ đầu tháng 10 khi các biện pháp giãn cách xã hội đã được nới lỏng, hoạt động sản xuất kinh doanh từng bước được phục hồi khá tốt trong trạng thái bình thường mới, chỉ số sản xuất công nghiệp ngành chế biến thực phẩm tháng 11 đã tăng 10,7% so với cùng kỳ 2020 và dự báo sẽ tiếp tục tăng trong thời gian tới.
Trong đợt dịch vừa qua, có sự thay đổi lớn từ giao dịch trực tiếp sang trực tuyến. Vì vậy, DN cần xác định có 2 đối tượng khách hàng đó là khách hàng DN (B2B) và khách hàng là NTD cuối cùng (B2C). Với khách hàng B2B thì họ đặt hàng trực tiếp tại nhà máy và kiểm soát chất lượng từ xa. Còn khách hàng B2C là họ tìm thông tin và đặt hàng online.
Vì vậy, DN cần thiết kế, xây dựng gian hàng online thế nào để khách hàng truy cập tìm thông tin dễ dàng nhất. Ngoài ra, dịch chuyển trong xu hướng tiêu dùng cũng đã thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt phát triển (do sợ tiếp xúc, sợ va chạm), với 60,6% sử dụng tiền mặt trong thanh toán đã giảm đi, 59,6% thanh toán qua Internet Banking và 57,7% thanh toán qua ví điện tử được tăng lên. Cũng để đáp ứng nhanh chóng xu hướng này, DN cần đẩy mạnh hơn nữa ứng dụng công nghệ số trong hoạt động sản xuất kinh doanh.