Ngành hoa Đà Lạt bứt phá mạnh mẽ
Tích lũy kinh nghiệm trồng hoa được truyền qua nhiều đời, gia đình anh Nguyễn Văn Đức, ngụ phường 12, TP Đà Lạt (Lâm Đồng) ngày càng nắm bắt, làm chủ được kỹ thuật canh tác hoa, nhất là các loại hoa giống mới, đòi hỏi kỹ thuật cao khi gieo trồng, chăm sóc và chế biến sau thu hoạch.
Nếu như trước đây, anh Đức và nhiều hộ khác ở làng hoa Thái Phiên chủ yếu là trồng hoa cúc, hoa hồng, đồng tiền, lay ơn… thì nay, hàng loạt loại hoa cao cấp nhập nội như lily, tulip, cẩm chướng, sa lem, địa lan… cũng đã được các hộ trồng phổ biến và trở thành loài hoa thông dụng ở Đà Lạt.
“Hoa Đà Lạt ngày càng đa dạng, đáp ứng được thị hiếu của người tiêu dùng. Chất lượng hoa được nâng cao, nhiều doanh nghiệp đã có những đơn hàng xuất khẩu ổn định sang thị trường châu Âu, Nhật Bản!..”, anh Nguyễn Văn Đức cho biết.
Cùng với nhiều chính sách kích cầu ngành hoa của tỉnh Lâm Đồng và TP Đà Lạt, các doanh nghiệp, hộ gia đình đã không ngừng đầu tư, đưa ngành sản xuất hoa của Đà Lạt và vùng lân cận đi vào chiều sâu, đạt giá trị kinh tế cao. Ngành sản xuất hoa đã có sự tăng trưởng vượt bậc cả về diện tích, sản lượng và quy mô canh tác. Diện tích gieo trồng hoa của Đà Lạt hiện đạt hơn 6.000ha, sản lượng ước đạt trên 2,4 triệu cành. Giá trị thu hoạch bình quân 1ha hoa đạt 1,5 tỷ đồng/năm với nhiều chủng loại, trong đó có nhiều giống hoa mới được thị trường ưa chuộng.
Người trồng hoa đã đẩy mạnh ứng dụng công nghệ mới vào sản xuất gắn liền với tưới tiết kiệm nước, công nghệ sinh học trong sản xuất giống, công nghệ điều khiển sinh trưởng, điều khiển ra hoa, công nghệ bảo quản lạnh. Việc giám sát và điều khiển bằng hệ thống cảm biến IoT trong sản xuất hoa cũng đã được các doanh nghiệp, hộ gia đình sử dụng phổ biến.
Theo Phòng Kinh tế TP Đà Lạt, địa phương đang có trên 40 doanh nghiệp hoạt động hiệu quả trong lĩnh vực sản xuất, kinh doanh hoa các loại, trong đó có một số doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài. Nơi đây cũng đang có 43 cơ sở nuôi cấy mô thực vật, tạo nguồn giống sạch bệnh để gieo ươm cung cấp thị trường hàng năm khoảng 11 tỷ cây giống. Không chỉ tiêu thụ trong nước, hoa Đà Lạt đã hiện diện ở những thị trường khó tính như Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan, Australia...
Hiện nay, TP Đà Lạt cũng là nơi gia công và cung ứng giống hoa sạch bệnh đến một số thị trường ở châu Âu, Hà Lan, Bỉ và Hoa Kỳ. Ông Nguyễn Đức Cứ, Trưởng phòng Kinh tế TP Đà Lạt cho biết, để ngành sản xuất hoa ngày càng phát triển, những năm qua, các cơ quan chức năng tỉnh Lâm Đồng và TP Đà Lạt đã có nhiều hình thức hỗ trợ doanh nghiệp, người dân đẩy mạnh sản xuất dựa trên áp dụng những tiến bộ mới về kỹ thuật canh tác. Nhà nước khuyến khích trồng các giống hoa mới, có chất lượng cao, được thị trường trong và ngoài nước ưa chuộng.
Đặc biệt, TP Đà Lạt đã phối hợp với tổ chức JICA (Nhật Bản) và Công ty TNHH Sàn giao dịch hoa Himeji triển khai dự án dự án phát triển vùng sản xuất hoa chất lượng cao thông qua việc hiện đại hoá vườn ươm và sản xuất tại Lâm Đồng. Dự án đã góp phần nghiên cứu, chuyển giao quy trình nhân tạo giống cây trồng sạch bệnh, quy trình ứng dụng công nghệ khép kín trong quá trình canh tác, nhằm sản xuất ra các loại hoa chất lượng cao đáp ứng các tiêu chuẩn xuất khẩu để chuyển giao cho người dân.
Để phát triển và củng cố thương hiệu hoa Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng đã xây dựng nhãn hiệu chứng nhận “Đà Lạt - Kết tinh kỳ diệu từ đất lành”. Các tổ chức, cá nhân được cơ quan chức năng cấp phép sử dụng nhãn hiệu này được dùng bao bì, tem nhãn, logo để tạo sự nhận biết đối với người tiêu dùng, nâng sức cạnh tranh của sản phẩm trên thị trường.