Ngành Đường sắt cần tới 240.000 tỷ đồng để đầu tư phát triển
Chiều 1/11, Bộ Giao thông - Vận tải (GTVT) đã tổ chức công bố về Quy hoạch mạng lưới đường sắt thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Theo Quy hoạch, mạng lưới đường sắt cần đầu tư tới 240.000 tỷ đồng và hơn 16.000ha đất để phát triển hạ tầng đường sắt đến 2030.
Đường sắt quốc gia thêm 9 tuyến mới
Theo Quy hoạch mạng lưới đường sắt thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 vừa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đặt mục tiêu đến năm 2030 là cải tạo nâng cấp để khai thác có hiệu quả các tuyến đường sắt hiện có, kết nối thông suốt tuyến đường sắt liên vận quốc tế. Cùng đó, hoàn thành công tác chuẩn bị đầu tư, thu xếp nguồn lực để khởi công một số tuyến đường sắt mới, trong đó ưu tiên tuyến đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam, các tuyến kết nối cảng biển cửa ngõ quốc tế, sân bay quốc tế, đường sắt đầu mối tại thành phố lớn, nghiên cứu để triển khai tuyến đường sắt TP Hồ Chí Minh - Cần Thơ.
Theo đó, mạng lưới đường sắt quốc gia đến năm 2030 được quy hoạch gồm 7 tuyến đường sắt hiện có tổng chiều dài khoảng 2.440km và 9 tuyến đường sắt mới, tổng chiều dài 2.362km. Trong đó, tuyến đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam từ ga Ngọc Hồi đến ga Thủ Thiêm đường đôi, khổ 1.435mm, chiều dài khoảng 1.545km; tuyến Yên Viên - Phả Lại - Hạ Long - Cái Lân từ ga Yên Viên Bắc đến ga Cái Lân là đường đơn, khổ lồng 1.000mm và 1.435mm chiều dài 129km; tuyến vành đai phía Đông thành phố Hà Nội từ Ngọc Hồi-Lạc Đạo-Bắc Hồng dài khoảng 59km; chuyển đoạn Ngọc Hồi-Yên Viên, Gia Lâm - Lạc Đạo thành đường sắt đô thị phù hợp với lộ trình xây dựng tuyến đường sắt đô thị số 1 Hà Nội và đường sắt vành đai phía Đông…
Bên cạnh đó, quy hoạch cũng nhắc đến mạng đường sắt Việt Nam kết nối xuyên Á, kết nối Á - Âu thông qua đường sắt Trung Quốc tại cửa khẩu Hữu Nghị và Lào Cai; kết nối với đường sắt ASEAN qua Lào, qua Campuchia.
Ngoài ra, quy hoạch cũng nêu rõ đến tầm nhìn đến năm 2050, mạng lưới đường sắt quốc gia được quy hoạch bao gồm 25 tuyến với chiều dài 6.354km, trong đó: Hoàn thành tuyến đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam; tiếp tục đầu tư hoàn thành các tuyến đường sắt mới tại khu đầu mối Hà Nội, khu đầu mối TP Hồ Chí Minh, đường sắt kết nối các cảng biển, khu công nghiệp, khu kinh tế, kết nối các tỉnh Tây Nguyên, đường sắt ven biển, đường sắt kết nối quốc tế. Duy trì, cải tạo, nâng cấp các tuyến đường sắt hiện có đáp ứng nhu cầu vận tải hành khách và hàng hóa. Để thực hiện mục tiêu này, tổng nhu cầu quỹ đất dành cho đường sắt đến năm 2030 khoảng 16.419ha (chiếm 7% nhu cầu quỹ đất toàn ngành)…
Tập trung xây dựng đường sắt tốc độ cao
Phát biểu tại buổi công bố Quy hoạch, Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể cho biết, 5 quy hoạch ngành giao thông (hàng không, đường bộ, đường sắt, đường thuỷ nội địa, cảng biển) đã được Hội đồng Thẩm định Quốc gia họp thông qua, báo cáo Chính phủ. Đến nay, 4 quy hoạch (trừ hàng không) đã được Thường trực Chính phủ cho ý kiến. Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể nhấn mạnh, quy hoạch giao thông là nền tảng để hình thành thêm các quy hoạch khác như khu vực sản xuất, thương mại, đô thị. Sau quy hoạch, Bộ GTVT sẽ tham mưu Chính phủ xây dựng đường sắt tốc độ cao, để cạnh tranh hàng không, còn hàng hoá thì ưu tiên vận tải biển.
Thông tin thêm về vấn đề quy hoạch, lãnh đạo Cục Đường sắt Việt Nam cho biết, việc quản lý đất dành cho đường sắt chưa chặt chẽ dẫn đến đất dành cho đường sắt theo quy hoạch bị lấn chiếm. Một số địa phương còn để tình trạng tự ý xây dựng lối đi tự mở qua đường sắt và chưa được quản lý kịp thời. Quy hoạch các ngành, địa phương còn xung đột, chồng lấn, thiếu đồng bộ với quy hoạch đường sắt. Còn tình trạng giao đất, cấp phép xây dựng ngay trong hành lang đường sắt đã được quy hoạch dẫn đến việc triển khai dự án gặp khó khăn, tăng chi phí giải phóng mặt bằng. Vì vậy, tại quy hoạch mạng lưới lần này, đã quy định địa phương phải quản lý chặt quỹ đất dành cho phát triển đường sắt.
Theo đó, phải phối hợp đồng bộ, chặt chẽ trong quá trình thực hiện quy hoạch giữa Trung ương và địa phương, bảo đảm các quy hoạch địa phương phải tuân thủ các định hướng của quy hoạch mạng lưới đường sắt trong việc phê duyệt kế hoạch sử dụng đất và quản lý quỹ đất để phát triển kết cấu hạ tầng đường sắt. UBND các cấp trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình tổ chức thực hiện quản lý nhà nước về giao thông đường sắt theo quy định của pháp luật có liên quan trong phạm vi địa phương; quản lý chặt chẽ quỹ đất phục vụ triển khai quy hoạch; tăng cường bảo vệ hành lang an toàn giao thông đường sắt.
Về trách nhiệm tham gia đầu tư đường sắt, Quy hoạch nêu rõ, UBND các tỉnh, thành phố có liên quan phải chủ động huy động nguồn vốn hợp pháp để đầu tư các tuyến đường sắt kết nối đường sắt đô thị, đường sắt chuyên dùng, các cảng biển lớn, cảng cạn, cảng thủy nội địa, khu kinh tế, khu du lịch... với mạng lưới đường sắt quốc gia, cũng như tham gia hỗ trợ đầu tư các tuyến đường sắt quốc gia qua địa bàn.
Đề xuất hơn 2.200 tỷ đồng đấu nối ray giữa hai ga Lào Cai - Hà Khẩu Bắc
Ban Quản lý dự án đường sắt vừa trình Bộ GTVT xem xét, thẩm định báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư dự án đấu nối ray giữa ga Lào Cai với ga Hà Khẩu Bắc.
Theo đó, Ban Quản lý dự án đường sắt dự kiến tổng mức đầu tư dự án hơn 2.206 tỉ đồng. Nguồn vốn từ vốn ngân sách Nhà nước thuộc kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 phân bổ cho Bộ GTVT. Cũng theo Ban Quản lý dự án đường sắt, tuyến đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng nằm trên hành lang kinh tế Đông - Tây nối Côn Minh (Trung Quốc) với Hải Phòng (Việt Nam), đóng vai trò quan trọng trong việc vận chuyển hàng hóa giữa các tỉnh Vân Nam, Tứ Xuyên - Trung Quốc với các tỉnh miền Bắc Việt Nam đến cảng biển Hải Phòng.
Nhu cầu vận chuyển hàng hóa liên vận trên tuyến đường sắt qua cửa khẩu này tương đối lớn. Tuy nhiên, vận tải đường sắt còn khó khăn do "vênh" khổ đường. Khó khăn về kĩ thuật này phát sinh chi phí sang toa, chuyển tải hàng hóa từ tàu Việt Nam (khổ 1.000mm) sang tàu Trung Quốc (khổ 1.435mm). Trong khi đó, theo UBND tỉnh Lào Cai, tuyến hiện tại sẽ không đáp ứng được nhu cầu vận chuyển hàng hóa từ cửa khẩu Lào Cai về Hải Phòng khi nhu cầu tăng lên trên 3 triệu tấn/năm thời gian tới.
Vì vậy, Dự án đấu nối ray giữa ga Lào Cai với ga Hà Khẩu Bắc khi hoàn thành sẽ giúp Việt Nam chủ động chuyển tải hàng hóa và hành khách tại ga Lào Cai, tăng nhanh thời gian lưu thông hàng hóa xuất nhập khẩu giữa hai nước Việt Nam - Trung Quốc, giảm chi phí vận tải đường sắt, thúc đẩy phát triển vận tải hàng hóa bằng đường sắt, tăng thêm thị phần vận tải đường sắt.