Ngân hàng Nhà nước nói gì về đề xuất giảm lãi suất, tăng mức cho vay các đối tượng chính sách?
Ngân hàng Nhà nước đề nghị cử tri kiến nghị với Bộ Tài chính và Uỷ ban dân tộc điều chỉnh quy định để làm cơ sở điều chỉnh lãi suất, tăng mức cho vay các đối tượng chính sách.
Thông tin từ NHNN cho biết cơ quan này vừa nhận được kiến nghị của cử tri tỉnh Lạng Sơn về việc xem xét có cơ chế về hỗ trợ lãi suất hoặc giảm lãi suất, tăng mức cho vay đối với một số chương trình tín dụng chính sách.
Cụ thể, trong kiến nghị, cử tri tỉnh Lạng Sơn “Đề nghị quan tâm xem xét có cơ chế về hỗ trợ lãi suất hoặc giảm lãi suất cho hộ thoát nghèo từ 0,8% xuống 0,5% đối với hộ sản xuất kinh doanh, hộ cận nghèo từ 0,66% xuống 0,4%, hộ nghèo từ 0,55% xuống 0,25%; và tăng việc cho vay tối đa lên 200 đến 300 triệu/hộ đối với các xã thuộc vùng kinh tế đặc biệt khó khăn vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, để tạo điều kiện cho các hộ nghèo, hộ cận nghèo có cơ hội tốt hơn, sớm hơn trong việc phấn đấu thoát nghèo và không ai bị bỏ lại phía sau”.
Trong văn bản trả lời kiến nghị, NHNN cho biết về kiến nghị xem xét có cơ chế hỗ trợ lãi suất hoặc giảm lãi suất cho vay đối với một số chương trình tín dụng chính sách, theo quy định tại Nghị định số 78/2002/NĐ-CP ngày 4/10/2002 của Chính phủ về tín dụng đối với người nghèo và các đối tượng chính sách khác, lãi suất cho vay ưu đãi do Thủ tướng Chính phủ quyết định cho từng thời kỳ theo đề nghị của Hội đồng quản trị Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH). Mức lãi suất cho vay hộ nghèo là cơ sở tham chiếu để quy định mức lãi suất cho vay đối với các đối tượng khác như: hộ mới thoát nghèo; hộ sản xuất kinh doanh; hộ cận nghèo.
Triển khai Luật Các Tổ chức tín dụng năm 2024, hiện nay Bộ Tài chính đang chủ trì nghiên cứu Nghị định thay thế Nghị định số 78/2002/NĐ-CP ngày 4/10/2002 của Chính phủ về tín dụng đối với hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác. Trong đó, có việc rà soát quy định về lãi suất cho vay để thực hiện thống nhất, đồng bộ tại NHCSXH phù hợp với Chiến lược phát triển NHCSXH đến năm 2030.
Do đó, NHNN đề nghị cử tri có ý kiến với Bộ Tài chính xem xét, tham mưu Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ điều chỉnh mức lãi suất cho vay hoặc có cơ chế về hỗ trợ lãi suất đối với các chương trình tín dụng đang triển khai tại NHCSXH.
Còn đối với kiến nghị tăng mức cho vay đối với các xã thuộc vùng kinh tế đặc biệt khó khăn vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, NHNN cho biết, thực hiện nhiệm vụ được giao NHNN đã chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành liên quan và NHCSXH xây dựng, trình Chính phủ ban hành Nghị định 28/2022/NĐ-CP về chính sách tín dụng ưu đãi thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030.
Các quy định về đối tượng, điều kiện vay vốn, mức cho vay của 6 chính sách tín dụng tại Nghị định 28 được thể chế hóa trên cơ sở các nội dung về hỗ trợ tín dụng được phê duyệt tại Báo cáo nghiên cứu khả thi Chương trình mục tiêu quốc gia làm cơ sở để Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 1719/QĐ-TTg ngày 14/10/2021 phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia.
Do đó, NHNN đề nghị cử tri có ý kiến đề xuất tăng mức cho vay đối với vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi với Ủy ban Dân tộc (cơ quan chủ quản Chương trình mục tiêu Quốc gia) để nghiên cứu, xem xét đề xuất sửa đổi tại Quyết định sửa đổi, bổ sung Quyết định số 1719/QĐ-TTg, làm cơ sở để NHNN tham mưu, trình Chính phủ ban hành Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 28/2022/NĐ-CP cho phù hợp.
Cũng có nội dung kiến nghị liên quan, cử tri tỉnh Ninh Bình kiến nghị NHNN xem xét, ban hành các chính sách tín dụng ưu đãi hỗ trợ đối với hộ có mức sống trung bình để giúp các hộ thoát nghèo bền vững, góp phần phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương.
Trả lời về vấn đề này, NHNN cho biết hiện nay, NHCSXH đang triển khai khoảng 27 chương trình tín dụng chính sách. Mặc dù hiện chưa có chính sách riêng cho hộ có mức sống trung bình nhưng thực tế NHNN thấy rằng hộ có mức sống trung bình đã được tiếp cận một số chương trình tín dụng tại NHCSXH như: Chương trình cho vay đối với hộ mới thoát nghèo theo Quyết định số 28/2015/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ; Chương trình cho vay giải quyết việc làm từ Quỹ Quốc gia về việc làm theo Nghị định số 61/2015/NĐ-CP của Chính phủ; Chương trình cho vay học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn theo Quyết định số 157/2007/QĐ-TTg, Quyết định số 05/2022/QĐ-TTg; Chương trình cho vay nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn theo Quyết định số 10/2024/QĐ-TTg…
Ngoài ra, hộ gia đình có mức sống trung bình còn được tiếp cận chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp nông thôn tại các tổ chức tín dụng theo Nghị định số 55/2015/NĐ-CP ngày 9/6/2015, Nghị định số 116/2018/NĐ-CP ngày 7/9/2018 của Chính phủ với nhiều quy định ưu đãi; theo đó, tổ chức tín dụng xem xét cho vay không tài sản bảo đảm đến mức 200 triệu đồng/hộ đối với cá nhân, hộ gia đình cư trú tại địa bàn nông thôn; đến mức 300 triệu đồng/hộ đối với hộ kinh doanh.
Hiện, Bộ Tài chính là cơ quan chủ trì xây dựng Nghị định của Chính phủ về tín dụng chính sách xã hội (thay thế Nghị định số 78/2002/NĐ-CP ngày 4/10/2002 của Chính phủ về tín dụng đối với hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác), trong đó dự kiến quy định cụ thể về các đối tượng được vay vốn tại NHCSXH. Do đó, đề nghị cử tri có ý kiến với Bộ Tài chính về vấn đề này để được nghiên cứu, xem xét bổ sung các đối tượng trên.