Ngại thanh tra, nhiều khách hàng trả lại tiền hỗ trợ lãi suất
Ngân hàng Nhà nước cho biết, gói hỗ trợ lãi suất (HTLS) 2% hiện gặp nhiều khó khăn trong quá trình giải ngân. Thậm chí, có một số khách hàng dù đã được nhận HTLS, song hiện tại đã chủ động hoàn trả ngân hàng toàn bộ số tiền lãi được hỗ trợ.
Tại Báo cáo gửi Quốc hội về một số vấn đề trong lĩnh vực quản lý hoạt động của mình, NHNN cho biết chính sách HTLS từ ngân sách nhà nước đối với khoản vay của doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh theo Nghị định số 31/2022/NĐ-CP là một trong các chính sách thuộc Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.
Theo số liệu do NHNN công bố, đến cuối tháng 3/2023, doanh số HTLS đạt gần 91.000 tỷ đồng, dư nợ HTLS đạt gần 51.000 tỷ đồng, số tiền đã hỗ trợ cho khách hàng đạt 327 tỷ đồng cho gần 1.900 khách hàng. Căn cứ thực tế triển khai, các khó khăn vướng mắc trong quá trình thực hiện và đánh giá khả năng giải ngân HTLS, các ngân hàng thương mại đã dự kiến số tiền HTLS luỹ kế từ đầu chương trình đến hết năm 2023 đạt khoảng 2.570 tỷ đồng. Như vậy, số dự kiến không sử dụng hết của chương trình là 37.430 tỷ đồng.
Lý giải về những khó khăn trong quá trình triển khai thực hiện gói HTLS này, NHNN cho biết có nhiều khách hàng đủ điều kiện nhưng từ chối nhận HTLS, chủ yếu là do tâm lý e ngại thanh, kiểm tra (nhất là khách hàng doanh nghiệp). Bên cạnh đó, khách hàng cân nhắc giữa lợi ích của việc HTLS 2% và chi phí bỏ ra để nhận HTLS theo dõi hồ sơ, chứng từ, tuân thủ các thủ tục hậu kiểm, kiểm tra, kiểm toán, kiểm tra của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
Ngoài ra, khách hàng cũng lo ngại trong trường hợp sau này bị các cơ quan nhà nước có thẩm quyền xác định phải thu hồi số tiền HTLS thì rất khó xử lý vì lúc đó số tiền HTLS đã hạch toán lợi nhuận/chia cổ tức cho cổ đông. “Thực tế, một số khách hàng đã được nhận HTLS, song hiện đã chủ động hoàn trả NHTM toàn bộ số tiền lãi đã được HTLS”, NHNN cho hay.
Cùng với khó khăn chủ quan, về khách quan, NHNN cho biết, về cơ chế chính sách, ngân hàng và khách hàng gặp khó trong đánh giá liên quan đến quy định “có khả năng phục hồi” tại Nghị quyết số 43/2022/QH15 của Quốc hội, và khoản 4 Điều 3 Nghị định 31/2022/NĐ-CP của Chính phủ.
Cụ thể, qua báo cáo và khảo sát thực tế, NHNN nhận thấy, các khách hàng mặc dù có khả năng trả nợ, song cũng không dám khẳng định “có khả năng phục hồi”. Tiêu chí “có khả năng phục hồi” lại được thể hiện thông qua các tiêu chí định lượng như doanh thu, sản lượng, lợi nhuận tăng, hoặc các tiêu chí định tính như đánh giá diễn biến, chiều hướng kinh doanh của khách hàng.
Trong khi đó, các đánh giá theo tiêu chí trên được cho là khó trong bối cảnh hiện nay, đặc biệt trong điều kiện kinh tế thế giới đang có nhiều bất ổn, trong khi nền kinh tế nước ta có độ mở lớn, hoạt động của các doanh nghiệp phụ thuộc rất lớn vào nền kinh tế quốc tế.
Trường hợp khẳng định hoặc đánh giá các tiêu chí doanh thu, sản lượng, lợi nhuận tăng nhưng thực tế do tác động của nhiều yếu tố bất định dẫn tới các chỉ số này không tăng thì các ngân hàng và khách hàng e ngại sẽ bị các cơ quan thanh tra, kiểm tra sau này đánh giá trục lợi chính sách.
Ngoài ra, một số khách hàng có doanh thu, lợi nhuận trong giai đoạn dịch cao hơn hiện tại, nên rất khó để đánh giá đáp ứng tiêu chí “phục hồi”…