Nâng tầm phát triển công nghệ hiện đại chứ không thể chỉ lắp ráp, gia công

Thứ Bảy, 30/07/2022, 07:54

Nếu không thay đổi cách thức phát triển công nghiệp hóa, hiện đại hóa, Việt Nam có nguy cơ trở thành công xưởng chuyên lắp ráp, gia công của thế giới. Công nghiệp hóa, hiện đại hóa phải gắn với khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo.

Đó là nhận định của nhiều chuyên gia kinh tế tại hội thảo khoa học quốc gia chủ đề: "Chủ trương và chính sách công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045", do Ban Kinh tế Trung ương vừa tổ chức tại TP Hồ Chí Minh.

4-4.jpg -0
Mặc dù kim ngạch xuất khẩu lớn, nhưng các doanh nghiệp trong nước chiếm tỷ trọng thấp.

PGS. TS Vũ Hải Quân - Giám đốc Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh khẳng định: "Công nghiệp hóa, hiện đại hóa là quá trình tất yếu, là nhiệm vụ trọng tâm có tính chiến lược và quan trọng, quyết định đến kết quả thực hiện các mục tiêu cuả chiến lược phát triển kinh tế xã hội, đảm bảo quốc phòng an ninh cuả đất nước". Ngành công nghiệp đã đóng góp ngày càng lớn trong nền kinh tế. Giai đoạn 2011-2020, ngành công nghiệp có tốc độ tăng trưởng cao nhất trong các ngành kinh tế quốc dân, gia tăng tỷ trọng của ngành công nghiệp trong nền kinh tế từ 26,6% năm 2011 đến 28,5% vào năm 2019.

Đặc biệt, cơ cấu ngành công nghiệp có sự dịch chuyển ngày càng tích cực, góp phần chuyển đổi không gian phát triển, thúc đẩy liên kết ngành và liên kết vùng. Tuy nhiên, quá trình CNH-HĐH đất nước trong thời gian vừa qua còn chậm, mục tiêu phấn đấu để đến năm 2020 nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại không đạt được, và việc tạo nền tảng để cơ bản trở thành một nước công nghiệp theo hướng hiện đại cũng không đạt được mục tiêu đề ra. Điển hình, Việt Nam đã có mục tiêu phát triển ngành công nghiệp dệt may, khởi nguồn từ nhà máy dệt Nam Định.

Mục tiêu phát triển ngành công nghiệp luyện kim, gắn với khu gang thép Thái Nguyên. Mục tiêu phát triển ngành công nghiệp đóng tàu, ngành công nghiệp mía đường, ngành công nghệ hóa dầu, ngành công nghiệp phần mềm… Tuy nhiên, những kết quả đạt được cho đến thời điểm này vẫn còn hạn chế, chưa có nhiều doanh nghiệp (DN), thương hiệu khoa học công nghệ mang tầm khu vực và quốc tế.

Đồng chí Nguyễn Xuân Thắng - Ủy viên Bộ Chính trị, Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia TP Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương đã chỉ ra những điểm yếu của công nghiệp hóa. Cụ thể, ngành công nghiệp chủ yếu là khai thác tài nguyên, sử dụng nhiều lao động, không dựa trên đổi mới sáng tạo nên dẫn đến năng suất thấp. Kết quả, sản phẩm làm ra phần lớn là gia công, lắp ráp, nguyên phụ liệu thì chủ yếu nhập khẩu. Nếu không thay đổi hướng phát triển nguy cơ Việt Nam trở thành công xưởng của thế giới với giá trị gia tăng cực thấp trong chuỗi cung ứng toàn cầu.

Đồng chí Nguyễn Xuân Thắng nhìn nhận, thực tế DN trong nước tham gia chuỗi cung cung toàn cầu rất ít. Trong thời gian qua, giá trị cũng như sản lượng xuất khẩu (XK) của các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) chiếm tỷ trọng lớn so với DN trong nước. XK của Việt Nam phụ thuộc lớn vào khu vực doanh nghiệp FDI. Điển hình như năm 2021, Samsung Việt Nam XK 65,5 tỷ USD, tăng 16% so với năm 2020, tương đương bằng 1/5 tổng kim ngạch XK của Việt Nam. Vì vậy, cần phải thay đổi hướng phát triển công nghiệp hóa, công nghệ phải gắn với chuyển đổi số và sáng tạo, để tránh trường hợp Việt Nam thì chỉ gia công, nhưng thế giới thì lại thu lợi nhuận.

Trong bối cảnh toàn cầu hóa, các vấn đề địa chính trị, cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 đang diễn ra mạnh mẽ, cạnh tranh quốc tế gay gắt, đã đặt ra vấn đề cấp thiết là phải đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa để nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, năng lực cạnh tranh. Theo ý kiến cuả PGS. TS Vũ Hải Quân, tài nguyên rồi sẽ cạn, nhân công rồi sẽ già, chỉ có nguồn lực trí tuệ là bền vững. Vì vậy "bản lề" tương lai lâu dài cuả một đất nước đó phải là giáo dục và khoa học công nghệ.

Giáo dục, khoa học công nghệ là nền tảng của quá trình trẻ hóa, thúc đẩy tiến bộ xã hội, là giải pháp cơ bản để nâng cao chất lượng và phát triển toàn diện con người. Phải ưu tiên phát triển giáo dục, coi việc "trồng người" là nhiệm vụ cơ bản, nâng cao trình độ khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo chính là "chìa khóa" để đạt được mục tiêu xây dựng quốc gia.

T.Hà
.
.
.