Năm 2025, phấn đấu đạt mức tăng trưởng trên 8%

Thứ Tư, 08/01/2025, 06:59

Vượt qua những biến động phức tạp, khó lường của tình hình thế giới, tăng trưởng GDP cả năm 2024 đạt 7,09%, vượt mục tiêu Quốc hội đặt ra. Đây cũng là tiền đề quan trọng để bước sang năm 2025, nền kinh tế sẽ tăng tốc và về đích, hoàn thành cao nhất các mục tiêu trong Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm giai đoạn 2021-2025.

Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê Nguyễn Thị Hương cho biết, trong bối tình hình thế giới tiếp tục diễn biến phức tạp với nhiều yếu tố rủi ro, nhất là trong những tháng đầu năm 2024, kinh tế Việt Nam vẫn tiếp tục xu hướng phục hồi rõ nét, tăng trưởng khởi sắc dần qua từng tháng, từng quý. Nhờ đó, Việt Nam là điểm sáng về tăng trưởng kinh tế trong khu vực và trên thế giới với mức dự báo tăng trưởng cao hơn nhiều quốc gia trong khu vực và được nâng dự báo vào những tháng cuối năm khi bối cảnh kinh tế dần ổn định hơn.

997_dn-(3).jpg -0
Năm 2025 đẩy mạnh hơn nữa các động lực tăng trưởng truyền thống như đầu tư, tiêu dùng, xuất nhập khẩu.

Đạt được kết quả trên, bà Nguyễn Thị Mai Hạnh, Vụ trưởng Vụ Hệ thống Tài khoản quốc gia cho biết, tăng trưởng kinh tế năm 2024 được hỗ trợ bởi một số yếu tố thuận lợi như ổn định chính trị và kinh tế vĩ mô, áp dụng linh hoạt, hiệu quả chính sách tài khóa và chính sách tiền tệ đã giúp kiểm soát lạm phát ở vùng an toàn, lãi suất điều hành giảm dần là cơ sở để giảm lãi suất cho vay hỗ trợ sản xuất. Cùng với đó, kết quả này được hỗ trợ từ sự phục hồi của các nền kinh tế lớn như Mỹ, EU, Nhật Bản và Hàn Quốc làm gia tăng nhu cầu tiêu thụ hàng hóa, tạo điều kiện thuận lợi cho xuất khẩu sản phẩm. Các tập đoàn FDI lớn đầu tư vào Việt Nam, mở rộng sản xuất đáp ứng nhu cầu thiết bị điện tử tăng trong bối cảnh chuyển đổi số. Cùng với đó, các chính sách hỗ trợ, ưu đãi từ Chính phủ khuyến khích sản xuất và tiêu thụ sản phẩm trong nước.

Năm 2024, xuất khẩu hàng hóa cũng là điểm nhấn quan trọng trong xu hướng tăng trưởng. Năm 2024, xuất khẩu hàng hóa tăng trưởng 14,3%, được hỗ trợ lớn từ nhu cầu tiêu dùng, mua sắm tại các thị trường lớn như Mỹ, EU, ASEAN phục hồi. CPI cả năm 2024 tăng 3,63% so với năm trước, đạt mục tiêu Quốc hội đề ra. Đồng thời, bà Phí Thị Hương Nga, Vụ trưởng Vụ Thống kê Công nghiệp và xây dựng cho biết, đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) tiếp tục gia tăng là điểm sáng, hỗ trợ cho phát triển sản xuất và xuất khẩu, là động lực góp phần vào tăng trưởng kinh tế năm 2024. Vốn đầu tư thực hiện của khu vực FDI năm 2024 tăng 10,6% so với cùng kỳ, cao hơn rất nhiều mức tăng 5,4% năm 2023. Đầu tư có xu hướng tăng lên nhờ hoạt động xuất khẩu phục hồi và các nhà đầu tư lạc quan hơn trong đầu tư vào các dự án cho thấy niềm tin của các nhà đầu tư vào môi trường kinh doanh tại Việt Nam.

Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương cho rằng, kết quả tích cực của năm 2024 là tiền đề quan trọng để bước sang năm 2025 nền kinh tế sẽ tăng tốc và về đích, hoàn thành cao nhất các mục tiêu trong Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm giai đoạn 2021-2025; đồng thời chuẩn bị, củng cố các yếu tố nền tảng, làm tiền đề để chúng ta có thể tự tin bước vào kỷ nguyên vươn mình giàu mạnh, thịnh vượng của dân tộc. Quốc hội quyết nghị mục tiêu tăng trưởng kinh tế năm 2025 là 6,5-7%, phấn đấu đạt 7-7,5%, nhưng Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã quyết liệt và mạnh dạn đặt mục tiêu tăng trưởng trên 8%, thậm chí cao hơn, đó là tăng trưởng 2 con số. Đây là một thách thức lớn trong bối cảnh kinh tế toàn cầu và cả Việt Nam được dự báo là còn nhiều yếu tố bất định, khó khăn, thách thức còn lớn hơn cả thuận lợi. Tuy nhiên, việc đặt mục tiêu lớn là cần thiết, bởi như Tổng Bí thư Tô Lâm đã nói, chúng ta đang bước vào kỷ nguyên mới của dân tộc, mà để bước vào kỷ nguyên mới thì tăng trưởng kinh tế là rất quan trọng.

Bà Nguyễn Thị Hương cũng cho rằng, năm 2025, một số giải pháp cần thực hiện là cần chủ động điều hành linh hoạt chính sách tiền tệ, ổn định tỷ giá, mặt bằng lãi suất; kiểm soát giá cả, thị trường; bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế; liên tục cập nhật các kịch bản dự báo về tăng trưởng, lạm phát để có phản ứng kịp thời nhằm duy trì sự ổn định và tăng trưởng của nền kinh tế. Theo dõi chặt chẽ diễn biến giá các mặt hàng thiết yếu nhất là mặt hàng xăng dầu, xây dựng các phương án điều tiết nguồn cung, hạn chế việc tăng giá đột biến nhằm giảm thiểu ảnh hưởng đến lạm phát và đời sống người dân. Bộ, ngành, địa phương đẩy mạnh thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công, triển khai nhanh, hiệu quả các nhiệm vụ, dự án đầu tư quy mô lớn, tăng cường thu hút vốn đầu tư nước ngoài chất lượng cao. Có chính sách ưu đãi, cạnh tranh, tạo điều kiện kinh doanh thuận lợi thu hút các dự án lớn, trọng điểm quốc gia, dự án công nghệ cao..., thu hút các nhà đầu tư chiến lược, các tập đoàn đa quốc gia đầu tư, đặt trụ sở và thành lập các trung tâm R&D tại Việt Nam. Đẩy mạnh tiêu dùng, tập trung phát triển thị trường trong nước…

Tổng mức bán lẻ hàng hoá và doanh thu dịch vụ tiêu dùng duy trì đà tăng

 Báo cáo của Tổng cục Thống kê công bố ngày 6/1 cho thấy, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng quý IV/2024 tăng 9,3% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung năm 2024, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng 9,0% so với năm trước, đạt mục tiêu đề ra tại Nghị quyết số 01/NQ-CP của Chính phủ. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng theo giá hiện hành tháng 12 năm 2024 ước đạt 570,7 nghìn tỷ đồng, tăng 1,9% so với tháng trước và tăng 9,3% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung năm 2024, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng theo giá hiện hành ước đạt 6.391,0 nghìn tỷ đồng, tăng 9,0% so với năm trước (năm 2023 tăng 9,4%), nếu loại trừ yếu tố giá tăng 5,9% (năm 2023 tăng 6,8%). So với năm 2019 - năm chưa xảy ra dịch COVID-19, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng năm 2024 tăng 29,4%, trong đó doanh thu bán lẻ hàng hóa tăng 31,5% và doanh thu du lịch lữ hành tăng 39,8%. Năm 2025, Bộ Công Thương đề ra mục tiêu tổng mức bán lẻ hàng hoá và doanh thu dịch vụ tiêu dùng phấn đấu tăng khoảng 10% so với năm 2024. (Phan Đức)

Lưu Hiệp
.
.
.