Năm 2021, hơn 1,4 triệu người thiếu việc làm
Ngày 6/1, Tổng cục Thống kê tổ chức họp báo về tình lao động việc làm quý IV và năm 2021 và chỉ số phát triển con người Việt Nam (HDI) Việt Nam giai đoạn 2016-2020.
Năm 2021 tỷ lệ thất nghiệp cao hơn năm trước
Ông Phạm Hoài Nam, Vụ trưởng Vụ thống kê dân số và lao động cho biết, cùng với chính sách thích ứng linh hoạt trong phòng chống dịch để khôi phục kinh tế, thị trường lao động quý IV bắt đầu có dấu hiệu phục hồi. Lực lượng lao động, số người có việc làm quý IV năm 2021 tăng so với quý trước và giảm so với cùng kỳ năm trước.
Tỷ lệ thất nghiệp và thiếu việc làm giảm so với quý trước và tăng so với cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên, tính chung cả năm 2021, diễn biến phức tạp và kéo dài của đợt dịch COVID-19 lần thứ tư đã khiến tình hình lao động việc làm năm 2021 gặp nhiều khó khăn hơn so với năm 2020, lực lượng lao động, số người có việc làm giảm; tỷ lệ thiếu việc làm và thất nghiệp tăng so với năm trước.

Trong năm 2021, tình hình dịch kéo dài và phức tạp hơn trong năm 2020 đã khiến cho hàng triệu người mất việc, lao động trong các ngành tiếp tục giảm, đặc biệt là khu vực dịch vụ. Mặc dù Chính phủ đã có các chính sách chủ động thích ứng linh hoạt trong phòng chống COVID-19, vừa thực hiện phục hồi, phát triển kinh tế xã hội nhưng tính chung cả năm 2021 thị trường lao động vẫn còn gặp nhiều khó khăn, với tỷ lệ thất nghiệp năm nay cao hơn năm trước, trong đó khu vực thành thị vượt mốc 4%.
Tổng cục Thống kê đề xuất một số giải pháp, trong đó đẩy mạnh chiến lược tiêm vaccine; triển khai kịp thời các gói hỗ trợ doanh nghiệp và người lao động phục hồi sau đại dịch. Chính phủ cần có chính sách khuyến khích các địa phương thiết lập các kênh thông tin chính thống, chuyên ngành để cập nhật cho doanh nghiệp và người lao động các chiến lược phát triển kinh tế; chính sách hỗ trợ và thu hút lao động; các kế hoạch và quy định xét nghiệm, kiểm soát dịch bệnh của địa phương để họ xây dựng và thực hiện các kế hoạch khôi phục và phát triển sản xuất.
Đối với người lao động, phải có sự đổi mới tư duy và hành động trong việc tìm kiếm việc làm và tham gia làm việc trong các cơ sở sản xuất kinh doanh và các hộ gia đình nhằm đảm bảo vừa phòng chống dịch cho bản thân, và gia đình, cộng đồng chó hiệu quả. Đồng thời, vừa có việc làm và thu nhập ổn định, góp phần phục hồi và phát triển kinh tế- xã hội.
Thứ hạng HDI của Việt Nam tăng
Tại cuộc họp báo, bà Nguyễn Thị Thanh Mai, Vụ Phó Vụ thống kê dân số và lao động đã công bố báo cáo chỉ số phát triển con người (HDI) của Việt Nam giai đoạn 2016-2020. Báo cáo đi sâu phân tích các chỉ tiêu HDI đã tính toán, tổng hợp được; góp phần phản ánh động thái và thực trạng kinh tế- xã hội của đất nước trong những năm vừa qua trên 3 tiêu chí quan hệ trực tiếp đến mỗi người dân đó là: Sức khoẻ, giáo dục và thu nhập.
Trong giai đoạn 2016-2020, HDI của cả nước và hầu hết 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đều tăng qua các năm. HDI của cả nước tăng từ 0,682 năm 2016 lên 0,687 năm 2017; 0,693 năm 2018; 0,703 năm 2019 và 0,706 năm 2020. Theo đó, Việt Nam từ Nhóm các quốc gia, vùng lãnh thổ có HDI trung bình năm 2018 và những năm trước đó đã gia nhập Nhóm đạt mức cao trong năm 2019- 2020. Thứ hạng HDI của Việt Nam trong các quốc gia, vùng lãnh thổ thế giới tăng từ vị trí 118 năm 2018 lên 117 năm 2019 và có thể tiếp tục được cải thiện trong năm 2020 khi Chương trình phát triển Liên hợp quốc (UNDP) cập nhật Bảng xếp hạng.
Với mức độ đóng góp khác nhau, tăng trưởng HDI giai đoạn 2016-2020 của cả nước và 63 địa phương có sự đóng góp của cả 3 chỉ số thành phần do các chỉ số này đạt được mức tăng và tốc độ tăng.
HDI của các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương năm 2020 đều cao hơn năm 2016. Trong 5 năm 2016-2020, các địa phương đều thuộc Nhóm 3 là nhóm có HDI ở mức trung bình và Nhóm 2 là nhóm có HDI đạt mức cao. Đáng chú ý, trong những năm qua nhiều địa phương có HDI thấp nhưng tốc độ tăng đạt cao hơn địa phương có HDI cao nên khoảng cách chênh lệch HDI giữa các địa phương thu hẹp dần.