Mua vàng lấy vía Thần tài: Coi chừng “thủng túi”!
Bằng các tiểu xảo, chính các “nhà vàng” đã đẩy trào lưu mua vàng lấy may ngày vía Thần tài thành một thói quen của số đông khách hàng. Thế nhưng, may đâu chưa biết, việc mua vàng kiểu “đu đỉnh” đang khiến cho nhiều người bị "thủng túi".
Dường như năm nào cũng vậy, kể từ phiên khai xuân cho đến ngày chính hội Vía Thần tài mùng 10 tháng Giêng, vàng luôn đi theo đồ thị tăng giá, để rồi nhanh chóng “đổ đèo” vào các phiên sau đó. Năm nay cũng vậy, ngay phiên mở hàng ngày 7/2, giá vàng SJC đã tăng vọt 700.000 đồng/lượng so với trước ngày nghỉ tết Nguyên đán, chính thức vượt ngưỡng 63 triệu đồng mỗi lượng- mức cao nhất kể từ tháng 10/2021 và cũng là kỷ lục về giá của kim loại quý.
Thế nhưng, sau khi “trèo” quá cao giá kim loại quý đã “ngã lộn nhào” vào phiên ngay sau đó, ngày 8/2, đánh mất cả triệu đồng mỗi lượng. Với diễn biến “quay xe” này của vàng, với những người đã mua vàng ngày 7/2, số tiền thiệt hại sẽ cộng dồn thêm chênh lệch giá mua vào- bán ra tầm gần 1 triệu đồng nữa- tức mất khoảng ngót nghét 2 triệu đồng mỗi lượng, chỉ sau một đêm.
Bước sang phiên ngày 9/2, giá vàng SJC dù đã tăng trở lại, nhưng mức tăng vẫn dè dặt nên chưa thể lấp được mức giảm trước đó. Thực tế cho thấy, diễn biến giá vàng trong nước lên xuống bị chi phối một phần từ sự biến động của giá vàng thế giới. Tuy nhiên, điều đáng nói là việc biến động của giá vàng SJC theo thế giới thường chỉ là theo… phong trào, chứ không phản ánh đúng mức tăng giảm.
Vì sự “lệch pha” này, giá vàng trong nước hiện đang cao hơn giá vàng thế giới 13 triệu đồng mỗi lượng, và kỷ lục cho khoảng cách này đã có thời điểm lên tới gần 14 triệu đồng mỗi lượng vào phiên đỉnh của ngày 8/2. Điều này được cho là do các doanh nghiệp tự điều chỉnh để bảo vệ lợi nhuận của mình. Tuy nhiên, việc bảo vệ lợi nhuận theo kiểu phi thị trường thế này, sẽ đẩy rủi ro về phía khách hàng.
Đấy là chưa kể, việc giá vàng chênh lệch quá lớn như thế, sẽ là miếng mồi béo bở cho các đối tượng buôn lậu tuồn vàng qua biên giới theo đường tiểu ngạch, vì theo nguyên tắc khi có chênh lệch giá, thị trường có nhu cầu mà không đáp ứng được tất sẽ phát sinh buôn lậu.
Hệ lụy của việc buôn lậu vàng, ngoài thất thu thuế, gây vàng hóa, còn có tác động trực tiếp tới giá ngoại tệ, trực tiếp là đồng USD. Công ty Chứng khoán SSI trong một báo cáo đã nhận định đồng USD tăng có thể do chênh lệch giá vàng trong nước và giá vàng thế giới đang ở mức rất cao. Tức, người dân mang vàng buôn lậu bán lấy VND, sau đó dùng VND đổi sang USD để ra nước ngoài mua vàng và tiếp tục buôn lậu…
Trở lại với việc mua vàng ngày vía Thần tài- một trong những thói quen khiến cho giá vàng “nổi sóng” trong những ngày đầu năm mới,nhiều người đã chịu thiệt vì phải mua vàng giá cao. Ngay ngày 9/2, dù chưa “chính hội”, song vàng đã có dấu hiệu loạn giá. Thế nhưng, dù cho điều chỉnh giá kiểu gì thì các nhà vàng luôn có cách bảo vệ an toàn cho mình, đẩy hoàn toàn rủi ro về phía người tiêu dùng.
Cụ thể, trong phiên ngày 9/2, vàng đã có những diễn biến trái chiều giữa mua và bán của các thương hiệu. Giá vàng trên hệ thống SJC Hà Nội niêm yết giao dịch mua – bán ở mốc 61,70 – 62,47 triệu đồng/lượng, giảm 100.000 đồng/lượng chiều mua, giảm 50.000 đồng/lượng chiều bán so với giá chốt phiên trước. Trong khi đó, với diễn biến tăng giá bán 300.000 đồng, giảm giá mua 100.000 đồng mỗi lượng, vàng miếng SJC của thương hiệu Doji gia tăng chênh lệch mua – bán lên 1,3 triệu đồng/lượng. Còn tại hệ thống Phú Quý, doanh nghiệp này cũng tăng 150.000 đồng/lượng chiều mua, tăng 300.000 đồng/lượng chiều bán so với chốt phiên hôm trước...
"Có hiện tượng chung là giá vàng trước và trong ngày vía Thần Tài tăng mạnh và sau đó sẽ giảm rất sâu. Người mua vàng vào dịp vía Thần tài hầu như nắm chắc phần lỗ. Lời là chỉ đến với các tay đầu cơ vàng và các tiệm vàng: họ tung vàng ra bán trước và trong ngày Thần tài với giá cao và hốt (mua) vàng về sau ngày Thần tài với giá rẻ.
Do đó, người mua vàng ngày vía Thần Tài cần cẩn trọng", chuyên gia tài chính Nguyễn Trí Hiếu phân tích. Cũng theo ông Hiếu, đầu tư vào vàng vào dịp lễ Thần tài là điều vô lý. Nếu mua vàng vì lý do tâm linh, mong Thần tài phù hộ khi mua vàng vào ngày vía Thần tài, thì đây là điều mê tín dị đoan, vì chẳng có tôn giáo nào dạy rằng có một vị thần ở đâu đó sẽ mang lại may mắn cho con người nếu con người mua vàng vào ngày vía của vị thần đó.
Còn nếu mua vàng để đầu tư vào dịp lễ thần tài thì lại càng bất hợp lý hơn vì giá vàng thường bị đẩy lên cao trước ngày Thần tài và thông thường thì sẽ giảm sâu sau ngày đó. “Người tiêu dùng và nhà đầu tư cần cẩn trọng trong giai đoạn giá vàng biến động mạnh như hiện nay. Hãy để dành tiền để đầu tư vào tài sản khác thay vì mua vàng trong ngày vía Thần Tài để lấy may", ông Hiếu khuyến nghị.