Một dự án có đến quá nửa số người trúng đấu giá quyền sử dụng đất bỏ cọc
Nhiều nhà đầu tư sau khi trúng đấu giá đã tính toán và chấp nhận mất số tiền đặt cọc, còn hơn bỏ cả tỷ đồng vào mà không biết lúc nào mới thu hồi lại được vốn, khi mà thị trường bất động sản đang có dấu hiệu chững lại…
Ngày 29/10, xác nhận với phóng viên Báo CAND, đại diện UBND huyện Kiến Thụy (Hải Phòng) cho biết, dự án đấu giá quyền sử dụng đất vào mục đích làm nhà ở cho hộ gia đình, cá nhân, gồm 86 lô đất, tại xã Tân Trào, đến nay khi hết thời hạn thực hiện nghĩa vụ tài chính của người trúng đấu giá, có 46 trường hợp chấp nhận bỏ cọc.
Cụ thể, dự án có tổng diện tích hơn 12,4 nghìn m2, chia thành 86 lô, tương đường từ 110 – 170m2/lô, do UBND huyện Kiến Thụy làm chủ đầu tư. Tổng giá khởi điểm được chủ đầu tư đưa ra là hơn 69 tỷ đồng, trong đó số tiền đặt cọc là trên 13,7 tỷ đồng. Hình thức đấu giá bằng phiếu trả giá kín, trong thời gian từ ngày 21 đến 23/2/2022.
Kết quả đấu giá dự án được UBND huyện Kiến Thụy khẳng định là thành công sau khi toàn bộ 86 lô đất đều có người trúng. Đáng chú, giá khởi điểm của các lô đất chỉ từ 10 – 15 triệu đồng/m2, nhưng đã được người mua trả giá gấp đối, lên đến 25, thậm chí là 27 triệu đồng/m2. Tuy nhiên, sau khi đến thời hạn quy định người trúng đấu giá phải hoàn thành nghĩa vụ tài chính thì chỉ có 40/86 trường hợp nộp đủ tiền, còn lại không đóng tiền và chấp nhận bỏ cọc. Số tiền những người tham gia đấu giá bỏ cọc tương đương khoảng 8 tỷ đồng.
Anh Phạm Văn D., ở xã Đại Hợp, huyện Kiến Thụy là một trong trúng đấu giá đất dự án trên cho biết, số người tham gia đấu giá có nhu cầu mua để ở không có nhiều, mà chủ yếu là những người đầu cơ ở địa phương khác đến. Họ đứng ra mua từ 5 – 7, thậm chí cả chục bộ hồ sơ và nộp tiền đặt cọc. Theo quy định, số tiền đặt cọc tương ứng với 10% trong tổng số tiền của lô đất theo giá khởi điểm. Cụ thể một lô đất 130m2, có giá khởi điểm là 10 triệu đồng/m2, thì người tham gia đấu giá phải bỏ ra số tiền đặt cọc là 130 triệu đồng.
Quá trình bỏ phiếu trả giá, có lô đất được trả lên gấp đôi là 20 triệu đồng/m2, những lô ở vị trí đẹp có thể còn lên cao hơn. Sau khi có kết quả trúng đấu giá, trong khoảng thời phải nộp nốt số tiền còn lại, các nhà đầu cơ nếu có khách thì bán sang tay thu lời cả tỷ đồng. Hoặc là để lại nghe ngóng thị trường bất động sản, nếu có khả tăng cao hơn nữa thì giữ lại bán sau. Còn thị trường giảm sâu quá thì chấp nhận bỏ cọc…
Anh D. chỉ ra lý do nhà đầu cơ chấp nhận bỏ cọc một cách dễ dàng bởi họ tính ra ngay kết quả chỉ mất 130 triệu đồng, còn hơn phải thêm 2 tỷ đồng nữa nộp vào mà không biết đến lúc nào mới thanh khoản được khi mà thị trường bất động sản đang lắng xuống…
Về phía chủ đầu tư, mặc dù thu được số tiền đặt cọc hàng tỷ đồng nhưng chỉ là con rất nhỏ so với tổng số tiền của hàng chục lô đất nếu bán thành công. Theo đại diện của UBND huyện Kiến Thụy, cái khó nhất của chủ đầu tư là phải tổ chức đấu giá lại từ đầu, trong khi giá đất đã được hình thành do các những người mua đã trả giá trước đó.
Theo đó, để đưa ra giá khởi điểm mới, chủ đầu tư sẽ phải cân đối, sau đó xin ý kiến các cơ quan chức năng để làm sao đảm bảo quyền lợi của người trúng đấu giá trước đã hoàn thành nghĩa vụ tài chính, nhưng cũng không quá cao khiến người có nhu cầu thật không thể tiếp cận được.