Mở rộng thị trường, hỗ trợ doanh nghiệp vượt khó trong đại dịch

Thứ Năm, 09/12/2021, 07:00

Ngày 8/12, Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) phối hợp với Cơ quan Phát triển quốc tế Hoa Kỳ (USAID) tổ chức hội thảo “Đồng hành cùng doanh nghiệp nhỏ và vừa thích ứng và phục hồi trong tình hình mới” thuộc dự án Thúc đẩy cải cách và nâng cao năng lực kết nối của doanh nghiệp nhỏ và vừa” - USAID LinkSME.

Đây là dự án hỗ trợ do USAID tài trợ, tập trung cải thiện môi trường kinh doanh và tạo cơ hội cho các doanh nghiệp (DN) nhỏ và vừa tại Việt Nam. Dự án có tổng kinh phí 24,9 triệu USD, thực hiện từ tháng 9/2018 đến tháng 9/2023. Dự án được triển khai trên 3 trụ cột: Kết nối DN nhỏ và vừa với các DN đầu chuỗi; hỗ trợ tiếp cận tài chính và hỗ trợ chuyển đổi số.

image001.jpg -0
Kết nối doanh nghiệp nhỏ và vừa với các doanh nghiệp đầu chuỗi.

Theo ông Daniel Fitzpatrick, Giám đốc dự án USAID LinkSME, nhiều DN chịu ảnh hưởng nặng nề từ dịch COVID-19 và rất cần sự giúp đỡ và dự án đã tìm cách đáp ứng một cách thiết thực, thông qua đẩy mạnh tư vấn trực tuyến, tăng cường tập huấn, đào tạo cho DN để phục hồi nhanh, bền vững. Sự hỗ trợ DN hướng tới sự cải thiện về quản trị, nâng cao chất lượng sản phẩm cũng như tìm đầu ra, nhất là xuất khẩu cho DN.

Đại diện một trong số DN từng nhận được sự hỗ trợ của dự án trên, ông Lê Duy Anh, Tổng giám đốc CTCP Xuân Hòa Việt Nam cho biết, dù chịu áp lực, tác động tiêu cực của dịch bệnh COVID-19 nhưng đơn vị cố gắng chủ động hợp tác, được dự án hỗ trợ thông qua việc đánh giá năng lực quản trị để nâng cao khả năng điều hành và kỹ thuật trong sản xuất từ cuối năm 2020. Các chuyên gia của dự án đã đến đánh giá quy trình quản trị của DN, tư vấn kỹ thuật, giúp tìm khách hàng mới, tư vấn hướng chuyển đổi số.

Đến nay, Xuân Hoà đã có khách hàng từ châu Âu và Mỹ đến làm việc, hiện đang duyệt mẫu và chuẩn bị đơn hàng cụ thể. Công ty quyết tâm chuyển đổi số để giúp DN cạnh tranh bền vững, cạnh tranh với DN Trung Quốc, Thái Lan, đáp ứng yêu cầu của khách hàng khó tính như Mỹ, châu Âu, Nhật Bản.

Theo ông Nguyễn Công Lãm, Giám đốc Công ty TNHH Thực phẩm An Vạn Thịnh, DN được tiếp cận nguồn vốn ngân hàng với lãi suất hợp lý sẽ được hỗ trợ tích cực. Công ty đã được hỗ trợ để tiếp cận lãi suất hợp lý ở trung và dài hạn. Đây là việc làm thiết thực đáp ứng nhu cầu của nhiều DN trong bối cảnh hậu COVID-19.

Chia sẻ về kinh nghiệm vượt qua khó khăn hiện tại, bà Nguyễn Thanh Hoa, Tổng giám đốc CTCP EUBiz Việt Nam cho hay, đẩy mạnh công nghệ số sẽ giúp DN tăng cường hiệu quả quản trị, nhất là khi các nhà máy ở cách xa nhau. Chuyển đổi số giúp DN minh bạch về thông tin, cạnh tranh về giá khách hàng nước ngoài có thể theo dõi đơn hàng để quyết định hợp tác lâu dài.

Đánh giá về hiệu quả hoạt động của DN trong năm qua, ông Lê Mạnh Hùng - Cục trưởng Cục Phát triển DN, Bộ KH&ĐT cho rằng, DN Việt Nam rất bền bỉ, dẻo dai, linh hoạt thích ứng trong đại dịch. Tuy vậy, với đặc điểm 98% DN Việt Nam có quy mô nhỏ và vừa, năng lực hạn chế, DN hiện phải đối mặt với nhiều thách thức.

Theo thống kê sơ bộ của Bộ KH&ĐT, trong khuôn khổ dự án, 1 năm qua, đã có 700 DN được hỗ trợ nâng cao năng lực cạnh tranh, kết nối 64 đơn hàng giá trị khoảng 1,3 triệu USD. Bên cạnh đó, hơn 500.000 DN được hỗ trợ chuyển đổi số, trong đó có hơn 100.000 DN sử dụng trong hoạt động.

Ngoài ra, nhiều DN cũng được hỗ trợ bằng các biện pháp phi tài chính như: Thực hiện minh bạch hóa, hỗ trợ nâng cao chất lượng sản phẩm để tiếp cận tài chính nhằm tăng cường sức khỏe sau đại dịch.

Trong năm 2022-2023, Bộ KH&ĐT dự kiến sẽ tiếp tục kiến nghị Chính phủ các giải pháp hỗ trợ DN vượt khó như: Hoãn, giãn thời gian nộp thuế; hỗ trợ chi phí vốn vay từ ngân hàng; hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi số, đặc biệt là DN sáng tạo và chuỗi liên kết; tái cấu trúc thị trường lao động…

Phan Đức
.
.
.