Mở cửa phải nhịp nhàng, đồng bộ để doanh nghiệp hồi phục

Thứ Bảy, 13/11/2021, 09:06

Tại cuộc làm việc với đại diện 10 hiệp hội ngành hàng, Cục Công nghiệp (Bộ Công Thương) ghi nhận những tín hiệu tích cực của hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp (DN) trong tháng qua, nhất là từ khi các địa phương thực hiện Nghị quyết 128/NQ-CP của Chính phủ.

Tuy nhiên, các hiệp hội ngành hàng vẫn phản ánh tình trạng địa phương làm chưa đúng chỉ đạo của Trung ương tại Nghị quyết số 128/NQ-CP, cản trở lưu thông hàng hóa.

Theo Cục Công nghiệp, do dịch bệnh vẫn phức tạp nên còn nhiều khó khăn, thách thức cho các DN trong việc dự báo thị trường để ước tính kết quả kinh doanh. Nguy cơ đứt gãy chuỗi cung ứng cũng như nguồn cung lao động có thể trở lại với DN nếu Nhà nước không có các biện pháp kịp thời để tiếp tục kiểm soát hiệu quả dịch bệnh, đặc biệt là tại các tỉnh, thành phố phía Nam.

Đáng chú ý, theo phản ánh của các hiệp hội ngành hàng, do một số hướng dẫn về thích ứng với dịch COVID-19 trong bối cảnh mới tại Nghị quyết số 128 và các văn bản hướng dẫn thi hành vẫn còn chưa cụ thể nên các địa phương lúng túng khi áp dụng. Đơn cử như quy trình xử lý khi có ca F0 tại các cơ sở sản xuất; quy trình cách ly, phòng dịch đối với các đối tượng chưa được tiêm vaccine, các đối tượng F1, F2; chưa có các hướng dẫn thống nhất về việc theo dõi sức khỏe tại nhà…

Một số địa phương vẫn còn tình trạng áp dụng không thống nhất các quy định, hướng dẫn của trung ương về thích ứng với dịch bệnh trong tình hình mới khi vẫn duy trì các chốt kiểm soát, gây khó khăn cho các hoạt động lưu thông, cung ứng hàng hóa phục vụ sản xuất cũng như di chuyển của người lao động. Các quy định về phòng dịch hiện nay vẫn đang làm phát sinh nhiều chi phí, dẫn đến tình trạng khó khăn về thanh khoản cho các DN, đặc biệt là trong bối cảnh DN rất cần nguồn tài chính ổn định để đáp ứng các đơn hàng mới khi phục hồi sản xuất những tháng cuối năm 2021.

4-3.jpg -0
Doanh nghiệp cần được hỗ trợ để nhanh chóng thích ứng với trạng thái mới. Ảnh: Chu Kiều.

Các đại diện ngành hàng cũng cho biết, các chính sách hỗ trợ của Nhà nước về tài chính (miễn, giảm, gia hạn các khoản thuế, phí, lệ phí…), tín dụng, an sinh xã hội (các chính sách về bảo hiểm xã hội, kinh phí công đoàn, hỗ trợ tuyển dụng, đào tạo lao động…) cho DN và người dân còn nhiều vướng mắc, chậm trễ trong quá trình áp dụng và chưa phát huy hiệu quả rõ rệt trong việc hỗ trợ DN và người lao động. Do đó, các hiệp hội ngành hàng kiến nghị cần đẩy nhanh tiến độ tiêm vaccine phòng COVID-19.

Các bộ, ngành và địa phương cần phối hợp triển khai đồng bộ, thống nhất, hiệu quả quy định tạm thời về thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19 tại Nghị quyết số 128/NQ-CP của Chính phủ và các văn bản hướng dẫn liên quan, tránh tình trạng ban hành và thực thi các chính sách không phù hợp với chủ trương phòng, chống dịch trong bối cảnh mới của Chính phủ gây ách tắc, khó khăn cho việc lưu thông, vận chuyển hàng hóa và di chuyển của người lao động.

Đối với vấn đề lao động, các hiệp hội kiến nghị cần có chính sách tạo điều kiện để lực lượng lao động trở lại làm việc, áp dụng linh hoạt quy định về giờ làm thêm trong thời kỳ dịch bệnh, cho phép người lao động có thể làm thêm nhiều giờ hơn quy định (không quá 400 giờ/năm) để tạo điều kiện cho các DN tăng ca sản xuất, bảo đảm tiến độ giao hàng. Ngoài ra, DN mong muốn được hỗ trợ thuế, phí, lệ phí, tiền thuê đất, giảm giá điện, hỗ trợ tín dụng, tiền tệ, hỗ trợ các chi phí an sinh xã hội, giảm các chi phí chống dịch, hỗ trợ tuyển dụng lao động… nhằm giúp các DN từng bước khôi phục các nguồn lực về tài chính và lao động phục vụ cho sản xuất.

Chia sẻ về vấn đề này, tại cuộc tọa đàm trực tuyến mới đây, ông Phùng Anh Tuấn, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Các nhà đầu tư tài chính Việt Nam (VAFI) cho rằng, chính sách giữa các địa phương đã được cải thiện nhiều nhưng vẫn còn hạn chế và không phù hợp với Nghị quyết 128 của Chính phủ và Quyết định 4800 của Bộ Y tế, khiến cho nỗ lực mở cửa lại kinh tế và kêu gọi đầu tư nước ngoài trở lại vẫn chưa thể thực hiện.

"Nếu muốn thu hút đầu tư nước ngoài thì phải có cách mở cửa chính sách một cách nhịp nhàng đồng bộ từ trung ương đến địa phương, không thể tiếp tục tình trạng "trên bảo dưới chưa nghe" hay chỉ nghe một nửa, lấy lý do "đặc thù" và "chống dịch" ở địa phương mình như hiện nay. Tóm lại, cần phải có một "lực lượng đặc nhiệm" của Bộ Tư pháp và Ban chỉ đạo Quốc gia - chuyên rà soát đồng bộ chính sách, vừa loại bỏ những hạn chế không đáng có và quy định chống dịch trái Nghị quyết 128 của địa phương, vừa đảm bảo chống dịch và đảm bảo khôi phục kinh tế, tái cất cánh FDI", ông Tuấn nói.

Trong khi đó, tại Hội thảo khoa học quốc tế lần thứ tư với chủ đề "Các vấn đề đương đại trong kinh tế, quản trị và kinh doanh" (CIEMB 2021) do Trường Đại học Kinh tế quốc dân tổ chức trong 2 ngày 11-12/11, các chuyên gia trong nước và quốc tế tham dự hội thảo đều cho rằng, Việt Nam phải có nhiều quyết sách để nền kinh tế có thể phục hồi mạnh mẽ sau đại dịch.

PGS.TS. Phạm Hồng Chương, Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế quốc dân cho rằng, phải có giải pháp, quy định chi tiết và đủ mạnh để thực hiện thông suốt, thành một khối thống nhất cho việc thúc đẩy thị trường, DN phục hồi trên toàn quốc. Đặc biệt, các chính sách phải đảm bảo thống nhất trên toàn quốc, tránh thực hiện mỗi địa phương một kiểu như thời gian qua thì sự phục hồi sẽ chậm hơn rất nhiều.

Bộ Công Thương cho biết, Bộ này sẽ tổng hợp kiến nghị của các hiệp hội ngành hàng, cùng các bộ, ngành khác tìm giải pháp tháo gỡ khó khăn, giúp DN nhanh chóng phục hồi, ổn định sản xuất.

Lưu Hiệp
.
.
.