Minh bạch thị trường để hạn chế rủi ro trái phiếu doanh nghiệp
Là kênh đầu tư hấp dẫn trong bối cảnh lãi suất tiền gửi thấp, trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) tiếp tục được dự báo sẽ nóng trong năm 2022. Để hạn chế rủi ro, cơ quan quản lý cho biết sẽ “siết” lại thị trường, song nhiều chuyên gia lại cho rằng, minh bạch thị trường mới là chìa khóa cho bài toán này.
80% trái phiếu không thuộc lĩnh vực sản xuất, kinh doanh
Số liệu của Hiệp hội Thị trường trái phiếu Việt Nam cho thấy, 2 tháng đầu năm, tổng giá trị phát hành trái phiếu ra công chúng tăng 31% so với cùng kỳ năm ngoái và tổng giá trị phát hành trái phiếu riêng lẻ tăng 51%. Còn theo số liệu của FiinPro, 2 tháng đầu năm, lượng TPDN phát hành ra thị trường đạt gần 26.000 tỷ đồng, gấp đôi so với cùng kỳ năm ngoái. Riêng phát hành TPDN của khối DN bất động sản 2 năm qua tăng hơn 60%.
Như vậy, tốc độ phát triển của thị trường TPDN vẫn tiếp tục dâng cao. Trong năm 2021, các DN phát hành tổng cộng 722,7 nghìn tỷ đồng, tăng 56% so với năm 2020. Quy mô thị trường TPDN tăng mạnh từ 4,93% GDP (2017) lên tới 16,6% GDP (2021). Mà không chỉ các nhà đầu tư trong nước, theo Công ty Chứng khoán SSI, trong năm 2021, nhà đầu tư nước ngoài (NĐTNN) gia tăng sở hữu TPDN Việt Nam. Theo đó, các NĐTNN mua tổng cộng 48,2 nghìn tỷ đồng TPDN sơ cấp, tăng 288% so với lượng mua năm 2020. Nếu loại trừ số trái phiếu phát hành quốc tế, số trái phiếu phát hành nội địa NĐTNN mua năm 2021 là 8 nghìn tỷ đồng – tăng 80% so với 2020.
Tuy nhiên, đáng chú ý, trái phiếu đảm bảo bằng cổ phiếu và không có tài sản đảm bảo vẫn chiếm hơn một nửa. Gần như toàn bộ 226 nghìn tỷ đồng trái phiếu ngân hàng và 28,5 nghìn tỷ đồng trái phiếu các định chế tài chính khác phát hành trong năm 2021 đều không có tài sản đảm bảo. Với 468 nghìn tỷ TPDN còn lại, số trái phiếu không có tài sản đảm bảo là 83 nghìn tỷ đồng (chiếm 18%), đảm bảo toàn bộ bằng cổ phiếu là 33 nghìn tỷ đồng (chiếm 7%), đảm bảo một phần bằng tài sản/bất động sản và một phần bằng cổ phiếu là 131,3 nghìn tỷ đồng (chiếm 28%). Như vậy số TPDN không có tài sản đảm bảo hoặc đảm bảo (một phần/toàn bộ) bằng cổ phiếu vẫn chiếm 53% tổng TPDN phi tài chính phát hành. Đặc biệt, TPDN của nhóm bất động sản luôn có mức lãi suất hấp dẫn, nhưng đi kèm với nó là rủi ro cao hơn.
Bà Nguyễn Thị Thanh Tú, chuyên viên phân tích cao cấp của SSI cho rằng, nhu cầu huy động vốn thông qua phát hành trái phiếu của các DN bất động sản ngày càng tăng do khó tiếp cận tín dụng ngân hàng hơn. Số lượng các DN bất động sản phát hành tăng từ 141 DN năm 2020 lên 193 DN trong năm 2021. Để hấp dẫn nhà đầu tư khi mà chất lượng tài sản đảm bảo không cao, nhóm này phải duy trì lãi suất phát hành tốt hơn các nhóm khác.
Trong khi đó, TS. Lê Xuân Nghĩa, thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia cho rằng, thị trường TPDN Việt Nam là một thị trường trái phiếu “đáng buồn”. “Nhìn vào cấu trúc trái phiếu năm ngoái có thể thấy, gần 50% trái phiếu phát hành là bất động sản, 30% là ngân hàng. Như vậy, 80% TPDN phát hành là không thuộc lĩnh vực sản xuất và xây dựng. Trong 20% còn lại, đâu đó 5-7% là điện mặt trời, ồ ạt phát hành giai đoạn gần đây. Có thể nói, toàn bộ khối lượng trái phiếu trong mấy năm vừa rồi dường như không có bóng dáng khu vực sản xuất trực tiếp như công nghiệp chế biến chế tạo, xây dựng, nông nghiệp hay thương mại, mà chỉ tập trung cho ngành có cơ hội đầu cơ lớn, nhất là bất động sản. Ngân hàng phát hành trái phiếu cũng chủ yếu để tăng vốn cấp 2, từ đó tăng huy động vốn trên thị trường, để tăng cho vay và cho vay, cũng chủ yếu là cho công ty sân sau, bất động sản. Đây là điều đáng lo ngại”, ông Nghĩa phân tích.
Sớm xây dựng thị trường thứ cấp
Trước nhiều nghi ngại về chất lượng tín dụng và “sức khỏe tài chính” của DN phát hành trái phiếu, các chuyên gia cho rằng cần tăng cường giám sát các hoạt động phát hành của các đơn vị chưa niêm yết cho sự phát triển lành mạnh của thị trường và bảo vệ quyền lợi của nhà đầu tư. Phân tích cụ thể, TS. Lê Xuân Nghĩa cho rằng, để thị trường TPDN có nền tảng phát triển ổn định, việc trước tiên cần làm là phải minh bạch, càng minh bạch rủi ro càng thấp. Thứ 2 là luật lệ phải được thực hiện nghiêm túc giúp giảm rủi ro cho thị trường, nhà đầu tư. Thứ 3 là phải có thị trường TPDN thứ cấp, để tăng tính thanh khoản của trái phiếu, để dù nhà đầu tư có mua trái phiếu 15 năm thì vẫn bán được bất cứ lúc nào.
Được biết, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đang khẩn trương xây dựng sàn mua bán trái phiếu thứ cấp, kỳ vọng sẽ ra mắt cuối năm nay. Bên cạnh đó, cơ quan này cũng đang sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 153/2020/NĐ-CP quy định về chào bán, giao dịch TPDN riêng lẻ tại thị trường trong nước và chào bán TPDN để siết lại chất lượng trái phiếu này.
Tuy vậy, nhiều chuyên gia cho rằng, nếu siết quá chặt thì thị trường lại đóng băng. Trong bối cảnh tín dụng thắt chặt, nếu DN bị siết cả kênh trái phiếu, thì việc phục hồi kinh tế càng trở nên nan giải.
Vì vậy, để phát triển thị trường này, chỉ nên tăng các quy định để tăng minh bạch, chứ không phải bằng cách đưa ra các rào cản. Tương tự, các công ty chứng khoán cũng cho rằng, chỉ nên đưa ra quy định để hạn chế bớt rủi ro và phân loại mức độ rủi ro nhằm cảnh báo nhà đầu tư. Mỗi nhà đầu tư phải dựa vào hiểu biết để đưa ra quyết định của mình.