Lúa phát thải thấp có thể mang về 500 triệu USD mỗi năm

Thứ Hai, 29/04/2024, 05:46

Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Trần Thanh Nam cho biết, nếu không có gì thay đổi, đến tháng 8/2024 chúng ta sẽ có sản phẩm “lúa giảm phát thải”. Đến năm 2025 sẽ triển khai mở rộng và đạt từ 300.000-500.000ha. Ở giai đoạn 2026-2030, mỗi năm tăng thêm 100 ngàn ha để đạt 1 triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp ở đồng bằng sông Cửu Long.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) vừa tổ chức lễ ra mắt Văn phòng Ban chỉ đạo Đề án Phát triển bền vững 1 triệu ha lúa chuyên canh chất lượng cao, phát thải thấp vùng đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL). Văn phòng chỉ đạo đề án có trách nhiệm phối hợp với các đơn vị xây dựng và trình Bộ NN&PTNT ban hành Kế hoạch triển khai đề án; ban hành quy trình kỹ thuật canh tác lúa giảm phát thải phục vụ đề án.

Bên cạnh đó, tổ chức khảo sát mô hình triển khai đề án tại Kiên Giang, Đồng tháp trên tổng số 5 tỉnh được lựa chọn làm mô hình điểm. Đặc biệt, Văn phòng điều phối cũng xây dựng và tổ chức nhiều cuộc họp, hội thảo xin ý kiến quy trình đo đếm, báo cáo, thẩm định phát thải MRV (hệ thống đo đạc, báo cáo và thẩm tra); xây dựng chương trình đào tạo tăng cường năng lực, kế hoạch truyền thông và khuyến nông cộng đồng…

Lúa phát thải thấp có thể mang về 500 triệu USD mỗi năm -0
Việt Nam hướng tới một ngành hàng lúa gạo minh bạch, trách nhiệm và bền vững.

Theo Bộ trưởng NN&PTNT Lê Minh Hoan, Đề án này có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong định hướng chuyển đổi phương thức canh tác lúa bền vững ở ĐBSCL; đồng thời hình thành và phát triển các vùng nguyên liệu tập trung quy mô lớn ổn định, đảm bảo chất lượng và hiệu quả. Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao, phát thải thấp là cách tiếp cận và tư duy rất mới, khó thực hiện, nhưng sẽ kích thích không ngừng nỗ lực để tạo ra giá trị mới. Do đó, Bộ trưởng kỳ vọng, các thành viên của Văn phòng điều phối thực hiện đề án cần làm việc với tinh thần “dốc hết sức chứ không phải cố hết sức”.

Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Trần Thanh Nam cho biết, hiện nay Văn phòng Ban chỉ đạo triển khai xây dựng cơ chế pháp lý, cơ chế vận hành, đưa được mô hình và kết quả cụ thể để sớm khẳng định được ý nghĩa và hiệu quả của đề án. Theo ông Nam, nếu không có gì thay đổi, đến tháng 8, Việt Nam sẽ có sản phẩm “lúa giảm phát thải” và Cục Trồng trọt sẽ công bố tiêu chuẩn cơ sở ban đầu. Bộ NN&PTNT đang phối hợp với các đơn vị và địa phương ĐBSCL triển khai 5 mô hình điểm với ít nhất 250ha chuyên canh lúa chất lượng cao, phát thải thấp. Quá trình thí điểm sẽ làm liên tục trong 3 vụ hè thu, thu đông 2024 và đông xuân 2025-2026. Đầu tháng 5/2024, Bộ sẽ họp với các tỉnh ĐBSCL và các đơn vị, tổ chức liên quan để thảo luận, xin ý kiến góp ý xây dựng cơ sở pháp lý liên quan đến chi trả tiền giảm phát thải. Đề án "Phát triển bền vững 1 triệu ha lúa chuyên canh chất lượng cao gắn với tăng trưởng xanh vùng ĐBSCL" đã chính thức khởi động. Tại Cần Thơ - lúa chất lượng cao, giảm phát thải được gieo trồng trên cánh đồng rộng 50ha của HTX Thuận Tiến (huyện Vĩnh Thạnh). Trên cánh đồng lúa giảm phát thải được lắp đặt thiết bị cảm biến để giám sát mực nước, kết hợp với các thành phần khác để tính trực tiếp ra hệ số phát thải khí nhà kính. Đại diện Viện Nghiên cứu lúa quốc tế đánh giá, cánh đồng giảm phát thải này đã đảm bảo các tiêu chí đề ra trong đề án 1 triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng ĐBSCL đến năm 2030. Tăng chất lượng, hiệu quả và giảm phát thải khí nhà kính. Tính đến thời điểm này, ở ĐBSCL có 12 tỉnh, TP tham gia đề án. Cần Thơ là một trong 5 địa phương thực hiện thí điểm mô hình lúa tín chỉ carbon (50-100ha/mô hình) trong vụ Hè Thu này. Theo Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Trần Thanh Nam, thực hiện đề án 1 triệu ha lúa, Bộ đang tích cực triển khai nhiều nội dung, trong đó công bố quy trình canh tác lúa chất lượng cao và phát thải thấp được các nhà khoa học và tổ chức quốc tế công nhận. Bộ NN&PTNT đã tổ chức cuộc họp nghe báo cáo đề xuất Dự án Cơ sở hạ tầng kỹ thuật hỗ trợ thực hiện đề án 1 triệu ha lúa ở ĐBSCL. Mục tiêu của dự án là thúc đẩy sản xuất gạo carbon thấp, chất lượng cao, được đo bằng các chỉ số như: tăng năng suất, tăng thu nhập của nông dân, giảm khí nhà kính, thanh toán tín dụng carbon dựa trên kết quả...

Với đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao và phát thải thấp, Thứ trưởng Trần Thanh Nam chỉ rõ, cần 237 triệu USD đầu tư vào hệ thống công trình thủy lợi nội đồng phục vụ tưới ngập khô xen kẽ; các công trình giao thông kết nối các khu sản xuất lúa cần 190 triệu USD; hệ thống logistics cho chuỗi giá trị lúa gạo cần 9 triệu USD; cần 68 triệu USD cho cơ giới hóa đồng bộ trong sản xuất lúa và các hạng mục khác. Theo Bộ NN&PTNT, việc hình thành 1 triệu ha vùng lúa chuyên canh chất lượng cao gắn với tổ chức lại hệ thống sản xuất theo chuỗi giá trị, áp dụng các quy trình canh tác bền vững, nâng cao hiệu quả thu nhập và đời sống của người trồng lúa, đảm bảo an ninh lương thực; nâng cao chất lượng, uy tín sản phẩm gạo Việt Nam và hướng tới một ngành hàng lúa gạo minh bạch, trách nhiệm và bền vững. Đặc biệt, các biện pháp canh tác bền vững sẽ góp phần giảm thải carbon trước những thách thức về biến đổi khí hậu đang diễn ra trên toàn cầu.

Từ năm 2024 bắt đầu triển khai trên diện tích 180.000ha. Đến năm 2025 sẽ triển khai mở rộng và đạt từ 300.000-500.000ha. Ở giai đoạn 2026-2030, mỗi năm tăng thêm 100 ngàn ha để đạt 1 triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp ở ĐBSCL. Theo tính toán, với diện tích 1 triệu ha theo đề án sẽ giảm khoảng 20% chi phí sản xuất, tương đương khoảng 9.500 tỷ đồng/năm. Nếu áp dụng quy trình canh tác bền vững, giá lúa bán ra có thể tăng thêm khoảng 10%, thu hơn 7.000 tỷ đồng/năm. Như vậy, ngành lúa có thêm 16.000 tỷ đồng/năm, tương đương 500 triệu USD. Đó là chưa kể các yếu tố tăng thêm về giá trị trong quá trình xây dựng thương hiệu gạo giảm phát thải. 

Trúc Linh
.
.
.