Lời cảnh tỉnh cho nông sản xuất khẩu
Từ khoảng giữa tháng 1 đến nay, nhiều doanh nghiệp (DN) xuất khẩu (XK) thanh long ruột đỏ sang thị trường Nhật Bản “kêu cứu” do đang trên đà XK thì bị thị trường này cho ngưng đột ngột.
Lý do, từ khi Nhật Bản chính thức cho phép nhập khẩu (NK) thanh long ruột đỏ năm 2017, loại trái cây này XK qua Nhật không cần mã số vùng trồng. Nhưng, hiện nay thị trường này chỉ chấp nhận NK giống thanh long ruột đỏ LĐ1, còn các giống thanh long ruột đỏ khác không được chấp nhận do... chưa có mã số vùng trồng.
Quyết định này của thị trường Nhật đã làm ùn ứ số lượng lớn thanh long ruột đỏ, ảnh hưởng đến kế hoạch sản xuất của nông dân và các thị trường XK khác. Từ vụ XK thanh long ruột đỏ sang thị trường Nhật cho thấy, việc đáp ứng tiêu chuẩn về mã số vùng trồng đối với thị trường XK là hết sức quan trọng, đặc biệt là các thị trường “khó tính”...
Theo Bộ NN&PTNT, tổng kim ngạch XNK nông, lâm, thủy sản trong tháng 1/2023 ước đạt 6,8 tỷ USD (giảm 18,6% so với cùng kỳ năm ngoái). Trong đó, XK khoảng 3,72 tỷ USD (giảm 23,6%), NK ước khoảng 3,1 tỷ USD (giảm 11,5%). Đáng chú ý, trong đó chỉ có mặt hàng rau quả là có tăng trưởng dương, tăng 3,1% so với cùng kỳ năm 2022, và đã đạt giá trị 300 triệu USD.
Trong đó, riêng thị trường Mỹ, XK lớn nhất của Việt Nam tăng 20 - 30%. Bên cạnh đó, Trung Quốc là thị trường XK lớn thứ hai của Việt Nam cũng đã mở cửa hoạt động trở lại bình thường từ ngày 8/1 và đã NK nhiều mặt hàng nông sản của Việt Nam. Dự báo năm 2023 sẽ là một năm khả quan cho XK rau quả Việt Nam.
Ông Nguyễn Đình Tùng - Giám đốc Công ty Vina T&T, Phó Chủ tịch Hiệp hội Rau quả Việt Nam nhìn nhận, nhu cầu thị trường rau quả trên thế giới đang có tín hiệu tích cực và mặt hàng rau quả Việt Nam hiện có chỗ đứng nhất định. Đây là điều kiện thuận lợi, nhưng cũng là khó khăn nên các DN XK cần đảm bảo duy trì chất lượng sản phẩm, giữ được giá trị sau khi các sản phẩm lên kệ tại siêu thị nước ngoài.
Thực tế cho thấy, hiện nông sản Việt Nam đã XK tới 200 quốc gia, vùng lãnh thổ, nhưng phần lớn sản phẩm chưa xây dựng thương hiệu ở nước ngoài, trong khi đó chất lượng nông sản Việt Nam không thua kém các nước khác. Chính vì vậy, nông sản Việt Nam chỉ chủ yếu tham gia vào các phân khúc thị trường có giá trị gia tăng thấp. Điển hình như thị trường Mỹ, mặc dù đây là thị trường lớn, nhưng XK của Việt Nam sang Mỹ chủ yếu là sản phẩm thô, chất lượng không cao, trong khi người tiêu dùng Mỹ thiên về tiêu thụ các sản phẩm chế biến. Số lượng mặt hàng được phép tiếp cận vào thị trường Mỹ cũng còn khá khiêm tốn, hiện chỉ có 7 loại quả tươi của Việt Nam được cấp phép NK vào thị trường này gồm: xoài, nhãn, vải, thanh long, chôm chôm, vú sữa, bưởi.
Với thị trường Trung Quốc, phần lớn sản phẩm XK của Việt Nam là sản phẩm tươi, sống, nhưng XK chủ yếu qua tiểu ngạch, chưa tiếp cận đến kênh khách hàng cuối cùng, đặc biệt là phân khúc thị trường cao cấp trong nội địa Trung Quốc. Thị trường Trung Quốc ngày càng “khó tính” hơn khi liên tiếp đưa ra các chính sách, quy định mới để siết chặt hơn trong NK. Sau Lệnh 248 về "Quy định quản lý đăng ký DN sản xuất thực phẩm nước ngoài NK" và Lệnh 249 về "Biện pháp quản lý an toàn thực phẩm XNK", thì nay nông sản XK sang Trung Quốc phải tuân thủ Lệnh 259, yêu cầu đơn vị, tổ chức nước ngoài tham gia giám sát, chứng nhận chất lượng ở nước XK phải có đăng ký với Tổng cục Hải quan Trung Quốc, để kết quả giám sát, chứng nhận này được sử dụng khi làm thủ tục thông quan.
Theo Bộ NN&PTNT, kết quả thực hiện Lệnh 248, Lệnh 249, đến nay Tổng cục Hải quan Trung Quốc đã cấp 435 mã số đăng ký cho các DN Việt Nam XK các nhóm hàng hóa, gồm: ngũ cốc làm thực phẩm; rau tươi, rau tách nước; gia vị có nguồn gốc tự nhiên; quả hạch và các loại hạt; trái cây sấy khô; trái cây đông lạnh... Ngoài ra, Trung Quốc đã ký nghị định thư NK chuối, măng cụt, thạch đen, cám gạo, cám, khoai lang, sầu riêng. Cục Bảo vệ thực vật (Bộ NN&PTNT) và Tổng cục Hải quan Trung Quốc đang đàm phán để ký Nghị định thư XK các loại quả tươi như: dưa hấu, thanh long, xoài, mít, nhãn, vải và chôm chôm...
Có thể thấy, nhu cầu tiêu thụ cuả thị trường XK đang rất lớn và cơ hội cho nông sản Việt Nam rất nhiều. Mỗi thị trường XK đều có những yêu cầu khác nhau, nhưng vấn đề quan trọng nhất vẫn là DN phải đáp ứng các tiêu chuẩn về mã số vùng trồng, đóng gói, hoạt chất cấm... Bởi, mã số vùng trồng hoặc mã số cơ sở đóng gói là mã số định danh cho một vùng trồng hoặc cơ sở đóng gói, nhằm theo dõi và kiểm soát tình hình sản xuất, sơ chế đóng gói, kiểm soát chất lượng sản phẩm, truy xuất nguồn gốc sản phẩm.
Nhìn lại vụ việc thị trường Nhật Bản yêu cầu DN dừng XK thanh long ruột đỏ vì chưa có mã số vùng trồng, chỉ chấp nhận NK giống thanh long ruột đỏ LĐ1. Trong khi đó, bản quyền giống LĐ1 đã được Công ty TNHH Hoàng Phát Fruit mua từ Viện cây ăn quả miền Nam. Vậy, muốn có mã số vùng trồng thì phải có bản quyền giống. Do vậy, DN nào muốn được cấp mã số vùng trồng để XK thì phải làm việc với Công ty Hoàng Phát Fruit, nên vấn đề này đã gây ra nhiều tranh cãi. Giải pháp mà Công ty Hoàng Phát Fruit đưa ra, đó là bao tiêu sản phẩm giống LĐ1 cuả nông dân trồng và chia sẻ bản quyền cho DNXK bằng cách thu phí.
Liên quan vấn đề này, ông Trần Ngọc Hiệp, Giám đốc Công ty TNHH thanh long Hoàng Hậu cho biết hoàn toàn ủng hộ việc mua - bán bản quyền về Sở hữu trí tuệ. Tuy nhiên, ông Hiệp cũng lo lắng vì Công ty thanh long Hoàng Hậu cũng đã mua lại bản quyền của một giống thanh long khác và hiện đang độc quyền về giống này. Để tránh gây tranh cãi như bản quyền giống LĐ1, ông Hiệp đề nghị các cơ quan chức năng có hướng dẫn rõ hơn.
Ông Đặng Phúc Nguyên, Tổng thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam nhìn nhận: Vấn đề bản quyền rất cần thiết khi chúng ta XK cho những nước phát triển như Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc… còn một số thị trường khác thì chưa đòi hỏi vấn đề này. Phải nhìn nhận rằng, khi buôn bán nội địa thì bản quyền không vấn đề gì, nhưng khi XK thì phải có bản quyền giống, không có thì bị mức phạt rất lớn. Đây là xu thế tất yếu của các mặt hàng nông sản XK.