Liên kết sản xuất nông nghiệp bền vững ở châu thổ Cửu Long

Thứ Năm, 10/02/2022, 07:52

Sản xuất nông nghiệp được xác định là trụ cột của nền kinh tế thì liên kết trong sản xuất trong nông nghiệp không chỉ là nhu cầu tất yếu mà còn là giải pháp để phát triển bền vững. Thực tế này đã được chứng minh, nhất là trong đợt dịch bệnh COVID-19 năm 2021.

Cụ thể, đợt dịch COVID-19 bùng phát lần thứ 4, nhiều nông dân tỉnh Bạc Liêu bị động, thiệt hại nặng khi không tham gia vào các mô hình liên kết hợp tác và hợp tác xã (HTX). Họ bị động trong khâu thu hoạch, không thương lái bao tiêu, không doanh nghiệp hỗ trợ đầu vào và phải nhờ “giải cứu”.

Từ thực trạng này cho thấy, việc doanh nghiệp liên kết sản xuất với nông dân mà tiên phong là các HTX đóng vai trò rất quan trọng. Năm 2021, mặc dù dịch bệnh diễn biến phức tạp, nhưng lãnh đạo tỉnh Bạc Liêu đã tập trung chỉ đạo công tác sản xuất nông nghiệp, nên diện tích lúa của tỉnh gieo trồng trên 191.000ha, đạt 101,09% kế hoạch, tăng 1,8% so với cùng kỳ. Tổng sản lượng thu hoạch trên 1,2 triệu tấn, đạt 105,8% kế hoạch, tăng 4,3% so với cùng kỳ. Góp phần vào sự tăng trưởng kinh tế chung của tỉnh, các doanh nghiệp, HTX đã đồng hành cùng nông dân như HTX nông nghiệp Vĩnh Cường (huyện Hòa Bình).

Trong điều kiện dịch bệnh COVID-19 phức tạp, nhiều nơi nông dân không còn vốn đầu tư, phải vay “nóng” bên ngoài và khâu tiêu thụ lúa phụ thuộc hoàn toàn vào thương lái, HTX Vĩnh Cường chủ động liên kết với nông dân thông qua mô hình chuỗi sản xuất. HTX nhận hỗ trợ đầu vào bằng hình thức cung cấp vật tư nông nghiệp, lúa giống chất lượng cao cho nông dân với giá thấp hơn thị trường 20%. Giúp nông dân chủ động sản xuất, tránh vay “nóng”, hoặc bị buộc bán hàng kém chất lượng do mua thiếu không trả tiền mặt từ các đại lý kinh doanh vật tư nông nghiệp, tránh được những khoản lãi phát sinh từ việc việc mua nợ vật tư.

Liên kết sản xuất nông nghiệp bền vững ở châu thổ Cửu Long -0
Nhiều HTX ở châu thổ Cửu Long liên kết với nông dân để sản xuất lúa chất lượng cao.

Theo ông Đồng Văn Thanh, Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang, từ trước đến nay, về kinh tế thì mỗi tỉnh tự “bơi” nên sự phát triển của khu vực không vững chắc. Trong tiêu thụ hàng hóa, nông sản cũng không có tiếng nói chung, không có người chủ trì đứng ra liên kết để đề xuất với các Bộ, ngành Trung ương, hay nói cách khác, các tỉnh, thành như đang đi chung trên một con tàu nhưng chưa có thuyền trưởng điều phối. “Tôi thấy rằng, vừa qua, các tỉnh, thành đã ngồi lại với nhau và bước đầu thể hiện được tinh thần, thiện chí cùng hỗ trợ nhau, có những tín hiệu khả quan. Từ liên kết tiểu vùng sẽ tiến tới liên kết cả vùng ĐBSCL và cả nước”, ông Đồng Văn Thanh nói.

Được biết, toàn tỉnh Hậu Giang hiện có trên 40 doanh nghiệp liên kết với 57 HTX ở các lĩnh vực. Trong đó, liên kết chuỗi giá trị có 19 HTX theo phương thức đầu tư giống, vật tư nông nghiệp và thu mua sản phẩm. Đặc biệt, trong số 66 sản phẩm được công nhận đạt sản phẩm OCOP 3 sao, 4 sao của tỉnh thì có nhiều HTX sở hữu sản phẩm được công nhận sản phẩm OCOP. Sản phẩm của một số HTX đã vào được các siêu thị, như: Cá thát lát, gạo sạch Vị Thủy, trái cây sinh học OCOP…

Thời gian qua, tỉnh Hậu Giang đã lồng ghép nội dung phát triển HTX ứng dụng công nghệ cao vào Đề án phát triển 15.000 HTX, liên hiệp HTX nông nghiệp hoạt động có hiệu quả đến năm 2020 trên địa bàn tỉnh Hậu Giang. Từ đó, nhiều HTX tích cực huy động nguồn lực đầu tư sản xuất gắn với chuỗi giá trị. Hiện nay, toàn tỉnh có trên 20 HTX nông nghiệp sản xuất theo theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP trên chanh không hạt, cam sành, khóm, xoài, dưa, gạo, cá thát lát…; ứng dụng tưới nước tiết kiệm có điều khiển bán tự động hoặc tự động; công nghệ canh tác trong nhà màng...

Tại Sóc Trăng, dự án “Sản xuất lúa gạo bền vững” (gọi tắt là dự án VnSAT) với mục đích xây dựng mô hình cánh đồng lớn sản xuất hàng hóa, ứng dụng đồng bộ cơ giới hóa, tiến bộ kỹ thuật “1 phải 5 giảm”; liên kết sản xuất tiêu thụ theo chuỗi giá trị lúa, gạo giữa nông dân, HTX với doanh nghiệp nhằm nâng cao thu nhập cho người trồng lúa ổn định, lâu dài, góp phần tạo ra sản phẩm gạo an toàn cho người tiêu dùng và xuất khẩu. Để nông dân, HTX ứng dụng khoa học kỹ thuật tiên tiến trong sản xuất lúa, nhằm giảm chi phí, tăng lợi nhuận, dự án VnSAT chọn hàng chục HTX tham gia mô hình “Sản xuất lúa gạo bền vững” trong vụ Hè - Thu (2021) đem lại hiệu quả đáng kể, như: Giảm lượng giống gieo sạ, giảm lượng phân bón hóa học, giảm chi phí công lao động, nhất là tập quán sản xuất của nông dân đã dần thay đổi. Bà con chuyển sang tư duy sản xuất thích ứng với thị trường, làm ra hạt lúa an toàn; nâng cao nhận thức trong khâu làm đất đầu vụ, trước gieo sạ, giảm lượng giống gieo sạ. 

Ông Trần Văn Kiệt, Giám đốc HTX nông nghiệp 22/12 (xã Trinh Phú, huyện Kế Sách, tỉnh Sóc Trăng) cho hay: “Vụ Hè - Thu vừa qua, HTX được dự án VnSAT hỗ trợ thực hiện mô hình “Sản xuất lúa gạo bền vững” có ý nghĩa rất lớn, bởi giảm trên 50% lượng giống gieo sạ, giảm hơn 60% lượng thuốc bảo vệ thực vật phun trên lúa…”.

Ông Lê Tấn Cận, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Bạc Liêu chia sẻ, qua đại dịch COVID-19, ngành nông nghiệp, doanh nghiệp, nông dân đều thấy rõ vai trò của việc liên kết chuỗi sản xuất - cung ứng và sản xuất theo tiêu chuẩn cụ thể.

Để thể thích ứng với các tình huống bất ngờ như dịch COVID-19 hay các rủi ro khác, đồng thời phát huy, trả về đúng giá trị của ngành kinh tế nông nghiệp vùng ĐBSCL, các doanh nghiệp kiến nghị cần sớm đầu tư, xây dựng hệ thống kho lạnh quốc gia đặt tại các vùng nguyên liệu lớn. Chỉ có hệ thống này mới đủ sức chứa và lưu trữ sản lượng lớn các nông sản, thủy sản khi vào vụ thu hoạch và điều tiết nguyên liệu cho các doanh nghiệp sản xuất, chế biến, xuất khẩu theo nhu cầu thị trường…

Đức Văn
.
.
.