Lao động thiếu việc làm tiếp tục căng thẳng
Những tháng cuối năm 2022, tình trạng thiếu việc làm do doanh nghiệp bị giảm đơn hàng đã có những diễn biến phức tạp khiến hàng trăm nghìn lao động bị ảnh hưởng, hàng chục nghìn người mất việc. Tình trạng này đã được dự báo có thể kéo dài sang năm 2023. Và thực tế, kịch bản này đã xảy ra tại khi rất nhiều lao động đang chật vật tìm việc làm mới.
Làm một buổi, nghỉ hai buổi
Với thâm niên gần 17 năm làm công nhân lắp ráp linh kiện điện tử, công ty của anh Đỗ Bảo Ngọc chưa bao giờ xảy ra tình trạng ít việc như bây giờ, kể cả giai đoạn COVID-19 hoành hành. Cuối năm 2022, công ty vẫn bố trí công nhân làm việc bình thường, nhưng vừa bước sang năm 2023, số công nhân phải giãn việc tăng nhanh ở các dây chuyền lắp ráp. “Chưa đến mức phải cho người lao động nghỉ việc nhưng tình trạng phải giãn việc, mỗi tuần đi làm cầm chừng 2 – 3 ngày đã thường xuyên xảy ra. Việc ít nên công nhân chỉ được nhận lương cơ bản, tôi có thâm niên lâu năm nên cũng đỡ. Nếu trừ đi tiền thuê nhà, chi phí sinh hoạt thì rất chật vật. Hy vọng công ty sớm vượt qua giai đoạn này, nhưng tôi nghe nói tình hình sắp tới có thể sẽ còn khó khăn hơn”, anh Ngọc cho biết.
Xung quanh câu chuyện công nhân bị mất việc, giãn việc, chị Nguyễn Thị Lanh (công nhân KCN Bắc Thăng Long) cho hay, chuyện này giờ không còn mới nữa. Theo chị Lanh, đến khu vực có nhiều công nhân thuê trọ khu vực chị ở tại thôn Bầu, xã Kim Chung, Đông Anh hiện nay có không ít người đã hết tháng Giêng nhưng vẫn chưa quay trở lại làm việc. “Nhiều công ty do không có việc vẫn đang cho công nhân nghỉ ở nhà, hưởng 70% lương cơ bản. Do đó có nhiều người vẫn ở quê mà chưa trở lại đi làm. Vẫn có những công ty cho công nhân tăng ca, nhưng không còn nhiều như trước nữa. Tôi lấy chồng ở đây nên không mất tiền thuê nhà, những gia đình phải thuê nhà mà chỉ nhận lương cơ bản hoặc 70% lương thì mệt mỏi lắm”, chị Lanh chia sẻ.
Liên quan đến việc công nhân, người lao động bị mất việc, thiếu việc, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội vừa có công văn gửi UBND TP Hồ Chí Minh chỉ đạo liên quan đến việc Công ty TNHH Pouyuen Việt Nam không tái ký hợp đồng với 3 nghìn lao động. Ảnh hưởng việc làm đến một số lượng lớn người lao động, do đó, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội đề nghị Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh chỉ đạo Sở Lao động, Thương binh và Xã hội phối hợp với Liên đoàn Lao động, Ban Quản lý các khu chế xuất và công nghiệp thành phố và các cơ quan liên quan chủ động nắm bắt tình hình sản xuất, kinh doanh, lao động, việc làm của công ty. Từ đó, kịp thời có những biện pháp hỗ trợ doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong thực hiện các chế độ, chính sách đối với người lao động. Bên cạnh đó, cũng hướng dẫn, hỗ trợ, kiểm tra, giám sát doanh nghiệp xây dựng phương án sử dụng lao động và giải quyết các chế độ, chính sách với người lao động bị cắt giảm theo quy định pháp luật và các thoả thuận, nội quy, quy chế của doanh nghiệp. Cùng với đó UBND TP Hồ Chí Minh chỉ đạo, đôn đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm thành phố tăng cường hoạt động cung cấp thông tin, kết nối cung – cầu lao động, giới thiệu việc làm đối với những người lao động bị mất việc làm để họ sớm tìm được việc làm mới phù hợp.
Dự báo lao động sẽ còn bị cắt giảm
Báo cáo mới nhất về tình hình lao động, việc làm của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội cho thấy, tình hình hoạt động sản xuất, kinh doanh ở một số ngành nghề sẽ tiếp tục gặp nhiều khó khăn như dệt may, da giày, cơ khí công nghiệp, chế biến gỗ. Những khó khăn này có thể kéo dài, khiến việc bảo đảm việc làm cho người lao động bị ảnh hưởng tiêu cực. Hiện có gần 650 nghìn lao động bị ảnh hưởng việc làm trong các doanh nghiệp, trong đó chủ yếu là bị giảm giờ làm thêm và giảm giờ làm việc bình thường. Dự báo, trong 3 tháng tới, thị trường sẽ giảm khoảng 75 nghìn lao động.
Trong bối cảnh thị trường lao động đang có những diễn biến phức tạp, Phó Giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội TP Hà Nội cho biết, cơ quan này đang tăng cường theo dõi, nắm bắt tình hình hoạt động sản xuất, kinh doanh, chi trả lương, thưởng cho người lao động của doanh nghiệp và đời sống người lao động. Đặc biệt là người lao động bị mất việc, thiếu việc làm tạm thời để có các giải pháp hỗ trợ kịp thời, hiệu quả, bảo đảm việc làm, thu nhập và ổn định đời sống cho người lao động...
Trong khi đó, ở góc độ của tổ chức công đoàn, bà Trần Thị Thanh Hà, Trưởng ban Ban Quan hệ lao động (Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam) cho hay, tìm các biện pháp tạo việc làm, giới thiệu việc làm cho người lao động là một nhiệm vụ quan trọng cũng đang được tổ chức công đoàn triển khai. Thông qua sự liên kết của các công đoàn cơ sở để tìm việc làm mới cho người lao động. “Để giải quyết bài toán việc làm trong bối cảnh hiện nay, chúng ta cần nhiều giải pháp từ Chính phủ đến các cơ quan trung ương và địa phương. Chúng tôi cũng đã đưa ra một số khuyến nghị chính sách hỗ trợ người lao động, hỗ trợ công tác đào tạo bồi dưỡng và nâng cao trình độ tay nghề cho người lao động, hỗ trợ cho doanh nghiệp vay để trả lương trong thời gian người lao động phải ngừng việc, hoặc cho vay để doanh nghiệp phục hồi sản xuất… Bên cạnh đó, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam là một bên trong Ủy ban Quan hệ lao động nên cũng đã có những bàn thảo với các thành viên khác để đưa ra những khuyến nghị tìm giải pháp duy trì các đơn hàng tạo ra việc làm cho người lao động”, bà Hà cho hay.