Làm giàu dưới tán cây cao su

Thứ Năm, 21/07/2022, 07:56

Những năm qua, giá mủ cao su bấp bênh, có lúc giảm sâu khiến nhiều hộ nông dân gặp khó khăn. Nhiều hộ dân ở tỉnh Bình Phước đã tìm giải pháp tăng thu nhập trên cùng đơn vị diện tích bằng cách tận dụng tán cây cao su trồng nấm bào ngư, nuôi heo rừng lai cho thu nhập hàng trăm triệu, thậm chí cả tỷ đồng mỗi năm.

1.jpg -0
Mô hình trồng nấm bào ngư dưới tán cây cao su của gia đình anh Nguyễn Hoành Bắc và chị Lê Thị Thúy Oanh ở thôn 10, xã Thiện Hưng, huyện Bù Đốp cho thu nhập hơn 1 tỉ đồng mỗi năm.

Trồng nấm bào ngư thu tiền tỉ

Vợ chồng anh Nguyễn Hoành Bắc và chị Lê Thị Thúy Oanh ở thôn 10, xã Thiện Hưng, huyện Bù Đốp cho biết, trồng nấm bào ngư dưới tán cao su là giải pháp hữu hiệu nâng cao thu nhập cho người nông dân khi cao su xuống giá. Vợ chồng anh Bắc có 5 ha đất trồng cao su, tiêu đã cho thu hoạch nhưng cách đây vài năm, giá mủ cao su cũng như hồ tiêu xuống thấp khiến nguồn thu giảm sâu. Có người thân ở tỉnh Đồng Nai chuyên trồng nấm bào ngư nên anh chị đã khăn gói đến địa phương này học hỏi kinh nghiệm và về trồng thử nghiệm.

“Lúc đầu chúng tôi nghĩ chỉ đầu tư một vài trại nấm nhỏ vừa tạo nguồn thức ăn sạch cho gia đình vừa bán kiếm thêm thu nhập. Nhưng sau thấy thu nhập khá nên tiếp tục đầu tư mở rộng. Đến nay gia đình tôi đã có 20 trại, mỗi trại trung bình 25 ngàn bịch phôi” – anh Bắc nói.

Các trại nấm chiếm diện tích hàng ngàn mét vuông nhưng đều được gia đình xây dựng dưới tán cao su. Đây không chỉ là giải pháp nhằm tận dụng tối đa diện tích đất vườn mà còn tạo môi trường tốt cho nấm sinh trưởng, phát triển nhanh, vì nấm bào ngư thích nghi rất tốt với độ ẩm, bóng mát dưới tán cây. Gia đình chị Oanh đã xây dựng dây chuyền sản xuất liên hoàn từ khâu phối trộn nguyên liệu, vào bịch, hấp khử trùng, cấy phôi, lên kệ cho đến chăm sóc, thu hoạch đều được thực hiện tại chỗ. Với 20 trại nấm, trung bình mỗi ngày cho thu từ 150-200kg phụ thuộc vào thời tiết.

Cung không đủ cầu, đặc biệt là vào ngày mồng 1, rằm có nhiều người ăn chay nên rất được ưa chuộng. Với giá bán tại trại hiện 40 ngàn đồng/kg, anh chị có lợi nhuận cả trăm  triệu đồng/tháng sau khi trừ các khoản chi phí. Ông Đoàn Mạnh Quang - Phó trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Bù Đốp cho biết, thời gian tới, đơn vị sẽ phối hợp nhân rộng mô hình kinh tế hấp dẫn này, qua đó tạo sản phẩm nấm sạch cung ứng cho người dân.

Nuôi heo rừng lai, dễ kiếm tiền

Sẵn có 3ha cao su đang cho thu hoạch, hộ anh Nguyễn Văn Quý ở ấp 4, xã Minh Tâm, huyện Hớn Quản đã mua heo rừng lai về nuôi dưới tán cây cao su. Lúc đầu anh Quý nghĩ chỉ thả rông mấy con để đỡ tốn công dọn cỏ vườn cây. Không ngờ chỉ trong khoảng 8 tháng, từ 20 con heo giống đàn heo đã lên 70 con. “Chỉ trừ heo con mới sinh buộc phải cho ăn cám, còn phần lớn thời gian sinh trưởng đều ăn cỏ, trái cây, bắp, lúa. Thức ăn sạch, lại thả rông dưới tán cao su nên heo săn chắc, chất lượng thịt thương phẩm cũng như giá đầu ra cao hơn nhiều so với nuôi nhốt, nuôi công nghiệp” – anh Quý nói.

Một năm heo sinh sản 2 lứa, mỗi lứa trung bình trên dưới 10 con. Khi heo lớn khoảng từ 15-30kg có thể bán thương phẩm từ 80-100 ngàn đồng/kg hơi và chọn heo cái tốt làm hậu bị để lại nhân đàn. Mỗi năm mô hình nuôi heo rừng lai của anh Qúy cho thu nhập hàng trăm triệu đồng, sau khi trừ các khoản chi phí. “Heo rừng lai dễ nuôi, tốn ít công chăm sóc và ít gây ô nhiễm môi trường nên ai có vườn cao su rộng, cây lớn tuổi đều có thể nuôi được” – anh Quý khẳng định.

Xã Minh Tâm, huyện Hớn Quản có rất nhiều hộ nuôi heo rừng lai thả rông với quy mô từ 20-100 con/hộ. Để chia sẻ kinh nghiệm nuôi, hỗ trợ, giúp nhau vốn, con giống cũng như tìm đầu ra ổn định, đầu năm 2022, các hộ đã tập hợp thành lập tổ hợp tác nuôi heo rừng lai gồm 14 thành viên. Tương tự, tại xã Thiện Hưng, huyện Bù Đốp, mô hình nuôi heo rừng lai thả rông dưới tán cây cao su cũng được nhiều gia đình lựa chọn với quy mô từ 7-15 con nái/hộ. Các hộ cũng đã liên kết, tập hợp thành tổ hợp tác gồm 10 thành viên. Các hộ nuôi heo rừng lai thả rông dưới tán cao su đều cách xa khu dân cư và được vệ sinh sạch sẽ nên không ảnh hưởng đến môi trường sống. Vì thế, mô hình cần được nhân rộng nhằm tạo sản phẩm sạch và tăng nguồn thu trên cùng đơn vị diện tích.

Bình Phước là địa phương có diện tích cây cao su lớn nhất nước, với hơn 230.000 ha. Những năm qua, do giá mủ bấp bênh, có những năm giảm sâu nên các hộ gia đình đã tìm giải pháp tăng thu nhập trên cùng đơn vị diện tích bằng cách tận dụng tán cây cao su để nuôi, trồng để tăng thu nhập trên cùng đơn vị diện tích. Đây là điều rất đáng quan tâm, khuyến khích, hỗ trợ và nhân rộng.

Đức Trí
.
.
.