Làm gì để phát triển công nghiệp ôtô Việt Nam khi thực hiện các FTA?

Thứ Bảy, 25/05/2024, 07:49

Việt Nam đã và đang nỗ lực xây dựng một ngành công nghiệp ôtô với mục tiêu sản xuất thay thế nhập khẩu và từng bước tiến tới xuất khẩu. Tuy nhiên, trong quá trình phát triển, ngành công nghiệp ô tô còn non trẻ của Việt Nam gặp nhiều khó khăn, thách thức, nhất là khi thực thi các FTA mà Việt Nam tham gia và cam kết.

Để phát triển công nghiệp ôtô Việt Nam khi thực hiện các FTA, các chuyên gia cho rằng cần tháo gỡ những nút thắt về thuế, phí, chất lượng, công nghệ và nâng cao năng lực sản xuất, cạnh tranh của doanh nghiệp.

Tại tọa đàm về chủ đề "Công nghiệp ôtô Việt Nam thực hiện Hiệp định thương mại tự do: Phát triển theo hướng nào?" do Tạp chí Hải quan, Tổng cục Hải quan tổ chức ngày 24/5, bà Nguyễn Ánh Tuyết, Trưởng tiểu ban Hải quan thuộc Hiệp hội các nhà sản xuất ôtô Việt Nam (VAMA) cho rằng, Việt Nam đã tham gia và ký kết 16 FTA, trong đó có nhiều FTA đã cam kết về ôtô nguyên chiếc và có lộ trình giảm thuế nhập khẩu của xe ôtô nguyên chiếc về 0%.

9c77b260-a5c6-46d2-a183-4e0f880a6006.jpeg -0
Tham gia các FTA bên cạnh cơ hội cũng khiến doanh nghiệp sản xuất ôtô Việt Nam ngày càng gặp nhiều áp lực về cạnh tranh.

Điển hình là Hiệp định Thương mại hàng hóa ASEAN (ATIGA), thuế suất nhập khẩu ôtô đã giảm về 0% từ năm 2018. UK/EVFTA (Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - Anh, Việt Nam - châu Âu) sẽ đưa về mức 0% từ năm 2028. Hiệp định Đối tác Toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) về 0% từ 2027. Đây là một cơ hội rất lớn cho thị trường ôtô để có thể đa dạng hóa sản phẩm và mang lại nhiều sự lựa chọn cho người tiêu dùng Việt Nam. Tuy nhiên, theo bà Tuyết, thực tế ngay sau khi cam kết bỏ thuế xuất nhập khẩu từ các nước ASEAN, nhiều sản phẩm sản xuất trong nước đã không cạnh tranh nổi với sản phẩm đến từ các quốc gia ASEAN như Thái Lan và Indonesia và đã được thay thế bởi sản phẩm nhập khẩu.

Với việc thực hiện các cam kết của Hiệp định EVFTA, thuế nhập khẩu ôtô nguyên chiếc từ EU về Việt Nam sẽ giảm khoảng 6,4%/năm và liên tục trong vòng 10 năm. Năm 2024, thuế nhập khẩu được áp dụng là 38,1%. Dự kiến đến năm 2030, thuế nhập khẩu ôtô nguyên chiếc từ EU xuống 0%. Bà Tuyết dẫn chứng một chiếc xe phổ thông có giá khoảng 30.000 USD, khi nhập về Việt Nam năm 2024 phải nộp thuế nhập khẩu 38,1%, tương đương 11.430 USD, giảm 1.920 USD so với năm ngoái. Tuy nhiên, số tiền thuế này còn có thể giảm hàng chục nghìn USD đối với các mẫu siêu xe nhập khẩu. "Điều này cho thấy, ngày càng có nhiều người Việt có cơ hội sở hữu các mẫu xe từ tầm trung, cao cấp cho đến xe siêu sang của các thương hiệu nổi tiếng như Mercedes-Benz, BMW, Audi, Porsche, Ferrari, Lamborghini, Bugatti...", đại diện VAMA nhận định.

Để duy trì sản xuất, tăng sức cạnh tranh của các sản phẩm sản xuất trong nước, bà Tuyết cho hay, các thành viên của VAMA đã không ngừng cải tiến sản phẩm, nâng công suất, cắt giảm chi phí và nâng cao hiệu quả sản xuất. Nhiều thành viên đẩy mạnh nội địa hóa linh kiện trong nước để tăng tỷ lệ nội địa hóa và phát triển mạng lưới nhà cung cấp. Đồng thời, tận dụng lợi thế của FTA để xuất khẩu một số linh kiện sang các quốc gia thành viên mang về doanh thu 4,5 tỷ USD cho ngành ôtô xe máy. Thị phần của xe sản xuất trong nước và luôn đạt trên 60%. Điều này đã đáp ứng được yêu cầu đặt ra của Chiến lược Phát triển ngành Công nghiệp ôtô Việt Nam.

TS Lê Huy Khôi, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chiến lược, Chính sách Công Thương, Bộ Công Thương cho rằng, với các cam kết khá mạnh trong lĩnh vực sản phẩm ôtô, linh kiện, phụ tùng, đặc biệt là cam kết về thuế quan, EVFTA được cho là sẽ tác động mạnh tới ngành ôtô Việt Nam khi thực thi các cam kết. Trong đó, có cơ hội nhập khẩu sản phẩm ôtô, phụ tùng, linh kiện chất lượng, công nghệ cao từ EU với giá thấp hơn, góp phần cắt giảm chi phí sản xuất, tăng sức cạnh tranh của sản phẩm; thời gian lộ trình dài (bảo hộ) để tiếp tục phát triển ngành sản xuất, lắp ráp trong nước trước khi phải cạnh tranh trực tiếp và sòng phẳng với các đối thủ EU khi hết lộ trình… Từ góc độ nhập khẩu, TS Lê Huy Khôi nhìn nhận, thời gian bảo hộ 7-10 năm mặc dù là tương đối dài nhưng nếu ngành ôtô, xe máy Việt Nam tiếp tục trì trệ, thiếu chủ động trong cải thiện năng lực cạnh tranh thì nguy cơ bị thua trên sân nhà vẫn rất cao. Do đó, các doanh nghiệp ngành ôtô Việt Nam cần tìm hiểu kỹ các cam kết EVFTA, chuẩn bị các điều kiện để tận dụng các cơ hội từ Hiệp định cũng như sẵn sàng cho tương lai cạnh tranh khi hết lộ trình bảo hộ thuế quan. Còn về cơ hội xuất khẩu, thị trường EU là thị trường có tiêu chuẩn cao, khoảng cách địa lý khá xa Việt Nam, vì vậy cơ hội xuất khẩu sẽ khó thành hiện thực nếu doanh nghiệp không đủ năng lực tham gia mạng lưới cung ứng trong lĩnh vực ôtô, xe máy và khả năng cạnh tranh cao.

Để thực hiện tốt Chiến lược Phát triển Công nghiệp ôtô Việt Nam trong quá trình thực hiện FTA, bà Tuyết kiến nghị, thuế tiêu thụ đặc biệt (TTĐB) cần được hỗ trợ để phát triển xanh cho các dòng xe HEV (xe lai xăng điện tự sạc), PHEV (xe lai xăng điện có sạc ngoài) và giữ ổn định cho các loại xe khác. Đồng thời gia hạn thuế TTĐB cho các loại xe thuần điện để phát triển dung lượng thị trường. Các loại thuế phí khác cần giữ ổn định và giảm khi cần thiết để kích cầu góp phần hồi phục thị trường trong các giai đoạn khó khăn của nền kinh tế.

Đại diện ngành Hải quan tại tọa đàm cho rằng, cùng với đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính tạo thuận lợi cho hoạt động xuất nhập khẩu nói chung, ngành Hải quan luôn sát sao, xử lý nhanh chóng, giảm bớt thời gian cho hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp ôtô.

Ông Dương Bá Hải, Phó Trưởng phòng Phòng Thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu, Cục Quản lý, giám sát chính sách thuế, phí và lệ phí, Bộ Tài chính cho rằng, việc tham gia các FTA ngoài mang lại cơ hội cũng khiến các doanh nghiệp sản xuất ôtô Việt Nam ngày càng gặp nhiều áp lực về cạnh tranh. Việc xây dựng các chính sách để thúc đẩy phát triển ngành công nghiệp ôtô nói chung, xe ôtô điện hóa nói riêng trong thời gian tới cần được nghiên cứu thận trọng và kỹ lưỡng (bao gồm chính sách tài chính, chính sách đầu tư, quy hoạch và phát triển hệ thống cơ sở hạ tầng...). Theo ông Hải, một số chính sách hỗ trợ ngành công nghiệp ôtô trong nước đang trong quá trình thực hiện và sẽ kéo dài đến hết năm 2027. Cơ quan chức năng cũng cần tổng kết, đánh giá, điều chỉnh để hỗ trợ doanh nghiệp ôtô trong nước trước làn sóng ôtô ngoại ồ ạt vào Việt Nam. Theo đó, thời gian tới, bên cạnh việc tiếp tục thực hiện có hiệu quả các chính sách thuế đã ban hành, Bộ Tài chính sẽ tiếp tục phối hợp với các bộ, ngành, địa phương, Hiệp hội để rà soát, đánh giá việc thực hiện các chính sách ưu đãi đối với ngành công nghiệp ôtô để nghiên cứu trình cấp có thẩm quyền ban hành các chính sách đảm bảo tính đồng bộ của các Luật thuế, pháp luật chuyên ngành và đảm bảo phù hợp với Chiến lược phát triển ngành công nghiệp ôtô và bối cảnh Việt Nam đang ngày càng tham gia sâu, rộng trong các FTA.

Lưu Hiệp
.
.
.