Làm gì để biến “nguy” thành “cơ” trước hàng rào phòng vệ thương mại?
Tại Tọa đàm "Các giải pháp hạn chế điều tra Phòng vệ thương mại đối với các mặt hàng nông thủy sản xuất khẩu (XK) của Việt Nam" do Báo Nông thôn Ngày nay/ Điện tử Dân Việt phối hợp với Cục Phòng vệ Thương mại (Bộ Công Thương) tổ chức, bà Nguyễn Hằng Nga, Phó trưởng phòng, Phòng Xử lý phòng vệ thương mại, Cục Phòng vệ Thương mại cho biết, các sản phẩm như tôm, cá tra, basa, mật ong của Việt Nam luôn thường trực đối diện với các vụ điều tra, cảnh báo điều tra, khởi kiện và áp đặt chống trợ cấp thuế…
Theo bà Nguyễn Hằng Nga, năm 2021, lần đầu tiên mật ong của Việt Nam bị điều tra chống bán phá giá do Hoa Kỳ tiến hành, mặc dù sản phẩm này bị điều tra năm 2021 và Bộ Thương mại Hoa Kỳ (DOC) có kết luận cuối năm 2021 và đến giữa năm 2022 DOC áp thuế chính thức với mật ong, thuế sơ bộ là 400%, kết luận cuối cùng đã giảm còn 60%. Ngoài mật ong, cá tra, ba sa và tôm là sản phẩm đầu tiên bị Hoa Kỳ điều tra chống bán phá giá, cho nên từ đó đến nay, hằng năm cá tra, ba sa của Việt Nam đều bị Hoa Kỳ yêu cầu rà soát để điều tra chống bán phá giá.
Đối với tôm hiện nay, doanh nghiệp (DN) Việt Nam phải trải qua 18 cuộc rà soát lớn, còn cá tra, basa là 19 vụ rà soát. Đối với tôm của Việt Nam, ngày 25/10 vừa qua DOC nhận đơn kiện chống trợ cấp đối với sản phẩm này, ngày 21/11 DOC đã đăng thông báo chính thức điều tra chống bán phá giá với 40 chương trình bị điều tra. Đây là vụ việc khá lớn, được nhiều người quan tâm.
Ông Đỗ Ngọc Hưng, Tham tán thương mại Việt Nam tại Hoa Kỳ cho biết, biện pháp PVTM luôn luôn song song với hoạt động xuất khẩu (XK), vì vậy, XK càng tăng thì nguy cơ bị kiện cũng tăng theo. Hoa Kỳ là thành viên WTO và là quốc gia thường xuyên điều tra với tất cả các hàng hoá với Việt Nam, trong đó có chống bán phá giá, chống trợ cấp...
Luật sư Đinh Ánh Tuyết, Trọng tài viên Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC), Văn phòng Luật sư IDVN cho biết, Việt Nam đã bị các vụ kiện liên quan đến PVTM từ cách đây 20 năm, từ năm 2002 với cá, 2004 với tôm. Theo Luật sư Đinh Ánh Tuyết, có 3 đối tượng tham gia các vụ kiện này. Một là, các DN là đối tượng bị điều tra chính, số liệu của DN sẽ là cơ sở để họ tính thuế áp dụng cho DN, hoặc toàn bộ DN của Việt Nam. Nhóm thứ 2 là Chính phủ, ví dụ như trong vụ kiện về chống trợ cấp thì Chính phủ phải trả lời các bản câu hỏi của Bộ Thương mại Hoa Kỳ, gồm 40 chương trình. Không chỉ có Trung ương mà cả địa phương nơi có các DN sản xuất.
Ví dụ như vụ kiện tôm gồm các DN ở Cà Mau, Sóc Trăng, Kiên Giang và nhiều tỉnh miền Trung. Với khối lượng bảng câu hỏi rất lớn, diện điều tra rộng như vậy thì Chính phủ, DN đều phải có sự chuẩn bị tích cực, thuê luật sư có kinh nghiệm để hỗ trợ cho vấn đề này. Ngoài ra có nhóm rất quan trọng nhưng không được để ý, đó là hiệp hội ngành hàng. Đóng vai trò rất quan trọng trong việc tập hợp các DN để ứng phó với các vụ kiện. Có một số hiệp hội thậm chí còn đi xa hơn, đề nghị các DN có sự chuẩn bị trước.
Theo Luật sư Đinh Ánh Tuyết khi đứng trước các vụ kiện PVTM, các DN cần thường xuyên cập nhật các thông tin thông qua ý kiến của các Cơ quan thương mại của Việt Nam tại Hoa Kỳ, hoặc các nước mà chúng ta XK. Tiếp theo đó là thông tin từ Cục PVTM là nơi đầu mối nắm tất cả các vụ kiện của Hoa Kỳ. Cùng đó là Văn phòng luật sư để tổ chức các lớp tập huấn, cập nhật các thông tin quan trọng về diễn biến thị trường thường xuyên cho DN.
Cùng với đó, ông Đỗ Ngọc Hưng cho rằng, DN cần trang bị kiến thức đầy đủ về PVTM. Hiện nay, Cục PVTM đang có rất nhiều chương trình chia sẻ, cập nhật thông tin về các biện pháp PVTM, các DN có thể liên hệ, đăng ký thăm gia. Bộ Công Thương cũng định kỳ cập nhật danh sách cảnh báo sớm các vụ kiện có thể xảy ra, các DN XK có thể tham khảo. Thêm vào đó, các DN cần chuẩn bị chủ động ứng phó vụ kiện có thể xảy ra bất kỳ lúc nào thông qua việc sắp xếp tài liệu, chứng từ XNK, kế toán…
Theo thống kê của Bộ Công Thương, với khoảng 16 Hiệp định thương mại tự do song và đa phương đã được ký kết cùng 3 hiệp định đang đàm phán, cho đến nay, số vụ kiện PVTM đối với hàng hóa XK của Việt Nam tăng mạnh, chiếm 65% tổng số vụ việc trong vòng 20 năm qua. Tính đến nay Việt Nam đối diện với 234 vụ việc liên quan kiện PVTM.