Kịp thời điều chuyển vốn để tăng tốc giải ngân đầu tư công
Dù đã bước sang tháng cuối cùng của năm 2024, nhưng giải ngân vốn đầu tư công nguồn ngân sách Nhà nước vẫn đang gặp nhiều khó khăn. Bộ Tài chính đã "lên dây cót" với 5 đầu việc để hoàn thành cuộc chạy đua nước rút.
Theo kế hoach đầu tư vốn ngân sách Nhà nước năm 2024, gồm kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao, kế hoạch vốn cân đối địa phương giao tăng, kế hoạch các năm trước chuyển sang, tổng kế hoạch giao năm 2024 là 806.902,1 tỷ đồng. Cho đến thời điểm này, tổng số vốn đã phân bổ là 739.968,4 tỷ đồng, đạt 108,81% kế hoạch vốn Thủ tướng Chính phủ đã giao (680.075,8 tỷ đồng).
Trong quá trình phân bổ, các bộ, cơ quan trung ương và địa phương đã ưu tiên bố trí vốn cho các dự án quan trọng quốc gia, dự án cao tốc, liên vùng, đường ven biển, dự án trọng điểm khác là 116.443,1 tỷ đồng; hoàn trả vốn cho các dự án thuộc Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế và xã hội theo Nghị quyết số 93/2023/QH15 là 6.216,774 tỷ đồng.
Có 8/44 bộ, cơ quan trung ương và 25/63 địa phương chưa phân bổ hoặc phân bổ chưa hết kế hoạch vốn đã được Thủ tướng Chính phủ giao. Tổng số vốn chưa phân bổ chi tiết là 10.127,5 tỷ đồng, chiếm 1,49% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao.
Về tình hình giải ngân, ước từ đầu năm đến ngày 30/11 là 438.852,7 tỷ đồng, đạt 54,4% tổng kế hoạch. Trong đó, giải ngân vốn kế hoạch các năm trước kéo dài sang năm 2024 đến ngày 30/11 là 27.899,6 tỷ đồng, đạt 49,1% kế hoạch. Giải ngân vốn kế hoạch năm 2024 ước đến ngày 30/11 là 410.953,1 tỷ đồng, đạt 54,8% kế hoạch, đạt 60,43% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao, trong đó Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế xã hội là 5.410,25 tỷ đồng (đạt 87,03% kế hoạch), chương trình mục tiêu quốc gia là 17.362,1 tỷ đồng (đạt 63,78% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao).
Theo kế hoạch Chính phủ giao, năm 2024, mục tiêu giải ngân đầu tư công tối thiểu đạt 95% kế hoạch được giao theo Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 5/1/2024 của Chính phủ. Với tiến độ này, những tháng cuối năm là chặng đường nước rút cần một sự bứt phá quyết liệt. Vì thế, Bộ Tài chính đã đưa ra 5 giải pháp cụ thể, kiến nghị các bộ, cơ quan trung ương và địa phương tiếp tục thực hiện quyết liệt các nhiệm vụ, giải pháp để thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công theo chỉ đạo, điều hành của Thủ tướng Chính phủ. Rút kinh nghiệm trong công tác tổ chức triển khai, đặc biệt đối với các dự án có quy mô lớn, yêu cầu kỹ thuật phức tạp, trải dài trên nhiều địa phương, thời gian thi công gấp rút, điều kiện địa hình, thời tiết khó khăn, thiếu thốn nguyên vật liệu..., cần phải tăng cường kiểm tra, giám sát, phân công rõ trách nhiệm, phối hợp chặt chẽ giữa các cấp, các ngành đảm bảo khoa học, hiệu quả công việc... theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại văn bản số 673/TTg-CN ngày 5/9/2024 về triển khai các nhiệm vụ trọng tâm để phấn đấu hoàn thành 3.000km đường bộ cao tốc vào cuối năm 2025 nhằm hưởng ứng phong trào thi đua.
Đặc biệt, Bộ Tài chính đề nghị các bộ ngành, địa phương cần chủ động, kịp thời điều chuyển vốn giữa các dự án không có khả năng giải ngân hoặc chậm giải ngân sang các dự án có khả năng giải ngân tốt hơn, có nhu cầu bổ sung vốn, đảm bảo thời gian điều chỉnh kế hoạch vốn giữa các dự án trong nội bộ trước ngày 15/11. Riêng đối với những vướng mắc kéo dài liên quan đến nguồn nguyên vật liệu cho các dự án quan trọng quốc gia ngành Giao thông vận tải, đề nghị Bộ Giao thông Vận tải và các địa phương chủ quản quyết liệt chỉ đạo các chủ đầu tư, nhà thầu chủ động trong việc tìm kiếm nguồn vật liệu cát để bù đắp phần công còn thiếu hụt; phối hợp chặt chẽ với các địa phương có mỏ vật liệu để khẩn trương hoàn thiện thủ tục cấp phép mỏ, đảm bảo đủ khối lượng, công suất, đáp ứng tiến độ các dự án. Căn cứ chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Tài chính đề nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư cùng các Bộ chịu trách nhiệm toàn diện trước cơ quan kiểm tra, thanh tra, kiểm toán, cơ quan có thẩm quyền và cơ quan liên quan khác về việc tổ chức triển khai thực hiện, phân bổ kế hoạch theo đúng quy định của pháp luật. Trường hợp Bộ Kế hoạch và Đầu tư có ý kiến việc phân bổ vốn cho các dự án chưa phù hợp theo quy định của pháp luật, đề nghị các Bộ: Giao thông Vận tải, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Lao động - Thương binh và Xã hội dừng thanh toán và thu hồi vốn về ngân sách theo đúng quy định.