Kinh tế Việt Nam phục hồi mạnh mẽ
Tăng trưởng GDP thực tế của Việt Nam gây bất ngờ khi tăng 7,7% trong quý II/2022 so với cùng kỳ năm trước và vượt xa mức dự báo 5,9% từ các tổ chức nghiên cứu, theo đó, một số định chế tài chính đã nâng dự báo tăng trưởng cả năm của Việt Nam.
WB điều chỉnh đà tăng trưởng GDP Việt Nam lên 5,8%
Xung đột giữa Nga và Ukraine trong 4 tháng qua đã làm gián đoạn nguồn cung lương thực và nhiên liệu toàn cầu gây ra nguy cơ khủng hoảng năng lượng, lương thực toàn cầu và làm cho giá cả trên thế giới gia tăng. Trước tình hình này, hầu hết các tổ chức quốc tế đã giảm dự báo tăng trưởng toàn cầu so với dự báo trước đó, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) dự báo ở mức 3,6%, thấp hơn 0,8 điểm phần trăm. Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD) cũng dự báo GDP toàn cầu sẽ tăng trưởng 3% trong năm 2022, giảm mạnh so với mức 4,5% được đưa ra trong dự báo hồi tháng 12/2021.
Báo cáo Triển vọng Kinh tế Toàn cầu, ngày 7/6, Ngân hàng Thế giới (WB) đã điều chỉnh giảm dự báo tăng trưởng toàn cầu năm 2022, từ 4,1% xuống còn 2,9%. Ở các nước khu vực Đông Nam Á và Thái Bình Dương, WB cũng dự báo tăng trưởng GDP giảm xuống 4,4%. Tuy nhiên, Việt Nam là nước duy nhất trên thế giới mà WB đã rà soát và dự báo điều chỉnh đà tăng trưởng GDP từ mức 5,5% vào đầu tháng 1/2022 lên 5,8% vào tháng 6/2022.
Cùng với đó, dựa trên kết quả tăng trưởng mạnh trong quý II/2022 và dữ liệu lịch sử, ngày 30/6, Ngân hàng UOB (Singapore) công bố nâng mức dự báo tăng trưởng GDP năm 2022 của Việt Nam lên 7%, từ mức 6,5% trước đó. Dự báo này đi kèm giả định không có thêm sự gián đoạn nào do COVID-19 và tăng trưởng GDP của 6 tháng cuối năm là khoảng 7,6 -7,8%.
Trong nửa đầu năm 2022, GDP của Việt Nam tăng 6,4% so với cùng kỳ năm ngoái, nhờ vào mức tăng 9,7% trong lĩnh vực sản xuất và mức tăng 6,6% trong hoạt động dịch vụ. Các công bố dữ liệu hằng tháng khác cũng cho thấy các hoạt động nhìn chung đã trở lại bình thường khi các biện pháp hạn chế COVID-19 được nới lỏng và việc mở cửa biên giới.
Nhận định về căn cứ để WB đưa ra dự báo trên, bà Nguyễn Thị Hương, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê (TCTK) cho rằng, chính sách ứng phó với đại dịch COVID-19 của Chính phủ Việt Nam hiệu quả, được cộng đồng quốc tế đánh giá cao. Tình hình dịch bệnh được kiểm soát là nền tảng căn bản cho duy trì sự ổn định xã hội, tâm lý người dân, các hoạt động kinh tế quay trở về trạng thái bình thường, ổn định và phát triển. Các chính sách hỗ trợ sản xuất, an sinh xã hội kịp thời, đúng đối tượng là tiền đề cho tiến trình khôi phục sản xuất, đảm bảo an toàn, an sinh tới mọi người dân. “Quyết sách mở cửa kịp thời nhằm giải quyết những tồn đọng của nền kinh tế do đại dịch, tận dụng lợi thế và tìm kiếm cơ hội phát triển cho tương lai đã và đang phát huy tác dụng, hiệu quả cho nền kinh tế sau 2 năm bị phong tỏa. Việc dỡ bỏ các hạn chế để phòng, chống dịch bệnh COVID-19 trong nước, mở cửa biên giới và mở lại các hoạt động du lịch quốc tế đã tạo ra sức sống mới trong lĩnh vực dịch vụ của Việt Nam”, bà Hương nhấn mạnh.
Chuyên gia kinh tế, TS. Đinh Trọng Thịnh cho rằng, “việc mở cửa được dịch vụ du lịch với sự tăng trưởng nhanh và mạnh sẽ là yếu tố thúc đẩy tăng trưởng GDP rất lớn. Số doanh nghiệp thành lập 6 tháng vừa qua rất cao so với thời gian trước đây, các nhà đầu tư trong nước cũng đánh giá khả năng đem lại lợi nhuận, cũng như ổn định và tăng trưởng kinh tế tốt hơn. Các nhà đầu tư nước ngoài vẫn đổ vốn vào thị trường Việt Nam và vốn đầu tư FDI giải ngân tăng liên tục trong thời gian qua khiến hoạt động kinh tế sẽ tốt hơn, làm cơ sở cho GDP năm nay có thể đạt 6,5- 7,5%”, TS. Đinh Trọng Thịnh nhận định.
Áp lực lạm phát sẽ không quá lớn
Về lạm phát, UOB cho rằng, áp lực lạm phát có thể được kiểm soát vì tác động chính liên quan đến giá năng lượng trong khi giá thực phẩm vẫn được kiểm soát ở mức tốt. Tuy nhiên, rủi ro gia tăng lạm phát là đáng kể do giá năng lượng vẫn đang tiếp tục tăng nhanh và điều này sẽ tác động sang các thành phần còn lại của nền kinh tế. Trên cơ sở dữ liệu mới nhất, UOB cho rằng, mức dự báo tăng trưởng GDP chính thức 6-6,5% sẽ được điều chỉnh cao hơn, mặc dù, những rủi ro, thách thức vẫn hiện hữu.
Ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Trung tâm Trọng tài quốc tế Việt Nam cũng cho rằng: “Mặc dù áp lực lạm phát trên thế giới đang rất cao, nhưng ở trong nước phục hồi nền kinh tế cũng cần có một quá trình, tổng cầu trong nền kinh tế cũng không thể tăng một cách đột biến nên áp lực lạm phát sẽ không quá lớn. Tôi tin rằng hoàn toàn có thể kiểm soát được mục tiêu kiềm chế lạm phát, cũng như đạt được mục tiêu tăng trưởng trong năm nay,” ông Lộc cho hay.
Bà Nguyễn Thị Hương cho rằng, nền kinh tế Việt Nam có độ mở lớn nên chịu tác động đan xen nhiều mặt bởi tình hình chính trị thế giới phức tạp, khó lường. Diễn biến giá cả hàng hóa, nguyên nhiên vật liệu trên thế giới đang tiếp tục tăng mạnh gây gián đoạn chuỗi cung ứng, đặc biệt là giá xăng dầu tạo áp lực lớn đến chi phí sản xuất của DN và tiêu dùng của người dân. Điều này sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến nền kinh tế của Việt Nam trong những tháng còn lại của năm 2022. Do vậy, cần kiểm soát lạm phát, hạ nhiệt giá xăng dầu là ưu tiên hàng đầu.
“Khi triển khai tốt các giải pháp, kinh tế nước ta sẽ tiếp đà phát triển của quý II, cùng với gói phục hồi và hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội sẽ có tác động vào kinh tế chủ yếu trong 6 tháng cuối năm. Khi đó, kinh tế quý III/2022 sẽ có tốc độ tăng trưởng cao (do quý III năm trước âm hơn 6%) và quý IV không có những biến cố lớn thì dự báo kết quả tăng trưởng cả năm sẽ đạt và có thể vượt mục tiêu tăng trưởng đề ra 6-6,5%”, bà Hương nhấn mạnh.