Kinh tế số phải là động lực tăng trưởng mới

Thứ Hai, 09/05/2022, 08:09

Tại Hội thảo “Chuyển đổi mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế: Kinh nghiệm 35 năm đổi mới” do Ban Kinh tế Trung ương phối hợp với Tổ chức hợp tác phát triển Đức (GIZ) tổ chức mới đây, nhiều ý kiến cho rằng, kinh tế số phải là động lực tăng trưởng mới.

Tổng kết những thành quả về chuyển đổi mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế, ông Nguyễn Đức Hiển, Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương cho biết, qua thực tiễn đánh giá, những kết quả đạt được thể hiện rất rõ như: Kinh tế vĩ mô cơ bản đã được ổn định; tăng trưởng kinh tế đạt được những kết quả quan trọng; năng suất lao động, năng suất các nhân tố tổng hợp và năng lực cạnh tranh quốc gia được cải thiện, cơ cấu nền kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực hơn.

Cơ cấu các ngành, lĩnh vực có sự chuyển dịch theo hướng nâng cao năng lực cạnh tranh của một số ngành, lĩnh vực Việt Nam có lợi thế trong tham gia chuỗi giá trị khu vực và toàn cầu. Các vấn đề trọng tâm về cơ cấu lại nền kinh tế gồm cơ cấu lại đầu tư công, doanh nghiệp nhà nước và các tổ chức tín dụng đã tập trung thực hiện và đạt được một số kết quả bước đầu. Cơ cấu lại ngân sách nhà nước và khu vực công đạt được một số kết quả đáng ghi nhận.

Kinh tế số phải là động lực tăng trưởng mới -0
Kinh tế số sẽ giúp doanh nghiệp hội nhập “thông minh”.

Tuy nhiên, việc chuyển sang mô hình tăng trưởng theo chiều sâu còn chậm so với yêu cầu đặt ra. Mô hình tăng trưởng vẫn chủ yếu dựa vào các yếu tố đầu vào gồm vốn, lao động, tài nguyên. Đóng góp của TFP (năng suất nhân tố tổng hợp) vào tăng trưởng kinh tế còn hạn chế, thấp hơn nhiều so với các nước trong khu vực ở cùng giai đoạn phát triển. Tăng năng suất lao động thời gian qua chủ yếu vẫn do tăng cường vốn đầu tư và sử dụng lao động chi phí thấp. Vốn vẫn chủ yếu dựa vào hoạt động kinh tế thông dụng lao động.

Góp ý tại hội thảo, GS.TS. Trần Thọ Đạt, nguyên Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế quốc dân cho rằng, trong bối cảnh hiện nay, kinh tế số là động lực tăng trưởng mới trong chuyển đổi mô hình tăng trưởng và cơ cấu lại nền kinh tế. Để thúc đẩy phát triển kinh tế số, cần có bản chiến lược khung cho việc chuyển đổi số; tạo các điều kiện căn bản để thu hút được nguồn vốn dành cho đầu tư số hóa nền kinh tế, cụ thể là hạ tầng và dịch vụ số; đổi mới hệ thống giáo dục - đào tạo gắn chặt với số hóa; hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo, cải tiến kỹ thuật, công nghệ sản xuất; cải thiện sự sẵn sàng đối với kỷ nguyên công nghệ số; liên kết chặt chẽ với khu vực FDI. Ứng dụng công nghệ số cho ngành công nghiệp chế biến, chế tạo; ngành công nghệ thông tin và khoa học công nghệ; ngành tài chính, ngân hàng bảo hiểm và bất động sản; bảo đảm an ninh, an toàn thông tin, tạo điều kiện thúc đẩy phát triển kinh tế số.

Nhấn mạnh thêm, PGS.TS. Trần Đình Thiên, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam khuyến nghị về những thay đổi cơ bản, nền tảng của nền kinh tế như phát triển đồng bộ các loại thị trường, đặc biệt quan tâm phát triển các thị trường nguồn lực đầu vào, nhất là thị trường đất đai; xây dựng nhà nước kiến tạo phát triển theo tinh thần phục vụ thị trường, phục vụ doanh nghiệp, thể chế quản trị phát triển hiện đại, phù hợp các cam kết hội nhập; tuân thủ nguyên tắc “nội lực là quyết định, ngoại lực là quan trọng” trong việc phát triển lực lượng doanh nghiệp Việt Nam và triển khai chiến lược thu hút FDI; tận dụng tối đa lợi thế đi sau, nỗ lực xây dựng thể chế tốt, khuyến khích đổi mới sáng tạo, coi khoa học công nghệ và trí tuệ con người là động lực phát triển quan trọng nhất của giai đoạn tới. Còn TS. Võ Trí Thành, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chiến lược thương hiệu và cạnh tranh thì khuyến nghị tập trung vào vai trò của thị trường, trong một nhà nước kiến tạo sáng tạo; chuyển đổi nền “kinh tế nâu” sang “nền kinh tế xanh”; hội nhập một cách thông minh vào nền kinh tế thế giới.

Từ góc độ là cố vấn kinh tế cấp cao của Chương trình phát triển Liên hợp quốc -UNDP, TS. Jonathan Pincus cho rằng, để thu hẹp được khoảng cách giữa Việt Nam với các quốc gia phát triển, bên cạnh việc duy trì tỉ lệ xuất khẩu so với GDP cao hơn rất nhiều so với các quốc gia khác, Việt Nam cần giải quyết vấn đề nhập khẩu nhiều sản phẩm đầu vào chất lượng cao để phục vụ xuất khẩu. Bên cạnh đó, hầu hết các doanh nghiệp tư nhân của Việt Nam đều rất nhỏ; doanh nghiệp tư nhân lớn lại không phải là doanh nghiệp chế biến, chế tạo mà là doanh nghiệp bất động sản thông qua đầu cơ đất đai. Cần tạo ra cơ chế và sân chơi bình đẳng cho các doanh nghiệp trong nước và FDI, trong đó đặc biệt quan tâm đến cơ chế tài chính cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa, đặc biệt là doanh nghiệp siêu nhỏ.

Hà An
.
.
.