Kiểm tra nguyên nhân cây sâm dược liệu ở vùng cao A Lưới chết hàng loạt

Thứ Hai, 31/07/2023, 06:20

Được kỳ vọng là loại cây trồng giúp thoát nghèo nên nhiều hộ dân ở huyện miền núi A Lưới (Thừa Thiên-Huế) đã mạnh dạn vay vốn đầu tư trồng sâm Bố Chính. Tuy nhiên sau nhiều tháng chăm bón, gần đến thời điểm thu hoạch thì nhiều diện tích trồng loại cây dược liệu này bỗng dưng nhiễm bệnh và chết hàng loạt.

Những ngày cuối tháng 7/2023, nhiều hộ dân ở xã Quảng Nhâm, huyện A Lưới đứng ngồi không yên khi có nhiều diện tích sâm dược liệu bị vàng lá, héo úa và dần chết khô không rõ nguyên nhân. Những diện tích trồng sâm này đều được các nông dân là xã viên thuộc Hợp tác xã (HTX) Quảng Nhâm trồng từ đầu năm 2023 và chỉ còn vài tháng nữa là đến thời kỳ thu hoạch lấy củ.

nongdan 2.jpg -0
Bà Hồ Thị Nai bên vườn sâm dược liệu bị chết do nhiễm dịch bệnh.

Gia đình bà Hồ Thị Nai là một trong số hộ dân ở Quảng Nhâm có diện tích trồng cây sâm Bố Chính lớn nhất. Lúc chúng tôi đến, bà Nai đang nhổ bỏ, xử lý những gốc cây sâm bị chết khô. Đứng nhìn vườn sâm héo vàng, nhiều luống lộ rõ màu đất vì cây sâm đã bị nhổ bỏ mà bà Nai buồn bã nói không thành lời.

Bà Nai kể, trước đây, ruộng vườn của gia đình bà chỉ trồng các loại cây ngắn ngày và cây ăn quả nhưng không mang lại hiệu quả kinh tế. Thực hiện chủ trương chuyển đổi cơ cấu cây trồng, sau khi được tập huấn kỹ thuật trồng cây sâm Bố Chính, từ năm 2022, gia đình bà Nai cải tạo lại mảnh vườn để trồng thử nghiệm loại sâm dược liệu này.

“Sau năm đầu tiên trồng thử, nhận thấy cây sâm sinh trưởng, phát triển tốt, thích hợp với khí hậu, thổ nhưỡng địa phương nên gia đình tôi mạnh dạn vay vốn, đầu tư mở rộng diện tích trồng sâm. Vụ mùa năm 2023, vợ chồng tôi trồng 1ha sâm và dự kiến đến cuối năm nay sẽ thu hoạch. Tuy nhiên khi vườn sâm đang phát triển tốt thì bỗng dưng nhiễm bệnh, cây héo úa, lá vàng khô, hoa rụng và sau đó thân cây bị thối dần xuống củ. Lúc đầu chỉ một vài cây bị nhiễm bệnh, tôi đã dùng chế phẩm sinh học để phun phòng trừ bệnh nhưng vẫn không thể khống chế sự lây lan của loại bệnh này trên vườn sâm”, bà Nai vừa nói vừa chỉ tay vào cây sâm bị chết khô vừa được nhổ lên từ mặt đất.

Ngoài gia đình bà Nai, nhiều hộ dân xã viên thuộc HTX Quảng Nhâm cũng trong tình cảnh “ngồi trên đống lửa” khi vườn sâm bị chết với diện tích từ 50 đến 60%. Đây đều là những vườn sâm được HTX Quảng Nhâm liên kết với một doanh nghiệp đóng tại TP Huế theo hình thức bao tiêu sản phẩm. Để có được những vườn sâm dược liệu này, người dân phải đầu tư tiền mua giống cây, phân bón, bỏ công sức làm đất và chăm sóc cây đúng theo hướng dẫn kỹ thuật. Tuy nhiên trong gần 2 tháng qua, dịch bệnh lây lan nhanh trên cây sâm khiến người trồng cây sâm không kịp trở tay.

“Sau thời gian 8 tháng đến 1 năm trồng và chăm sóc, cây sâm sẽ được thu hoạch. Trừ chi phí đầu vào, nhân công thì bình quân mỗi sào thu lợi từ 30 đến 40 triệu đồng, cao gấp nhiều lần so với trồng lúa, trồng sắn. Tuy nhiên hiện nhiều diện tích trồng sâm ở địa bàn xã đang bị nhiễm bệnh vào thời điểm gần thu hoạch khiến bà con rất lo lắng”, anh Hồ Văn Tú, một hộ dân trồng sâm ở Quảng Nhâm chia sẻ.

Qua trò chuyện, Giám đốc HTX Quảng Nhâm - ông Nguyễn Hải Teo cho hay, vụ sâm năm 2023, toàn HTX trồng được hơn 2,3ha sâm và được liên kết bao tiêu sản phẩm với doanh nghiệp. Mô hình liên kết này được đánh giá mang lại hiệu quả kinh tế khi doanh nghiệp hỗ trợ về kỹ thuật cho nông dân và đảm bảo đầu ra ổn định đối với sâm dược liệu. Tuy nhiên đến nay có đến 70% tổng diện tích trồng cây sâm của HTX bị nhiễm bệnh, bị chết.

Theo ông Teo, sau khi phát hiện cây sâm bị nhiễm bệnh, HTX đã báo cáo đến chính quyền địa phương và doanh nghiệp để có biện pháp hỗ trợ người dân khắc phục. Doanh nghiệp đã cắt cử cán bộ và hỗ trợ chế phẩm sinh học để người dân xử lý những vườn sâm bị bệnh nhưng sâm vẫn bị chết.

“Mới đây, tại cuộc họp với các đơn vị liên quan, phía doanh nghiệp đề nghị người dân thu hoạch những diện tích sâm bị chết để sấy khô, cất trữ nhằm có hướng tiêu thụ. Những diện tích sâm còn sống thì phải chờ đến thời gian thu hoạch theo cam kết thì doanh nghiệp mới có thể thu mua. Tuy nhiên, nếu đợi thêm vài tháng để thu hoạch thì số diện tích cây sâm bị chết sẽ tăng lên, thiệt hại của nông dân càng lớn”, ông Teo nói trong lo lắng.

Ông Văn Lập, Trưởng phòng NN&PTNT huyện A Lưới cho biết, qua kiểm tra các vườn sâm bị chết, nhận định ban đầu là do cây sâm bị nhiễm các loại nấm bệnh do ảnh hưởng của thời tiết. Bên cạnh đó, kỹ thuật làm đất trước khi gieo trồng cây sâm của người dân chưa đúng. Hiện đơn vị đã mời chuyên gia của một Viện nghiên cứu ở TP Hà Nội vào Huế để kiểm tra, làm rõ nguyên nhân và tìm hướng khống chế hiệu quả dịch bệnh trên cây sâm. Bên cạnh đó, phòng NN&PTNT huyện A Lưới đã yêu cầu doanh nghiệp kịp thời thu mua củ sâm tại các vườn sâm sắp thu hoạch để hạn chế thiệt hại cho nông dân.

Anh Khoa
.
.
.