Kiểm soát rủi ro với thẻ tín dụng

Thứ Bảy, 12/03/2022, 07:56

Suốt 2 năm qua, đại dịch COVID-19 đã thúc đẩy người dân dần thay đổi nhận thức, thói quen sử dụng tiền mặt và chuyển sang sử dụng thẻ tín dụng trong mua sắm, chi tiêu.

Việc đẩy mạnh thẻ tín dụng nội địa mang lại lợi ích cho toàn nền kinh tế: Thúc đẩy chủ trương thanh toán không dùng tiền mặt, góp phần đẩy lùi tín dụng đen, phổ cập tài chính toàn diện, chuyển đổi số theo đúng chủ trương của Đảng và Nhà nước. Để phổ cập hơn nữa thẻ tín dụng đến với mọi người, ngày 11/3, Báo Lao động đã phối hợp với Ngân hàng Nhà nước tổ chức Hội thảo đẩy mạnh thẻ tín dụng nội địa Việt Nam.

Ngày 28/10/2021, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định 1813/QĐ-TTg phê duyệt Đề án phát triển thanh toán không dùng tiền mặt tại Việt Nam giai đoạn 2021 - 2025, trong đó có nhiệm vụ phát triển dịch vụ thẻ ngân hàng, cung ứng các dịch vụ gia tăng khác; tập trung triển khai hoàn thành chuyển đổi thẻ ngân hàng từ thẻ từ sang thẻ chip, đảm bảo an ninh, an toàn trong thanh toán thẻ, gia tăng dịch vụ, tạo thuận lợi kết nối với các hệ thống thanh toán khác; nghiên cứu, ứng dụng thành tựu của cách mạng công nghệ 4.0 để da dạng các sản phẩm, dịch vụ thanh toán (trong đó có dịch vụ thẻ ngân hàng) trên nền tảng số hóa, đảm bảo an toàn, bảo mật, mang lại sự thuận tiện cho người sử dụng.

Tuy nhiên, cho đến nay số lượng khách hàng biết và sử dụng thẻ tín dụng nội địa còn chưa tương xứng với tiềm năng của thị trường gần 100 triệu dân ở Việt Nam.  Ông Lê Văn Tuyên - Phó Vụ trưởng Vụ Thanh toán NHNN cho biết, theo thống kê, đến 31/12/2021, có 12/46 tổ chức phát hành thẻ phát hành thẻ tín dụng nội địa, tăng 50% về số lượng so với năm 2019. Số lượng thẻ tín dụng nội địa đang lưu hành đến hết năm 2021 đạt trên 475 nghìn thẻ, tăng 61,7% so với cuối năm 2019.

4-2.jpg -0
Thẻ tín dụng mang lại nhiều tiện ích cho khách hàng.

Cùng chung quan điểm, ông Nguyễn Quang Minh - Phó Tổng Giám đốc NAPAS nhận định rằng, đến nay chỉ có 6,5 triệu thẻ tín dụng so với dân số gần 100 triệu dân thì còn rất nhỏ. Doanh số sử dụng thẻ tín dụng năm 2021 đạt khoảng 220 nghìn tỷ đồng. Thẻ tín dụng tại Việt Nam được chấp nhận tại hơn 300.000 đơn vị chấp nhận thanh toán và rút tiền mặt tại hơn 20.000 ATM trên toàn quốc.

Một trong những vấn đề được nhiều người quan tâm là kiểm soát rủi ro khi sử dụng thẻ tín dụng. Ông Lê Thanh Hà, Trưởng tiểu ban Rủi ro, Hội Thẻ Việt Nam khuyến nghị khi dùng thẻ, khách hàng không đưa thẻ của mình cho bất cứ người nào khác, trừ nhân viên của ngân hàng hoặc các nhân viên thu ngân của đơn vị chấp nhận thanh toán được chỉ định. Khi thu ngân thực hiện giao dịch phải trong tầm quan sát của khách hàng. Đối với nhân viên ngân hàng, khách hàng chỉ nên đưa thẻ cho nhân viên của ngân hàng khi thực hiện các giao dịch/thủ tục tại các điểm giao dịch của ngân hàng, không đưa thẻ ở các địa điểm bên ngoài điểm giao dịch của ngân hàng. Ngoài ra, khách hàng nên chủ động quản trị rủi ro thẻ thông qua các công cụ mà ngân hàng cung cấp.

"Hiện nay, nhiều ngân hàng đã cung cấp cho khách hàng các công cụ để khách hàng có thể chủ động quản trị thẻ thông qua các ứng dụng hoặc các trang web. Theo đó, khách hàng có thể chủ động tạm thời đóng/ mở thẻ, đóng/ mở chức năng thanh toán trực tiếp. Khi chưa có nhu cầu sử dụng thẻ, khách hàng nên tạm thời khóa thẻ, trường hợp mở ra chi tiêu thì nên đóng lại ngay sau khi hoàn tất giao dịch; khách hàng cũng đồng thời có thể cài đặt các hạn mức thanh toán", ông Hà cho biết.

Cụ thể hơn, Trưởng tiểu ban Rủi ro, Hội Thẻ Việt Nam cũng cảnh báo khách hàng không nên cung cấp các thông tin như thông tin thẻ (số thẻ, ngày hết hạn, họ tên trên thẻ…), thông tin cá nhân (số CMND/CCCD), mã OTP… để tránh các trường hợp giả mạo. Khách hàng cần thường xuyên kiểm tra thông báo giao dịch thẻ qua tin nhắn gửi qua điện thoại hoặc ứng dụng mà ngân hàng cung cấp để biết được các biến động giao dịch từ thẻ và liên hệ ngay với ngân hàng trường hợp giao dịch không do khách hàng thực hiện; thường xuyên thay đổi mã PIN, mật khẩu của thẻ và nên tránh các con số dễ đoán/có liên quan đến các thông tin cá nhân như ngày tháng năm sinh, số điện thoại… để tránh việc lộ thông tin cho kẻ xấu lợi dụng.

Khi giao dịch thẻ tại các thiết bị thanh toán thẻ như tại ATM cần quan sát kỹ trước khi thực hiện giao dịch, không giao dịch nếu máy ATM có thiết bị lạ, bất thường; sử dụng tay che bàn phím khi nhập PIN. Khi giao dịch tại POS, đảm bảo giao dịch phải được thực hiện trong tầm quan sát của khách hàng khi thu ngân thực hiện giao dịch và yêu cầu thu ngân không được sao chụp, ghi lại các thông tin của thẻ. Luôn lấy tay che bàn phím khi nhập mã PIN (nếu được yêu cầu). Chỉ giao dịch tại các website/ứng dụng di động uy tín, các địa chỉ mua hàng tin cậy, bảo mật cao…

Hà An
.
.
.