Kiểm soát chặt mã số vùng trồng để tránh nguy cơ bị mất thị trường xuất khẩu
Các nước nhập khẩu (NK) khó tính như Hoa Kỳ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Úc, New Zealand, Trung Quốc… đưa ra yêu cầu: Đối với các mặt hàng rau, quả tươi, muốn xuất khẩu (XK) sang thị trường các nước này phải được trồng theo một quy trình đồng nhất. Trong đó, điều kiện tiên quyết là chỉ có các mặt hàng được sản xuất từ vùng trồng đã được cấp mã số mới được phép XK sang thị trường các nước này.
Trong tháng 10/2023, hai lô sầu riêng và ớt của Việt Nam XK qua thị trường Nhật Bản bị buộc tiêu hủy do phát hiện tồn dư hóa chất vượt tiêu chuẩn cho phép. Theo đó, lô hàng sầu riêng khoảng 1,4 tấn được NK qua một doanh nghiệp (DN) lớn tại Việt Nam từ ngày 5/10. Khi hàng đến Nhật, cơ quan kiểm dịch nước này đã lấy mẫu xét nghiệm và phát hiện tồn dư hoạt chất procymidone với hàm lượng 0,03 ppm, trong khi tiêu chuẩn cho phép của Nhật là 0,01 ppm. Đây là hoạt chất có trong thuốc trừ sâu có tác dụng diệt nấm mốc. Lô hàng ớt hơn 4 tấn, cơ quan kiểm dịch Nhật Bản lấy mẫu xét nghiệm với 4 hoạt chất, phát hiện có 2 hoạt chất tồn dư vượt ngưỡng cho phép gồm tricyclazole 0,2 ppm và hexaconazole 0,03 ppm, trong khi tiêu chuẩn cho phép là 0,01 ppm.
Với mặt hàng thanh long ruột đỏ, DN cũng từng “kêu cứu” do đang trên đà XK thì bị thị trường Nhật Bản cho ngưng đột ngột. Lý do, từ khi Nhật Bản chính thức cho phép NK thanh long ruột đỏ từ năm 2017 thì loại trái cây này XK qua Nhật không cần mã số vùng trồng. Nhưng, đến đầu năm 2023, thị trường này chỉ chấp nhận NK giống thanh long ruột đỏ LĐ1, còn các giống thanh long ruột đỏ khác thì không được chấp nhận do... chưa có mã số vùng trồng.
Tháng 9/2023, hàng trăm container chuối, mít, sầu riêng, thanh long... được đưa ra cảng chuẩn bị xuất sang thị trường Trung Quốc nhưng DN bất ngờ nhận được công văn từ Cục Bảo vệ thực vật (BVTV) - Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN&PTNT) yêu cầu tạm dừng XK. Theo nội dung công văn, Cục BVTV nhận được thông báo của Tổng cục Hải quan Trung Quốc (GACC), phát hiện một số lô chuối, xoài, mít, sầu riêng và thanh long của Việt Nam XK sang thị trường Trung Quốc bị nhiễm đối tượng kiểm dịch thực vật.
Việc không kiểm soát hiệu quả các đối tượng kiểm dịch thực vật ngay từ vùng trồng và cơ sở đóng gói dẫn đến tình trạng các lô hàng không đáp ứng quy định của Trung Quốc và làm mất uy tín hàng hóa XK từ Việt Nam, thậm chí có nguy cơ làm mất thị trường XK quan trọng này. Vì vậy, Cục BVTV đề nghị các địa phương hướng dẫn các chủ mã số vùng trồng và cơ sở đóng gói vi phạm tiến hành điều tra nguyên nhân vi phạm và thực hiện biện pháp khắc phục. Đồng thời, yêu cầu đơn vị chức năng không làm thủ tục kiểm dịch thực vật đối với các lô hàng thuộc mã số vùng trồng, và cơ sở đóng gói đã bị tạm dừng hoặc thu hồi.
Ông Ngô Duy Đông – Phó Chi cục trưởng Chi cục trồng trọt và BVTV - Sở NN&PTNT tỉnh Gia Lai cho biết, tỉnh Gia Lai cũng đã có 5 lô hàng XK bị trả về có liên quan đến mã số vùng trồng. Trong đó có DN XK bị trả về 2 lô hàng chuối, gần đây bị trả về lô hàng sầu riêng, mỗi container sầu riêng bị trả về DN coi như mất trắng hơn 5 tỷ đồng.
Từ thực tế của địa phương, ông Ngô Duy Đông khẳng định: “Mã số vùng trồng là tiền đề quan trọng cho XK chính ngạch nông sản, góp phần rút ngắn các khâu trung gian, nâng cao giá trị gia tăng và hiệu quả kinh tế trên một đơn vị diện tích đất canh tác, đảm bảo đầu ra ổn định cho người dân.
Để tránh nguy cơ bị mất thị trường XK, Thứ trưởng Bộ NN &PTNT Hoàng Trung yêu cầu các địa phương tập trung thực hiện công tác kiểm tra, giám sát các vùng trồng và cơ sở đóng gói đã được cấp mã số. Các cơ sở đóng gói phải thực hiện đầy đủ các biện pháp kỹ thuật đảm bảo làm sạch sinh vật gây hại trên hàng hóa trước khi XK. Bộ NN & PTNT cũng sẽ áp dụng biện pháp tạm dừng sử dụng mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói, liên quan tới các lô hàng XK không đáp ứng yêu cầu của phía NK và tái phạm nhiều lần trong quá trình kiểm tra kiểm dịch thực vật. Với các địa phương có cửa khẩu XK, đề nghị các cơ quan chức năng liên quan phối hợp với cơ quan kiểm dịch thực vật tại cửa khẩu thực hiện kiểm tra chặt chẽ hàng hóa theo quy định của Trung Quốc và các nước NK.