Kiềm chế lạm phát phù hợp mục tiêu tăng trưởng

Thứ Sáu, 11/04/2025, 08:14

Dù lạm phát quý 1/2025 thấp hơn những năm gần đây nhưng chuyên gia khuyến nghị, cơ quan chức năng cần theo dõi sát diễn biến thị trường để có chính sách điều hành phù hợp.

Lạm phát quý 1 tăng 3,01%

Theo Cục Thống kê (Bộ Tài chính), lạm phát được kiểm soát theo mục tiêu đề ra. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân quý I/2025 tăng 3,22% so với cùng kỳ năm trước, thấp hơn mức tăng 4,18% và 3,77% của cùng kỳ năm 2023 và 2024. Lạm phát cơ bản tăng 3,01% so với cùng kỳ và thấp hơn mức tăng CPI chung, cho thấy nỗ lực của Chính phủ và các cơ quan chức năng trong việc duy trì ổn định kinh tế vĩ mô và kiểm soát lạm phát trong một môi trường toàn cầu diễn biến khó lường.

Để đạt mục tiêu tăng trưởng GDP 8% trở lên trong năm 2025, Nghị quyết bổ sung Kế hoạch Phát triển kinh tế - xã hội năm 2025 của Quốc hội điều chỉnh một số chỉ tiêu chủ yếu, trong đó, nới trần lạm phát từ 4,0-4,5% lên 4,5%-5,0%, tuy nhiên, Chính phủ muốn lạm phát chỉ xoay quanh mức 4,15%. Mức lạm phát 4,15% được đánh giá là vừa bảo vệ sức mua của nền kinh tế, vừa ổn định kinh tế vĩ mô và giữ lòng tin cho người dân, doanh nghiệp. Do vậy, kiểm soát lạm phát ở mức 4,15% bằng cách nào khi mà giá thịt lợn đang ở mức rất cao và các sàn thương mại điện tử đã đồng loạt tăng phí, tác động ngay tới mặt bằng giá cả hàng hóa.

4-0.jpg -0
Cần đảm bảo thông suốt hoạt động cung ứng, lưu thông, phân phối hàng hóa, dịch vụ, góp phần kiềm chế lạm phát.

Về vấn đề này, bà Nguyễn Thu Oanh, Trưởng ban Thống kê Dịch vụ và Giá (Cục Thống kê - Bộ Tài chính) cho rằng, mức lạm phát 4,5-5% trong năm 2025 phù hợp với điều kiện tăng trưởng GDP 8% trở lên trong năm 2025. Theo các chuyên gia, việc điều chỉnh chỉ tiêu CPI, nới trần lạm phát là cần thiết nhằm tạo không gian trong điều hành chính sách tài khóa và tiền tệ, hỗ trợ thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Tuy nhiên, lạm phát là chỉ tiêu quan trọng, ảnh hưởng trực tiếp đến ổn định vĩ mô cũng như đời sống người dân và chi phí của doanh nghiệp. Do đó, cần có các giải pháp kiểm soát lạm phát phù hợp với mục tiêu tăng trưởng, ổn định kinh tế vĩ mô.

Về giá thịt lợn, ông Đậu Ngọc Hùng, Trưởng ban Thống kê nông, lâm nghiệp và thủy sản (Cục Thống kê) cho biết, vừa qua có thời điểm giá thịt lợn biến động, tăng mạnh nhất là đầu tháng 3, nhưng sau đó đã chững lại và giảm dần, đến cuối tháng 3 chỉ còn tăng ở một số tỉnh phía Nam. Theo ông Hùng, ở góc độ hoạt động chăn nuôi, có một số yếu tố ảnh hưởng đến nguồn cung tác động đến biến động giá thịt lợn trong thời gian qua như những tháng cuối năm 2024, dịch bệnh lở mồm long móng, dịch tả heo châu Phi xảy ra trên đàn heo tại một số tỉnh phía Nam.

Đặc biệt, đàn heo nái hao hụt một phần tổng đàn và gây tâm lý lo ngại đối với người chăn nuôi. Thêm vào đó, một bộ phận người chăn nuôi, nhất là ở khu vực chăn nuôi vừa và nhỏ gặp khó khăn khi tiếp cận tín dụng, nguồn cung con giống cùng với tâm lý lo ngại dịch bệnh nên tái đàn chậm, thậm chí để trống chuồng. Một số địa phương có sản lượng giảm như Khánh Hòa giảm 5,1%, Long An giảm 4,5%, TP.HCM giảm 2,6%... Tại Đồng Nai, sản lượng heo hơi xuất chuồng quý 1/2025 chỉ tăng 0,2% so cùng kỳ.

Tuy nhiên, trên phạm vi cả nước sản lượng lợn xuất chuồng quý I/2025 vẫn tăng 5% so cùng kỳ, trong đó có một số địa phương tăng khá: Gia Lai tăng 18%; Bình Định tăng 7,6%; Hưng Yên tăng 6,9%; Bình Phước tăng 5,8%; Thanh Hóa tăng 5,2%. Số đầu con của cả nước cuối tháng 3 tăng 3,3% so cùng kỳ (tương đương mức tăng của năm 2024). Vấn đề nguồn cung chỉ xảy ra cục bộ tại một số địa phương trong một số thời điểm. Do đó, nguồn cung thịt lợn sẽ đáp ứng tiêu dùng trong thời gian tới.

Kết hợp nhiều giải pháp để kiềm chế lạm phát

Để kiểm soát lạm phát năm 2025 đạt được mục tiêu đề ra, chuyên gia kinh tế TS Nguyễn Bích Lâm cho rằng, Chính phủ cần điều hành tỷ giá, lãi suất phù hợp, tránh lạm phát kỳ vọng; kiểm soát tăng giá trong các mùa cao điểm; nâng cao chất lượng hàng hóa và dịch vụ trong nước với mức giá cạnh tranh để thúc đẩy người dân tiêu dùng hàng hóa và dịch vụ Việt; tăng cường thực hiện các đợt khuyến mại để thúc đẩy sức mua của người dân. Chính phủ cần thực hiện giải pháp kích cầu tiêu dùng thông qua chính sách thuế và an sinh xã hội như giảm thuế thu nhập cá nhân; nâng mức thu nhập chịu thuế và mức giảm trừ gia cảnh.

Đồng thời, Chính phủ cần kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về cơ chế, chính sách, thủ tục hành chính, rà soát bãi bỏ các quy định không hợp lý, nhằm cắt giảm chi phí đầu vào cho doanh nghiệp, tạo môi trường kinh doanh bình đẳng, thông thoáng thúc đẩy tổng cung, giảm áp lực lạm phát.

4-1.jpg -0
Cần đảm bảo thông suốt hoạt động cung ứng, lưu thông, phân phối hàng hóa, dịch vụ.

"Niềm tin của người tiêu dùng có ý nghĩa rất lớn, đảm bảo hiệu quả của các giải pháp kích cầu tiêu dùng, vì vậy cùng với chính sách an sinh xã hội, tạo việc làm ổn định, chính sách về lãi suất ngân hàng, thị trường bất động sản, giá vàng, giá ngoại tệ ổn định..., sẽ tăng thêm niềm tin của người tiêu dùng, thúc đẩy chi tiêu, xử lý được bài toán nhu cầu thị trường trong nước thấp đối với doanh nghiệp", TS Nguyễn Bích Lâm nhấn mạnh.

Chuyên gia kinh tế Vũ Vinh Phú cũng cho rằng, các bộ, ngành, địa phương cần theo dõi sát diễn biến giá cả của các mặt hàng thiết yếu như lương thực, thực phẩm, thịt lợn, xăng dầu, gas... để có giải pháp điều hành phù hợp và chủ động chuẩn bị các nguồn hàng vào dịp lễ, Tết nhằm hạn chế tăng giá. Cùng với đó, cần có các biện pháp kiểm soát, bình ổn giá, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm, tránh xảy ra hiện tượng tăng giá bất hợp lý, tung tin thất thiệt gây bất ổn thị trường.

Bên cạnh đó, bà Nguyễn Thu Oanh cũng cho rằng, Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương cần theo dõi chặt chẽ diễn biến giá cả, lạm phát trên thế giới, kịp thời cảnh báo các nguy cơ ảnh hưởng đến giá cả, lạm phát của Việt Nam để có các biện pháp ứng phó phù hợp nhằm đảm bảo nguồn cung, bình ổn giá trong nước. Đồng thời, đảm bảo thông suốt hoạt động cung ứng, lưu thông, phân phối hàng hóa, dịch vụ, nhất là các mặt hàng chiến lược có khả năng bị ảnh hưởng từ sự đứt gãy chuỗi cung ứng toàn cầu và xung đột căng thẳng địa chính trị. Quyết định mức độ và thời điểm điều chỉnh giá các loại dịch vụ do Nhà nước quản lý phù hợp, tránh gây cộng hưởng lạm phát chi phí đẩy, tạo ra lạm phát kỳ vọng của nền kinh tế.

Phan Đức

.
.
.