Khó vay vốn, doanh nghiệp xin "đặc thù"

Chủ Nhật, 22/10/2023, 06:47

Chia sẻ tại Hội nghị kết nối ngân hàng - doanh nghiệp trên địa bàn Tây Nguyên diễn ra chiều 20/10, bà Trần Thị Lan Anh, PGĐ Công ty kinh doanh cà phê Vĩnh Hiệp trên địa bàn tỉnh Gia Lai cho biết, DN đã có quan hệ tín dụng 25 năm với các ngân hàng trên địa bàn tỉnh.

Dù có "thâm niên" và cũng là một DN có uy tín trên địa bàn, song Vĩnh Hiệp vẫn gặp những khó khăn khi tiếp cận tín dụng như bất kỳ DN kinh doanh cà phê nào khác. "Mặt hàng cà phê có đặc thù mùa vụ rất rõ ràng. Khi cao điểm, chúng tôi rất cần vốn để kinh doanh trong một thời gian ngắn nhưng việc tiếp cận tín dụng lại khó khăn nên rất khó xoay sở đủ nguồn vốn thu mua theo kế hoạch.

Chúng tôi luôn đảm bảo uy tín vay vốn, nhưng suốt 25 năm, ngân hàng chưa có sự thay đổi sản phẩm tín dụng, mới duy nhất có sản phẩm tín dụng bổ sung hạn mức, chưa phù hợp với DN xuất khẩu. Vì vậy, đề nghị ngân hàng cũng xem xét để thay đổi, phù hợp với thời cuộc", bà Lan Anh đề xuất. Đi vào cụ thể hơn, bà Lan Anh đề nghị ngân hàng cấp tín dụng theo từng ngành hàng, có gói tín dụng, room tín dụng riêng cho ngành cà phê.

Cùng với đó, áp dụng các sản phẩm vay vốn dựa vào các phương án sản xuất kinh doanh, cho vay tín chấp dựa trên uy tín của DN và cả uy tín của khách hàng của DN, vì việc thế chấp tài sản đảm bảo khiến cho hạn mức tín dụng bị hạn chế; đồng thời ưu tiên hạn mức mở rộng cho các DN cà phê ngay từ thời điểm đầu vụ là tháng 10 hàng năm, thay vì đến sát thời điểm chính vụ trong thời gian ngắn không đủ để DN xoay sở.

Cũng xin gỡ về thủ tục, bà Huỳnh Thị Ngọc Trâm, Giám đốc Công ty TNHH JFT chuyên về trồng hoa trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng cho biết hiện nay, phần lớn DN vừa và nhỏ và DN khởi nghiệp do khả năng tài chính, khả năng đảm bảo trả nợ, không chứng minh được điều kiện trả nợ nên không tiếp cận được vốn.

"Bên cạnh những DN không thể vay vốn vì không có kế hoạch kinh doanh tốt, vẫn còn nhiều DN có nhu cầu vay, dù chính DN cũng lo rủi ro pháp lý, song, do các thủ tục vay vốn kéo dài, không kịp với cơ hội kinh doanh nên nhiều DN đã bị bỏ lỡ. Thậm chí DN cũng đo đếm thủ tục, thấy việc vay vốn quá phức tạp khiến cho chi phí bỏ ra lớn nên "ngại" vay. Ngoài ra, về tài sản thế chấp, với DN kinh doanh hoa, đầu tư nhà kính để trồng hoa lớn nhưng nếu thảo dỡ thì giá trị lại nhỏ dẫn đến DN không đủ điều kiện để vay vốn.

Vì vậy, DN cần sự hỗ trợ các chính sách vĩ mô của chính phủ để hỗ trợ ngành hoa nói riêng, nông nghiệp nói chung phát triển", bà Trâm đề xuất và kiến nghị tăng bảo hiểm nông nghiệp, hỗ trợ trong trường hợp thiên tai, dịch bệnh, mất mùa - điều này giúp đảm bảo khoản vay ngoài tài sản đảm bảo; đề nghị ngân hàng đơn giản hóa thủ tục cũng như ổn định mức lãi suất 6-7% để DN có thể tiếp cận vốn…

Chia sẻ với những khó khăn của DN, Phó Thống đốc NHNN Đào Minh Tú cho biết, để tiếp cận tín dụng, ngoài cơ chế chính sách đã khá đầy đủ thì quá trình tổ chức trực tiếp ở địa phương giữa ngân hàng với DN rất quan trọng.

"Thông qua các hội nghị đối thoại trực tiếp giữa ngân hàng với DN giải quyết vướng mắc, chúng tôi đã nghe về điều kiện tiếp cận tín dụng, lãi suất, các ngành nghề có tính chất đặc thù cần hỗ trợ tại Tây Nguyên. Có thể nói, vốn cho lĩnh vực nông nghiệp và những ngành đặc thù như cây cà phê, tiêu, điều… năm qua có một số sản phẩm tích cực như sầu riêng… ngành ngân hàng đã rất chú trọng.

Tuy nhiên, nhiều DN nói cần có cơ chế đặc thù hơn, tôi hoàn toàn đồng tình, nhất là với cây cà phê. Cách đây 5-7 năm có chương trình tái canh cây cà phê nhưng chưa trọn vẹn. Làm sao để ngành cà phê thành cây chủ lực, ngành ngân hàng sẽ tiếp tục nghiên cứu để có cơ chế chính sách phù hợp nhất, có cơ chế cho vay nhanh nhất, thuận lợi nhất để không làm mất cơ hội của bà con nông dân và DN xuất khẩu, tránh thua thiệt trên sân nhà so với DN FDI vì nguồn lực không đáp ứng", ông Tú khẳng định.

Ông cũng cho biết sẽ chỉ đạo Agribank là ngân hàng cho vay chủ lực nông nghiệp làm đầu mối phối hợp với các ngân hàng khác, trên tinh thần thấu đáo nhưng nhanh nhất để tiếp cận mở rộng, hỗ trợ trực tiếp cho DN hiệu quả nhất.

Hà An
.
.
.