Khẩn trương đánh giá thiệt hại, hỗ trợ người dân khôi phục sản xuất sau mưa bão

Thứ Hai, 09/09/2024, 16:41

Chiều 9/9, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) đã tổ chức họp khẩn nhằm đánh giá tình hình và triển khai ngay các giải pháp hỗ trợ người dân khôi phục sản xuất sau bão số 3.

Tại cuộc họp, ông Nguyễn Như Cường, Cục trưởng Cục Trồng trọt đánh giá, bão số 3 có gió giật rất mạnh, khiến nhiều diện tích lúa bị gãy đổ. Tuy nhiên, do lượng mưa không lớn nên "may mắn" nhiều diện tích lúa bị ngập không nhiều. Riêng diện tích chuối và bưởi bị bão "quật đổ" rất nhiều. Trước khi bão số 3 đổ bộ, Cục Trồng trọt cũng đã có văn bản gửi các địa phương chủ động, đồng thời lên các phương án bảo vệ lúa và hoa màu. Sau bão, Cục tiếp tục có văn bản hướng dẫn phục hồi các diện tích bị thiệt hại, đồng thời phân loại từng đối tượng cây trồng, từ đó có những giải pháp phù hợp để khắc phục.

Ông Nguyễn Quý Dương, Phó Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật cảnh báo, sau bão độ ẩm đồng ruộng cao, nguy cơ cao xuất hiện bệnh bạc lá, đốm sọc vi khuẩn. "Giai đoạn này bà con không bón tăng phân đạm mà lưu ý rầy lứa 5 phát triển mạnh ở những diện tích bị đổ. Đối với diện tích lúa gãy, đổ, bà con cần nhanh khắc phục để hạn chế sâu bệnh", ông Dương nói.

Khẩn trương đánh giá thiệt hại, hỗ trợ người dân khôi phục sản xuất. -0

Nhiều diện tích lúa vụ mùa ở tỉnh Thái Bình thiệt hại sau bão số 3. Ảnh: Trung Du

Về thủy lợi, hiện nay, 803 trạm bơm của các địa phương đang vận hành hết tốc lực để tiêu úng trên 85.000 ha lúa, rau màu bị ngập. Dự kiến 2-3 ngày sẽ tiêu hết nước ngập úng. Ông Nguyễn Hồng Khanh, Phó Cục trưởng Cục Thủy lợi cho biết, hoàn lưu của bão số 3 đang gây mưa rất lớn ở các tỉnh Trung du và miền núi phía Bắc, nước đổ về các hồ chứa rất lớn. Trong trường hợp, hồ thủy điện xả lũ thì Cục sẽ chỉ đạo các địa phương vận hành tất cả các tổ máy để kịp thời tiêu thoát nước, hạn chế thấp nhất ngập úng cho hoa màu.

Về lâm nghiệp, TP Hải Phòng, Ninh Bình, Nam Định, Thái Bình một số diện tích cây trồng ngập mặn bị ảnh hưởng nhẹ. Lạng Sơn thiệt hại 2.000 ha và Bắc Giang 5.100 ha rừng trồng. Riêng với Quảng Ninh hiện chưa thống kê được thiệt hại.

Theo lãnh đạo Cục Lâm nghiệp, Cục đã trình lãnh đạo Bộ NN&PTNT ban hành văn bản hướng dẫn các địa phương khắc phục thiệt hại. Theo đó, đối với diện tích rừng không thể phục hồi được sẽ được thay thế và trồng lại trong thời gian ngắn nhất.

Về thủy sản: Theo thống kê, đến nay, bão đã đánh chìm 25 tàu; trên 1.500 lồng bè bị thiệt hại, trong đó Quảng Ninh là địa phương bị thiệt hại nặng nề nhất. Ông Trần Đình Luân, Cục trưởng Cục Thủy sản cho hay, trước khi bão vào, Cục đã có văn bản gửi các địa phương yêu cầu kiểm đếm, kêu gọi các tàu khai thác thủy sản trên biển nhanh chóng di chuyển vào bờ và tìm nơi tránh trú bão an toàn. Đồng thời hướng dẫn ngư dân chằng, chống tàu và lồng bè nuôi trồng thủy sản.

Tuy nhiên, theo ông Luân, bão số 3 có cường độ rất mạnh và có thời gian hoành hành ở Quảng Ninh, Hải Phòng với thời gian 5 giờ nên thiệt hại về lồng bè của ngư dân rất lớn. Do sóng biển quá lớn, nhiều diện tích nuôi hàu bị đứt dây, "đập rụng"; các mô hình nuôi biển bằng lồng HDPE cũng bị sóng đánh rời, số lượng cá trong lồng bị thất thoát ra ngoài lớn. Bão quá mạnh cũng làm cho lồng bè, phao nuôi trồng thủy sản của ngư dân bị đánh vỡ, trôi nổi rất nhiều trên biển, điều này tăng nguy cơ ô nhiễm môi trường nuôi sau khi bão đi qua. Chính vì vậy, Bộ NN&PTNT đã có hướng dẫn địa phương thu gom xử lý, đồng thời xem xét hỗ trợ ngư dân khôi phục sản xuất.

Liên quan đến vấn đề này, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến yêu cầu, Cục Thủy sản phải tổ chức ngay một hội nghị về phục hồi nuôi trồng thủy sản. Theo đó, mời các doanh nghiệp, hiệp hội cùng tham gia để hỗ trợ ngư dân về con giống, thức ăn...

Ông Tiến yêu cầu các đơn vị thuộc Bộ NN&PTNT khẩn trương rà soát, đánh giá cụ thể thiệt hại và hướng dẫn các địa phương khôi phục sản xuất một cách nhanh nhất. Khẩn trương chỉ đạo tiêu nước đệm trên hệ thống sông, kênh mương nội đồng; khoanh vùng những nơi ngập úng cao để có phương án xử lý nhanh; huy động các lực lượng khơi thông dòng chảy trên các kênh tiêu, tôn cao bờ vùng, bờ thửa, bờ kênh tiêu bảo đảm tiêu nước nhanh gọn cho các vùng có nguy cơ ngập úng.

Rà soát, xác định những diện tích có nguy cơ ngập úng cao để theo dõi chặt chẽ và kịp thời khoanh vùng; kiểm tra, rà soát toàn bộ các hồ đập, kênh mương, khơi thông bèo rác, vật cản, bảo đảm luồng tiêu, thoát nước phục vụ sản xuất, sinh hoạt, không để ngập úng xảy ra.

Đối với vùng rau màu bị ảnh hưởng, sau khi nước rút nhanh chóng vệ sinh đồng ruộng, phun phân bón lá, các chế phẩm vi lượng… giúp cây nhanh phục hồi. Chuẩn bị đủ lượng và chủng loại hạt giống rau để sẵn sàng gieo trồng lại khi thời tiết thuận lợi.

Cục Chăn nuôi và Cục Thú y tăng cường tuyên truyền, phối hợp với địa phương tập trung hướng dẫn việc thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch bệnh cho đàn vật nuôi. Kiểm tra, hướng dẫn, đôn đốc thực hiện các biện pháp phòng, chống, chăm sóc, bảo vệ cho vật nuôi sau mưa lũ, kết hợp quản lý, giám sát chặt chẽ tình hình dịch bệnh.

CL
.
.
.