Khai thác tiềm năng trồng rong sụn, nuôi rùa biển ở Bình Định
Trong bối cảnh hiện nay, cường lực khai thác thủy sản ngày càng tăng, nguồn lợi thủy sản có dấu hiệu suy giảm mạnh, nhiều loài hải sản có nguy cơ cạn kiệt thì việc khai thác tiềm năng nuôi trồng thủy sản trên biển, chú trọng bảo tồn, phát triển du lịch sinh thái, chuyển đổi sinh kế cho các chủ tàu cá nhỏ khai thác ven bờ là một trong những giải pháp trọng yếu mà tỉnh Bình Định đang hướng tới.
Bình Định có chiều dài bờ biển hơn 134km và có nhiều đầm phá, hệ thống vịnh, cảng… Đây là một lợi thế để địa phương này mở hướng phát triển nghề nuôi thủy sản trên biển. Tuy nhiên, đến nay toàn tỉnh Bình Định chỉ có hơn 60ha nuôi thủy sản nước mặn, tập trung tại các vùng biển gần bờ ở TP Quy Nhơn, các huyện Phù Cát, Phù Mỹ, chủ yếu ở quy mô hộ gia đình, hệ thống lồng bè theo kiểu truyền thống đơn giản; nhóm nuôi chủ yếu là tôm hùm, cá chẽm, cá bớp, cá hồng, cá mú và mực lá… Song, với hình thức nuôi lồng bè thủ công, nguy cơ về dịch bệnh và ô nhiễm môi trường tăng lên, chất lượng sản phẩm chưa đồng đều.
Theo Chi cục Thủy sản Bình Định, hiện đã có 4 tổ chức cộng đồng/220 thành viên được UBND TP Quy Nhơn công nhận và giao quyền quản lý khu vực biển có diện tích xác định theo Luật Thủy sản 2017 với tổng diện tích giao quyền quản lý hơn 46ha. Khu vực này thuận lợi cho phát triển mô hình trồng rong sụn kết hợp nuôi nhuyễn thể (hàu, bào ngư…), nhằm giảm thiểu ô nhiễm môi trường, phát triển tái tạo nguồn lợi, bảo vệ hệ sinh thái rạn san hô, phát triển du lịch sinh thái và tạo sinh kế bền vững cho các thành viên tham gia tổ cộng đồng.
Bình Định đang triển khai trồng thử nghiệm rong sụn "Kappaphycus alvarezii" tại khu vực biển Hòn Khô, xã Nhơn Hải, TP Quy Nhơn với 12.000 cây giống rong sụn do một công ty cung cấp miễn phí cho Tổ chức cộng đồng bảo vệ nguồn lợi thủy sản xã Nhơn Hải. Kết quả bước đầu cho thấy môi trường nước ở Nhơn Hải rất phù hợp để trồng rong sụn. Ông Trần Văn Vinh, Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản Bình Định chia sẻ, tại Malaysia, người ta phát triển chuỗi du lịch sinh thái rong sụn. Sau khi tham quan cánh đồng rong tuyệt đẹp, du khách sẽ được đưa tới nhà hàng gần đó để thưởng thức món ẩm thực chế biển từ rong biển và cuối cùng là đi đến các cửa hàng bày bán các loại rong biển với nhiều sản phẩm đa dạng và phong phú. "Những gì đang diễn ra ở Nhơn Hải cho thấy chúng ta hoàn toàn có thể làm được điều tương tự", ông Vinh kỳ vọng.
Hiện các mô hình đồng quản lý trong bảo vệ nguồn lợi thủy sản ở khu vực biển vịnh Quy Nhơn (Nhơn Lý, Nhơn Châu, Nhơn Hải, Ghềnh Ráng) đã triển khai và phát huy hiệu quả tốt được Trung ương cũng như nhiều tổ chức quốc tế đánh giá rất cao do có tác dụng tốt, bền vững, nhờ gắn bó mật thiết với sinh kế của cư dân. Thực tế cho thấy các mô hình đã góp phần phục hồi hệ sinh thái rạn san hô, phát triển sinh kế cộng đồng bền vững gắn với du lịch sinh thái, nâng cao nhận thức cộng đồng trong bảo vệ môi trường nguồn lợi, bảo tồn rùa biển, hạn chế tình trạng khai thác bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định… Tín hiệu rất tích cực là từ đầu năm đến nay, tại khu vực biển xã Nhơn Hải đã phát hiện gần 20 cá thể rùa biển sinh sống, có cả những cặp đôi đang giao phối. Sự xuất hiện ngày càng nhiều rùa biển sinh sống ở đây chứng tỏ môi trường biển ở địa phương đang rất tốt. Ngay cả các thảm rêu xanh xuất hiện tại bờ kè Nhơn Hải cũng tạo ra khung cảnh đặc sắc thu hút đông đảo khách du lịch trong và ngoài tỉnh đến tham quan.
Ông Trần Đình Luân, Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản - Bộ NN&PTNT cho biết, trong thời gian tới, Bộ NN&PTNT cùng với Bộ TN&MT sẽ rà soát sửa đổi các chính sách liên quan đến việc giao khu vực biển cho nuôi trồng thủy sản; lấy ý kiến hoàn thiện quy hoạch không gian biển, hoàn thiện tiêu chuẩn, quy chuẩn về nuôi biển và đào tạo nguồn nhân lực.
Ngày 10/3/2023, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 208/QĐ-TTg phê duyệt Đề án chuyển đổi một số nghề khai thác hải sản ảnh hưởng đến nguồn lợi và môi trường sinh thái. Đề án phấn đấu đến năm 2025 chuyển đổi khoảng 2.000 tàu cá hoạt động ở vùng biển ven bờ, vùng lộng đang làm khai thác hải sản sang nghề nuôi trồng thủy sản, dịch vụ nuôi trồng thủy sản, nghề cá giải trí, các nghề mà địa phương đang có định hướng phát triển hoặc tham gia hướng dẫn du lịch trong khu vực bảo tồn, bảo vệ nguồn lợi thủy sản và không vi phạm các quy định của pháp luật.
Tại các vùng biển bãi ngang, vùng cửa sông, ven đảo nơi có tiềm năng, điều kiện phát triển du lịch cần thúc đẩy phát triển nghề cá giải trí, bao gồm các hoạt động: Khai thác cảnh quan, hệ sinh thái biển, chuyển đổi một số tàu cá sang tàu đáy kính để ngắm cá, ngắm rạn sạn hô, lặn ống thở hoặc lặn để ngắm san hô, cỏ biển, cá biển, câu mực, câu cá rạn, lặn săn bắn cá gắn với hoạt dộng dịch vụ ẩm thực, đánh cá trải nghiệm, các hoạt động giáo dục...; hoạt động khai thác hải sản có kiểm soát; hoạt động đánh cá trải nghiệm và các hoạt động giáo dục, giải trí khác.