Khách hàng sợ trắng tay, nhà băng lo nợ xấu
Dịch bệnh khiến nền kinh tế đình trệ, hàng trăm nghìn người vay vốn ngân hàng rơi vào tình trạng nợ nần không thể trả, nguy cơ mất trắng tài sản, trong khi đó, ngân hàng cũng đối mặt với nguy cơ nợ xấu tiềm ẩn.
Khi cả 2 bên đều là nạn nhân của dịch bệnh
Anh Nguyễn Văn Thắng (TP Vinh - Nghệ An) cho biết, cuối năm 2019, anh có vay 300 triệu tại ngân hàng để mua ôtô với mục đích chạy dịch vụ. Ngoài số tiền vay, anh còn bỏ thêm hơn 100 triệu đồng tiền túi vào chiếc xe. Thế nhưng cũng chính thời điểm đó, dịch bắt đầu bùng phát, việc chạy xe của anh gần như ngưng trệ.
“Mỗi tháng, cả tiền gốc và tiền lãi, tôi phải trả ngân hàng gần chục triệu đồng. Thế nhưng dịch bệnh không chạy xe được, ròng rã 2 năm nay, đến cả tiền ăn để duy trì cuộc sống và học hành của gia đình 2 vợ chồng và 2 đứa con còn không đủ, nói gì đến tiền trả nợ. Hiện chiếc xe đã thành hàng thanh lý của ngân hàng, coi như toàn bộ tiền vốn liếng tích cóp dồn vào đó cũng mất trắng. Kể cả bây giờ hết dịch, tôi cũng không biết lấy vốn đâu để bắt đầu lại”, anh Thắng nghẹn ngào chia sẻ.
Cùng cảnh ngộ, chị Hoa (Đống Đa- Hà Nội) cho biết đầu năm 2021, khi thấy dịch bệnh đã cơ bản được khống chế, vợ chồng chị dồn vốn, vay thêm ngân hàng mở nhà hàng ăn uống chuyên về hải sản. Cửa hàng mới mở được 1 tháng, thì dịch bệnh bùng phát lần thứ 4, cả Hà Nội giãn cách, cửa hàng đóng cửa từ tháng 4 đến nay.
“Nửa năm nay không được kinh doanh, trong khi tiền thuê cửa hàng đã trả trước 1 năm, rồi tiền bàn ghế, sửa sang cửa hàng… đều nằm đọng lại đó, trong khi lãi hàng tháng vẫn phải trả ngân hàng khiến gia đình tôi kiệt sức. Cứ đà này, chắc phải bán nhà để trả nợ ngân hàng mất”, chị Hoa lo lắng.
Chị Hoa và anh Thắng chỉ là 2 trong số hàng trăm nghìn người lỡ vay vốn ngân hàng để rồi gặp khó khăn vì dịch bệnh, đối mặt với nguy cơ không trả được nợ, bị siết tài sản. Doanh nghiệp lớn có nỗi lo của doanh nghiệp lớn, khách hàng cá nhân có nỗi lo của khách hàng cá nhân, song đều chung tình trạng dù không muốn chây ì nợ, nhưng hoàn cảnh khiến họ trở thành con nợ bất đắc dĩ. Tuy nhiên ngân hàng cũng chẳng may mắn gì hơn trong trường hợp này, vì là chủ nợ, nhưng nỗi lo nợ xấu, lo mất vốn luôn thường trực.
Việc phải siết tài sản để thanh lý cũng là bất đắc dĩ, và dù có siết tài sản, thì khả năng thu hồi lại đủ vốn cũng hết sức gian nan. Thế nên, chuyện các nhà băng ồ ạt rao bán thanh lý tài sản trong đó có cả nhà đất, xe ôtô nở rộ như “nấm sau mưa”.
Thôi thì thượng vàng hạ cám đủ cả: có những khoản rao bán lên đến hàng trăm tỷ đồng, nhưng cũng có những khoản nợ được rao bán chỉ có giá khoảng vài triệu đồng. Cá biệt, mới đây, thông tin ngân hàng Vietinbank rao bán cả khoản nợ chỉ có giá trị chưa đến 500 nghìn đồng khiến thị trường xôn xao.
Theo đó, VietinBank bán 264 khoản vay của khách hàng cá nhân với tổng giá trị khoản nợ hơn 6,58 tỷ đồng. Trong đó, khoản nợ có giá trị cao nhất trong đợt chào bán này là hơn 100 triệu đồng, còn lại phổ biến từ 5-20 triệu đồng/khoản nợ, bao gồm cả gốc, lãi và lãi phạt. Bên cạnh đó, có nhiều khoản vay có giá trị rất nhỏ, chỉ dưới 1 triệu đồng, thậm chí có khoản vay của khách hàng chỉ có giá trị 483.000 đồng.
Đây không phải là lần đầu tiên ngân hàng này rao bán các khoản nợ tiêu dùng và tương tự. Trước đó, vào hồi tháng 5, VietinBank cũng đăng tải thông tin rao bán 9 khoản nợ tiêu dùng phục vụ đời sống của các cá nhân với giá trị thấp, mỗi khoản dao động từ gần 1,5 triệu đồng đến hơn 16 triệu đồng…
Ngân hàng và nỗi lo nợ xấu tiềm ẩn
Nỗi lo nợ xấu của ngân hàng không phải là không có cơ sở. Công ty chứng khoán SSI Research nhận định nợ xấu tiềm ẩn của các ngân hàng sẽ tăng mạnh hơn trong nửa cuối năm 2021 cũng như nửa đầu năm tới, chi phí dự phòng cho các khoản nợ xấu này sẽ tăng dần cho cả năm 2021 và năm 2022.
Các khoản nợ xấu mới từ khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh sẽ đặt ra những thách thức hơn nữa về vốn cho các ngân hàng. Với mỗi 1% nợ xấu tăng thêm, tỷ lệ an toàn vốn (CAR) ước tính giảm từ 40 đến 80 điểm cơ bản.
Cũng nhận định không mấy tích cực, dự báo của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho thấy, đến cuối năm 2021, có khả năng tỷ lệ nợ xấu nội bảng, nợ bán cho Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC) chưa xử lý và nợ tiềm ẩn trở thành nợ xấu của toàn hệ thống sẽ cao hơn so với mức đã báo cáo Thủ tướng Chính phủ tại Tờ trình số 08/TTr-NHNN ngày 24/2/2021.
Theo đó, tỷ lệ nợ xấu nội bảng toàn hệ thống ước tính ở mức từ 2-3%; tỷ lệ nợ xấu nội bảng, nợ bán cho VAMC chưa xử lý và nợ tiềm ẩn trở thành nợ xấu của toàn hệ thống ước tính ở mức 4-4,5%. Còn theo thông tin từ Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, các khoản nợ xấu tiềm ẩn còn ở mức cao, tổng nợ xấu nội bảng, nợ bán cho VAMC chưa xử lý và nợ tiềm ẩn trở thành nợ xấu của toàn hệ thống các tổ chức tín dụng là 483.200 tỷ đồng, tương ứng tỷ lệ 4,71%...
Mới đây, trong văn bản tham gia ý kiến đánh giá kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế xã hội, Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam nhận định các tổ chức tín dụng cũng là đối tượng chịu ảnh hưởng nặng nề bởi dịch COVID-19, song vẫn chia sẻ, hỗ trợ các khách hàng chịu ảnh hưởng bởi đại dịch bằng cách tiết giảm chi phí, giảm lương, thưởng để miễn giảm lãi, phí... cho khách hàng. Vì vậy các tổ chức tín dụng cũng rất cần được chia sẻ, hỗ trợ của Chính phủ và các Bộ, ngành để có thêm điều kiện, nguồn lực hỗ trợ doanh nghiệp và người dân.