Kết nối lao động để phục hồi kinh tế

Thứ Sáu, 05/11/2021, 08:59

Từ đầu tháng 10/2021, các địa phương phía Nam nới lỏng giãn cách để phục hồi sản xuất kinh doanh (SXKD), nhưng hàng trăm ngàn lao động đã rời các đô thị công nghiệp ở TP Hồ Chí Minh, Bình Dương, Đồng Nai, Bà Rịa – Vũng Tàu, Long An… trở về địa phương. Sự dịch chuyển này khiến doanh nghiệp (DN) gặp khó khăn.

Các chuyên gia cho rằng, lao động không còn là vấn đề riêng của mỗi DN, mà cần sự liên kết nhiều bên để kết nối thị trường lao động, phục hồi kinh tế.

Trong làn sóng dịch COVID-19 lần thứ 4, hai ngành suy giảm mạnh nhất là thương mại và công nghiệp chế biến, chế tạo; ngành xây dựng cũng giảm sâu, các công trình ngưng trệ... Theo thống kê, trong quý III-2021, chỉ số sản xuất công nghiệp của nhiều tỉnh, thành Đông Nam Bộ, Tây Nam Bộ giảm sâu do nhiều DN sản xuất công nghiệp ngừng hoạt động. Riêng ĐBSCL ngành chế biến thủy sản bị tác động mạnh nhất, do nhà xưởng không đáp ứng yêu cầu ăn, nghỉ tại chỗ cho công nhân. Sự đứt gãy chuỗi cung ứng nguyên liệu, thị trường xuất khẩu gặp khó cũng làm cho DN khó duy trì phương án “3 tại chỗ”.

Đối với các DN hoạt động “3 tại chỗ” cũng duy trì không quá 30% công suất, chi phí hoạt động của nhiều DN tăng lên. Hàng loạt DN đóng cửa, kéo theo tỷ lệ lao động thất nghiệp tăng cao. Theo Tổng cục Thống kê, quý III/2021, tác động tiêu cực của dịch COVID-19 đã làm ảnh hưởng không chỉ DN mà người lao động cũng thiệt hại kép. Chỉ riêng quý III, lực lượng lao động từ 15 tuổi trở lên (49,1 triệu người) giảm 2 triệu người so quý II, giảm 2,2 triệu người so với cùng kỳ năm 2020. Thu nhập bình quân của lao động trong quý III là 5,2 triệu đồng/ người/ tháng, giảm 877.000 đồng so với quý II, giảm 603.000 đồng so cùng kỳ năm trước. Người làm việc trong khu vực dịch vụ, công nghiệp, xây dựng chịu ảnh hưởng nặng nề nhất.

Chuyên gia kinh tế Nguyễn Xuân Thành, Trường Chính sách công và Quản lý Fulbright cho biết: “Ở TP Hồ Chí Minh, đợt giãn cách vừa qua, chỉ có 18% lao động được duy trì để sản xuất “3 tại chỗ” tại 17 khu công nghiệp, khu chế xuất, tức là lao động đã suy giảm 82%. Theo tính toán của chúng tôi, chi phí thực hiện “3 tại chỗ” gồm: logistics, ăn, ở, xét nghiệm bình quân/lao động/tháng lên đến 9,3 triệu đồng. Trong điều kiện bình thường, DN trả các khoản thu nhập, đóng bảo hiểm… cho lao động bình quân khoảng 9 triệu đồng/người/tháng. Chi phí tăng thêm thời gian thực hiện giãn cách thực sự là gánh nặng với DN”.

Thực tế, trong điều kiện bình thường, hàng triệu lao động ở khu vực ĐBSCL, Tây Nguyên… di cư đến các đô thị công nghiệp tìm sinh kế, nhưng giãn cách xã hội và nhà máy, công trường đóng cửa, lao động thất nghiệp kéo dài nên khi các địa phương mở cửa, dòng lao động trở về địa phương. Điều này tạo ra sự thiếu hụt cục bộ về lao động ở các đô thị công nghiệp như TP Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Bình Dương. Thậm chí các địa phương ĐBSCL cũng gặp phải tình trạng này. Theo phản ánh của một số DN ngành may mặc, chế biến thủy sản ở TP Cần Thơ, nhiều lao động của DN cư trú tại Đồng Tháp, Vĩnh Long, An Giang… trong thời gian nhà máy ngừng hoạt động, họ trở về quê. Vậy nên cần chính sách nhất quán để nối lại thị trường lao động, đó cũng là mấu chốt cho khôi phục sản xuất.

1.jpg -0
Lao động quay trở lại làm việc tại các thành phố lớn. Ảnh: TTXVN.

Ngày 11/10/2021, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 128/NQ-CP quy định tạm thời “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19”, 1 trong 4 quan điểm của Nghị quyết là bảo đảm “mục tiêu kép” nhưng đặt sức khỏe, tính mạng người dân lên trên hết, trước hết; các giải pháp phòng, chống dịch phải dựa trên cơ sở khoa học, phù hợp với thực tiễn và điều kiện của đất nước; đảm bảo người dân được bảo vệ tốt nhất trước dịch bệnh, được tiếp cận dịch vụ y tế sớm nhất, nhanh nhất, ngay từ cơ sở; nhưng không gây ách tắc cho lưu thông, sản xuất. Đây là cơ sở để các địa phương kết nối lại, cùng cộng sinh để phát triển.

Mới đây, tại hội thảo “Bức tranh kinh tế Việt Nam và ĐBSCL dự báo kinh tế quý IV và triển vọng 2022”, chia sẻ về các thách thức mà DN đã và đang đối mặt, TS Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam, cho rằng: “DN đau cả nền kinh tế ốm. Nên cần sự chung tay của chính quyền và DN, kết nối chặt chẽ để lao động trở lại nhà máy, công trường, hàng hóa có thể đến thị trường. Muốn vậy thì cả nước, cả vùng phải chung tay mở cửa”.

TS Huỳnh Văn Tùng, Viện trưởng Viện Kinh tế - xã hội TP Cần Thơ cho biết: “DN TP Cần Thơ có sử dụng lao động ngoại tỉnh, nhưng tỷ lệ thấp hơn so với lao động trên địa bàn thành phố. Trong quý IV-2021 chúng ta chưa đặt mức kỳ vọng các DN và nền kinh tế sẽ mở cửa hoàn toàn 100%. Cá nhân tôi cho rằng đây là phương án hợp lý trong bối cảnh tình hình COVID-19 chưa hoàn toàn được kiểm soát. Tuy nhiên, các địa phương đã nới lỏng việc đi lại cho người lao động sau khi tiến độ tiêm vaccine đạt độ phủ quy định và người lao động ngoại tỉnh có thể trở lại làm việc khi DN mở cửa hoàn toàn. Hơn nữa, Chính phủ cũng đã ban hành quy định tạm thời “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19” hướng dẫn thống nhất cho các địa phương thực hiện nhằm đưa cả nước chuyển sang trạng thái “bình thường mới” sớm nhất có thể, phấn đấu trong năm 2021”.

Theo TS Tùng, khả năng cao là nguồn cung lao động tại TP Cần Thơ sẽ tăng khi nền kinh tế dần mở cửa trở lại. Sau đại dịch, người lao động ĐBSCL sẽ có xu hướng lựa chọn điểm đến an toàn hơn sau cú sốc của đại dịch trong những tháng qua.

Theo các chuyên gia, DN cần tái cấu trúc lao động, thúc đẩy các biện pháp thu hút lao động. Đồng thời, vai trò của các Trung tâm giới thiệu việc làm, các sàn điện tử việc làm trong giai đoạn này rất quan trọng, cho đến khi cung - cầu thị trường đạt trạng thái như trước khi đại dịch xảy ra. Các trung tâm đào tạo nghề cũng cần các phương án đào tạo để giúp người lao động thất nghiệp có thêm kỹ năng để đáp ứng tốt cho công việc.

Đ.Văn - B.Gia
.
.
.